Khoảng 3 năm trở lại đây, điểm sinh hoạt văn hoá ở Khu phố 4 cũ (Khu phố 23 mới), phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM trở thành bãi giữ xe bất hợp pháp. Người dân nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương nhưng không được xử lý, ngược lại quy mô bãi giữ xe này ngày càng mở rộng.
Báo Công lý nhận nhiều phản ánh của các hộ dân sinh sống gần điểm sinh hoạt văn hoá (gọi tắt là nhà văn hoá) ở Khu phố 4 cũ (Khu phố 23 mới), phường 25, quận Bình Thạnh về việc chiếm dụng không gian của nhà văn hoá để làm bãi giữ xe trái phép.
Ngày 11/9, ghi nhận thực tế của phóng viên, toàn bộ khuôn viên nhà văn hoá được trưng dụng để làm bãi giữ xe máy và xe ô tô. Khu vực sân tập thể dục cùng các vật dụng được thu gọn vào một góc.
Thời điểm chúng tôi có mặt, hàng trăm xe máy bao phủ khu vực sân và các tuyến đường lân cận như D2 cũ (nay là đường Nguyễn Gia Trí), Võ Oanh, phường 25... Nếu không quan sát kỹ, ít ai biết rằng đây là điểm sinh hoạt chung của cộng đồng.
Người giữ xe tại nhà văn hoá cho biết, phí gửi xe ô tô ở đây là 30.000 đồng (áp dụng dưới 5 giờ), trên 5 giờ sẽ tính thêm tiền; riêng xe máy gửi với giá 5.000 đồng lần, nhà văn hoá nhận giữ xe từ sáng đến 23 giờ khuya mỗi ngày.
Theo người dân, khuôn viên phía trong nhà văn hoá do những người làm việc ở khu phố trông giữ, thu tiền. Các khoản tiền này hoàn toàn không được công khai đến người dân.
Còn tuyến đường xung quanh nhà văn hoá như đường Nguyễn Gia Trí, Võ Oanh xuất hiện các điểm giữ xe tự phát, người dân cho biết, những người bên trong khu phố cho người khác thuê lại mặt bằng để trông giữ xe.
Một người nhận giữ xe ở đường Nguyễn Gia Trí cho phóng viên biết, giá 1 giờ giữ xe tại đây là 5.000 đồng (áp dụng dưới 5 giờ), nếu giữ trên 5 giờ sẽ là 10.000 đồng.
Việc giữ xe trái phép ở các tuyến đường lân cận nhà văn hoá không chỉ gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mà còn cản trở việc đi lại, sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
“Các tuyến đường ở đây được quy hoạch khá rộng, xe ô tô có thể vào ra thoải mái, nhưng giờ 2 xe máy đi tránh nhau cũng khó vì diện tích đất đã bị chiếm dụng để giữ xe. Mấy năm trước, chính quyền vận động chúng tôi đóng góp để xây dựng nhà văn hoá, nâng cấp đường sá nhưng sau đó lại sử dụng để làm bãi giữ xe, tôi không biết tình trạng này sẽ tồn tại đến bao giờ, người dân ai cũng bức xúc”, ông T., người dân sống ở Khu phố 23 nói.
“Khu vực này có rất nhiều người già, trẻ em, hàng ngày mọi người muốn ra nhà văn hoá để vui chơi, tập thể dục nhưng từ ngày nhà văn hoá biến thành bãi giữ xe, chúng tôi đành bất lực, đôi lúc muốn đi bộ phải đi ra khuôn viên các chung cư để đi "ké". Nhiều lần chúng tôi phản ánh, thậm chí có biên bản ghi nhận ý kiến, nhưng không hiểu sao chính quyền không xử lý, ngược lại quy mô bãi giữ xe ngày càng được mở rộng”, một người dân khác bức xúc nói.
Không chỉ chiếm dụng không gian chung làm bãi gửi xe, khu vực phía trước nhà văn hoá còn cho thuê ki ốt để bán nước, bàn ghế bày tràn lan ra đường.
Thậm chí nơi đây còn ngang nhiên đặt các bảng hiệu giữ xe trái phép để thu hút khách.
Còn tại chốt bảo vệ dân phố, người dân phản ánh khu phố sử dụng để tập kết bàn ghế cho các điểm kinh doanh thuê chứ không hoạt động đúng như chức năng ban đầu.
Khoảng hơn giờ đồng hồ quan sát, chúng tôi thấy khu vực bãi giữ xe tấp nập người ra vào giữ xe, mọi thứ diễn ra ngang nhiên trước sự bức xúc của các hộ dân.
Đáng nói, khu vực nhà văn hoá chỉ cách trụ sở UBND phường 25, quận Bình Thạnh không xa. Tuy nhiên, các điểm giữ xe này vẫn ngang nhiên tồn tại nhiều năm qua. Không biết rằng do chính quyền địa phương không để ý hay còn uẩn khúc nào phía sau?
Từ ngày các điểm giữ xe mọc lên, người dân sống xung quanh như mất đi điểm sinh hoạt cộng đồng, nhiều người già muốn ra tập thể dục, trẻ em muốn vui chơi nhưng họ luôn lo sợ mất an toàn, thậm chí còn e lại khi đến nhà văn hoá.
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Công lý, ông Nguyễn Tấn Phát – Phó Chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh khẳng định, việc giữ xe ở nhà văn hoá và các tuyến đường xung quanh là tự phát, không đúng quy định.
Ông Phát cho biết, phường ra quân thường xuyên, tuy nhiên sau khi ra quân xong, khoảng vài ngày, người dân lại tiếp tục trông giữ xe như cũ.
Nói về biện pháp, ông Phát cho biết sẽ phường sẽ ban hành kế hoạch liên ngành phối hợp với Công an quận để kiểm tra, xử lý.
“Phường sẽ phối hợp với Đội CSGT-TT Công quận, phường sẽ xử lý về lấn chiếm, CSGT sẽ xử lý về an toàn giao thông. Đối với các hộ dân tiếp tục giữ xe, phường sẽ phối hợp với Công an để giam giữ xe luôn”, ông Phát cho hay.
Ông Phát khẳng định, phường 25 kiên quyết trong việc xử lý các điểm giữ xe trái phép trên địa bàn.
Nhà văn hoá là nơi tổ chức hội họp, sinh hoạt của tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể tại địa phương; là nơi tổ chức tập luyện, biểu diễn, giao lưu văn hoá, văn nghệ, thi đấu thể thao, đọc sách, báo; tổ chức triển lãm, truyền thanh, sinh hoạt câu lạc bộ và các hoạt động vui chơi giải trí phục vụ người dân…
Việc chiếm dụng không gian cộng đồng vào mục đích khác đều vi phạm. Trước thực trạng trên, đề nghị chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc xử lý các điểm giữ xe trái phép, trả lại không gian sinh hoạt cho người dân trên địa bàn.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.