Nhà văn Nam Hà: Tổ quốc là bất tử!

Nguyễn Minh Nguyên| 02/10/2014 15:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vào một ngày đầu thu, tôi được gặp nhà văn Nam Hà, tác giả bài thơ đi cùng năm tháng tôi yêu thích từ ngày học phổ thông “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi,Việt Nam ơi! “

Bỏ lại sau lưng cái ồn áo phố phường sầm uất, tôi rẽ vào con ngõ yên tĩnh, đến nhà riêng của ông ở ngõ 8, phố “nhà binh” Lý Nam Đế (Hà Nội). Nhà văn Nam Hà nhẹ nhàng ra mở cửa cho tôi. Bà Phương vợ ông, một giáo viên tiếng Pháp đã nghỉ hưu, đang bận rộn bếp núc. Nhà văn Nam Hà năm nay đã bước vào tuổi 80, sức khỏe có phần giảm sút đi nhiều, phần vì bao năm trong chiến trường, phần vì tuổi già, bệnh tiểu đường hành ông dai dẳng, nhưng minh mẫn, tinh anh.

Chúng tôi chuyện trò rôm rả, về những năm tháng nhà văn vào Nam chiến đấu, về báo chí, về văn chương. Khi tôi nhắc đến bài thơ “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi!” ông như một con người khác, hào hứng, khỏe khoắn hẳn lên!

Nhà văn Nam Hà kể, năm 1964, ông từ Tạp chí Văn nghệ quân đội được điều vào Nam. Ông ở trong đơn vị đóng quân thuộc khu 6, miền Đông Nam bộ, một chiến trường thiếu thốn và cực kỳ gian khổ. Ông viết bài thơ  này cùng năm 1964 khi đang cùng đồng đội hành quân trên con đường Trường Sơn huyền thoại.  Nhà văn và đồng đội đang đi vào nơi ác liệt nhất, gian khổ nhất, hy sinh sẽ nhiều nhất, nhưng cũng hào hùng, vinh quang nhất. Tự nhiên trong tâm trí ông, lịch sử dân tộc hiện lên đậm nét. Xúc cảm dâng  trào, những dòng thơ được viết ra. Nam Hà chọn cách viết theo  nhịp  hành khúc của người lính: Đường dài đi giữa Trường Sơn/ Nghe vọng bài ca đất nước/ Đất nước/ Bốn ngàn năm không nghỉ/ Những đạo quân song song cùng lịch sử/ Đi suốt thời gian, đi suốt không gian/ Sừng sững dưới trời anh dũng hiên ngang.

Bài thơ dang dở. Đến tháng 6 năm 1966, ông tham gia một trận đánh ở Bình Thuận. Trận này địch đông hơn ta nhiều lần, nhưng đơn vị ông thắng trận. Các chiến sĩ mặt mày nhem nhuốc, quần áo tơi tả như thể vừa ở trong đám cháy chạy ra. Vậy mà, ai cũng tươi cười, mặt mày rạng rỡ! Đơn giản vì các anh vừa đánh thắng! Ở đây không có phụ nữ nên anh em “khỏa thân” nhảy ngay xuống suối tắm. Nam Hà ngồi tựa lưng vào gốc cây đa trên bờ làm tiếp bài thơ dở dang hai năm trước trong niềm vui còn vương khói súng. Ông đã viết liền một mạch xong bài thơ. Cả bài gồm 54 câu, 10 khổ, chỉ sửa có hai từ. 

Nhà văn Nam Hà: Tổ quốc là bất tử!

Nhà văn Nam Hà

Lúc đầu tên bài thơ là “Chúng con chết cho Người sống mãi, Việt Nam ơi!” Nhưng một anh cán bộ đại đội góp ý, nên thay từ “chết” bằng từ “chiến đấu”. Bài thơ đã được sửa ngay lúc đó: Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi!, hay hơn nhiều. Ông nhờ cơ quan TTXVN khu 6 đánh têlêtíp  gửi ra Bắc. Bài thơ được đăng trên báo Nhân Dân sau đó. Một đêm trong chương trình Tiếng thơ Đài Tiếng nói Việt Nam, Nam Hà nghe nghệ sĩ Linh Nhâm ngâm bài thơ của mình. Ông vui sướng  vô cùng! Vậy là bài thơ đã được đăng tải, phổ biến rộng rãi. Sau bài này ông viết tiếp được hơn 40 bài, tập hợp,  in thành tập thơ Khi tổ quốc gọi lên đường (NXB Giải phóng, 1976), trong đó bài Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi!có sức vang xa nhất.

Nhà văn Nam Hà tâm sự, ông có những kỷ niệm sâu sắc về bài thơ này. Vào năm 1973, theo Hiệp định Paris, ta và địch trao trả tù binh. Hai điểm được ấn định trao trả tù bình, là bờ sông Thạch Hãn và  sân bay Lộc Linh. Hôm đó ông có mặt ở sân bay Phú Bài. Một chiếc máy bay vận tải C130 của Mỹ hạ cánh xuống sân bay. Anh em tù Côn Đảo của ta được trao trả, mừng vui khôn xiết! Ông được giới thiệu với mọi người: “Đây là nhà văn Nam Hà”. Nghe vậy, anh em vừa ra tù ôm lấy ông, cám ơn ông không ngớt. Nam Hà rất ngạc nhiên: “Tôi đã làm được gì cho các đồng chí đâu mà các đồng chí cảm ơn?”. Họ nói rằng: Trong chuồng cọp Côn Đảo, tù nhân nghe được bài thơ Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi! qua những chiếc đài con được bí mật gửi vào. Anh em  thuộc bài thơ. Khi bọn cai ngục đưa họ đi tra tấn, trên đường đi họ hát những câu thơ: Đất nước/ Của những người con gái con trai/Đẹp như hoa hồng cứng hơn sắt thép/ Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt. Qua bài thơ, Tổ quốc sống mãnh liệt trong tim những chiến sĩ cách mạng bị giam cầm trong “địa ngục trần gian”. Bài thơ đã tiếp thêm sức mạnh cho họ, bồi đắp cho họ niềm tin vào chiến thắng  cuối cùng sẽ đến. Hôm nay những người con gái, con trai Đẹp như hoa hồng cứng hơn sắt thép ấy bất ngờ được gặp tác giả! Niềm vui vỡ òa!

Một kỷ niệm khác ,vào những năm 80 của thời bao cấp thế kỷ trước, nhà văn Nam Hà xếp hàng  mua vé ở bến xe Vinh đi Hà Nội. Ông là thương binh nên được ưu tiên mua vé trước. Đến lượt ông, nhân viên bán vé xướng tên: “Nam Hà”. Mọi người  ồ lên:“ Nam Hà, nhà thơ! Đọc cho chúng tôi nghe bài thơ Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi! đi !”. Nam Hà liền đọc ngay bài thơ. Mọi người vây quanh ông, vỗ tay reo hò! Có anh bảo chính vì bài thơ mà anh hăng hái lên đường tòng quân đánh Mỹ! Ông cảm thấy đây là niềm hạnh phúc lớn lao, một phần thưởng vô giá cho tác giả bài thơ.

Sau này, thỉnh thoảng nhà văn Nam Hà lại nhận được thư, điện, lời chúc của  học sinh,  sinh viên, giáo viên, nhà khoa học, giáo sư… chúc mừng  thành công của bài thơ “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi!”. Người hâm mộ xin ông chép tay bài thơ, ký kỷ niệm gửi cho họ. Ông đã đáp ứng thịnh tình của bạn đọc gần xa.

 Nhà văn Nam Hà năm nay đã bước vào tuổi 80. Sau năm 1975, chiến tranh kết thúc, ông trở lại Tạp chí Văn nghệ quân đội, tiếp tục công tác, tiếp tục sáng tác, đóng góp cho văn học nước nhà những tác phẩm lớn về đề tài chiến tranh. Hơn 30 cuốn sách của ông  gồm tiểu thuyết, tùy bút, bút ký, ký sự, thơ… đã được xuất bản. Trong đó có những tiểu thuyết sử thi như Trong vùng Tam giác sắt (NXB QĐND,1996), Đất miền Đông (NXB QĐND,1996), Ngày rất dài (NXBQĐND,2003).

Ông cho biết, nội dung cuốn Đất miền Đông có tính phản biện cao về đường lối chiến tranh của ta nên suýt nữa thì không in được. Nhờ có sự  “bảo lãnh” của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Giám đốc Học viện Quốc phòng khi Thượng tướng đánh giá: “Đây là một tiểu thuyết có giá trị về mặt quân sự”, mà NXB Quân đội nhân dân mới đồng ý xuất bản. In xong ông đã gửi biếu Thủ tướng Phạm Văn Đồng một cuốn. Thủ tướng đã đọc và gửi thư hoan nghênh nhà văn. Hiện nay ông vẫn giữ được bức thư này. Cả hai bộ bộ tiểu thuyết Trong vùng Tam giác sắt, Đất miền Đông, dày 3200 trang, đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007. Tiếp đến là bộ tiểu thuyết Ngày rất dài (NXB QĐND, 2003), được tặng Giải thưởng của Bộ Quốc phòng. Năm 2009, nhà văn cho ra mắt tiểu thuyết cũng mang dáng dấp sử thi Thời hậu chiến (NXB QĐND, 2009). Viết xong Thời hậu chiến, sức khỏe của nhà giảm sút kém nhiều nên ông đã ngừng hẳn việc viết văn.

Không viết văn nữa, nhưng hàng ngày nhà văn Nam Hà vẫn đọc sách báo, theo dõi tin tức thời sự. Những ngày Trung Quốc gây hấn, hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng biển nuớc ta, một lần nữa, vận mệnh của Tổ quốc lại đặt ra với mỗi người Việt Nam, trong đó có các nhà văn. Tôi hỏi ông có suy nghĩ gì về thời cuộc, nhà văn Nam Hà đau đáu: “Tổ quốc là vĩnh cửu, đề tài Tổ quốc  là mãi mãi với các nhà văn. Cảm hứng về Tổ quốc không bao giờ cũ. Nó luôn mới! Các nhà văn, nhà thơ  phải viết nhiều về đề tài này để góp phần bảo vệ biên giới, bảo vệ biển trời của Tổ quốc. Bỏ quên Tổ quốc là nhà văn có tội với nhân dân, có lỗi với lịch sử”.

Từ nhà văn Nam Hà mái đầu bạc trắng, sức lực đã hao mòn, nhưng vẫn toát ra một cái gì đó thật vững chắc  được tôi luyện qua chiến tranh. Nửa thế kỷ đã trôi qua từ khi nhà văn viết bài thơ “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi!”. Sau lưng ông là chồng sách cao mà ông đã để lại cho đời, một tài sản tinh thần giàu có. Ông từng nói: “Sau chiến tranh tôi là người có lãi!”. Trong các tác phẩm đó, bài thơ “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi!”  luôn có ý nghĩa thức tỉnh, theo tôi, là một trong những bài thơ hay nhất của nền thơ ca Việt Nam.

8/2014                                                                          

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Nam Hà: Tổ quốc là bất tử!