Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hãy cẩn thận với chủ nghĩa hình thức của thi ca

Hà Thu| 06/03/2015 05:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhân dịp Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13 đang diễn ra, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội Nhà văn Á-Phi xung quanh chủ đề hướng về biển đảo năm nay.

PV: Ông có nhận định như thế nào về Ngày hội thơ năm nay trong sự chờ đợi của rất nhiều khán giả yêu thơ trong và ngoài nước?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ là ngày hội thơ năm nay mở ra những điều mới mẻ cho các nhà thơ, những người yêu thơ đến từ Việt Nam cũng như những người bạn quốc tế.

Tại đây, chúng ta có thể nghe được nhiều giọng thơ từ những nền văn hóa khác biệt, từ những thể chế chính trị khác biệt. Tất cả đến đây và  đều mang chung một tình yêu thi ca rất lớn.

Những nhà thơ của Việt Nam đem đến tình yêu thi ca của mình đến với bạn bè quốc tế, và giới thiệu với bạn bè năm châu đất nước, con người Việt Nam. Đặc biệt, với chủ đề hướng về biển đảo quê hương, các nhà thơ Việt Nam và những người yêu thơ, còn khẳng định với bạn bè năm châu về tinh thần cũng như lòng quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc với một tình yêu son sắt .

Trong những ngày qua, những nhà thơ quốc tế đã bày tỏ tình yêu của họ đối với đất nước, con người Việt Nam, đối với nền văn hóa này. Bên cạnh đó, họ cũng đã bày tỏ sự hiểu biết của mình về đất nước chúng ta, về nền thi ca của chúng ta.

PV:Thưa ông, tại sao Ngày thơ năm nay lại tiếp tục chọn chủ đề là hướng về biển đảo quê hương?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Cá nhân tôi cũng như tư tưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam đều nhận thấy rằng chủ đề về biển đảo quê hương hay bảo vệ lãnh thổ của đất nước, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc là chủ đề vĩnh hằng bất kể thời  gian nào.

Tôi nghĩ mọi thế hệ, cả về sau này, khi mà không còn sự đe dọa về nền hòa bình của dân tộc, của đất nước và khi nền hòa bình đã tràn ngập khắp các nước trên thế giới rồi thì chúng ta vẫn phải nhắc nhở mọi người về điều đó, cũng có nghĩa là gián tiếp nhắc nhở mọi người về tình yêu quê hương đất nước của tất cả mọi người, kể cả giới văn nghệ sỹ.

Đây còn là chủ đề lớn của đất nước, và nó sẽ là chủ đề xuyên suốt trong Ngày thơ các năm tiếp theo.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hãy cẩn thận với chủ nghĩa hình thức của thi ca

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại Ngày hội thơ Việt Nam

PV: Chủ đề hướng về biển đảo quê hương đã được thể hiện như thế nào trong ngày thơ năm nay, thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chúng tôi đã tiến hành nhiều cuộc hội thảo trước khi sự kiện này diễn ra. Tại đây, các bản tham luận của các nhà thơ, các nhà nghiên cứu và giới chuyên môn đã đề cập đến vấn đề này. Trong những năm tháng chiến tranh của Việt Nam, thơ ca đã cùng với quân đội, cùng với nhân dân và tất cả các lực lượng bảo vệ tổ quốc.

Đồng thời, năm nay các nhà thơ sẽ phải khai thác sâu hơn nữa về đời sống của những người lính đang trực tiếp chiến đấu, bảo vệ nơi biển đảo của Tổ quốc và cũng sẽ khai thác sâu hơn đời sống tinh thần của họ. Ở đó, chúng tôi sẽ khai thác một đời sống tinh thần không khô cứng của những người lính.

Năm nay, các nhà thơ nước ngoài cũng mang đến những bài nghiên cứu, và cả những bài thơ của mình nói về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Và năm nay, chúng tôi sẽ xuất bản tập thơ mang tên “Khát vọng hòa bình” gồm 108 bài thơ viết về chiến tranh của Việt Nam.

Thông qua đây, chúng ta muốn nói với bạn bè năm châu rằng những gì chúng ta làm là cầm súng, là chiến đấu để bảo vệ nền hòa bình vĩnh viễn của dân tộc Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hãy cẩn thận với chủ nghĩa hình thức của thi ca

Mặc dù trời mưa nhưng rất đông các nhà thơ, những người yêu thơ trong và ngoài nước có mặt tại Văn Miếu để dự Ngày hội thơ Việt Nam lần thứ 13 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức

PV: Đây là lần thứ 13 Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Ngày Thơ Việt Nam, vậy thì Ngày Thơ Việt Nam năm nay có những điểm mới khác biệt nào?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ rằng chỉ cần thi ca hiện diện nó đã mang đến những điều mới mẻ trong tâm hồn mỗi người. Bởi vì mỗi ngày có đông hơn những bạn đọc, những cơ quan truyền thông quan tâm đến Ngày thơ nhiều hơn, đầy đủ và kỹ lưỡng hơn. Các nhà thơ nước ngoài cũng đến nhiều hơn.

Năm nay lại là một năm tương đối đặc biệt vì chúng ta có đại diện thi ca của hầu hết các châu lục trên toàn thế giới, từ Châu Á Thái Bình Dương đến một số đại diện đến từ các nước Châu Âu, Châu Phi và một số nước Mỹ latinh như Cuba, Colombia, Veluezuela…Tất cả tạo nên tiếng nói chung của thi ca toàn thế giới.

Chúng ta gửi thông điệp tới bạn bè thế giới và bạn bè quốc tế đến đây cũng cất tiếng nói về độc lập dân tộc của họ và của nhân loại.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hãy cẩn thận với chủ nghĩa hình thức của thi ca

PV:Thưa ông, trong thời điểm hiện nay, thi ca Việt Nam sẽ phát triển như thế nào khi mà nền kinh tế thị trường, văn hóa hội nhập ngày càng lấn sâu trong đời sống? Và theo ông, cần phải làm gì để thơ ca thích ứng với những điều kiện như vậy?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Từ xưa cho đến nay, thi ca luôn gắn liền với vận mệnh của con người, vận mệnh của tổ quốc và không thể xa rời hiện thực của đời, thi ca đang áp sát ngày càng sâu đối với hiện thực của đời sống xã hội hiện nay, nó vừa phát hiện vừa làm nổi bật những vẻ đẹp của hiện thực đời sống đó, và luôn chứa đựng những vấn đề mang tính thời sự, những vấn đề lớn lao của đất nước nhưng thi ca vẫn mang vẻ đẹp vốn có của ngôn ngữ thi ca.

Trong bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ rằng có những thị hiếu mà thơ ca không thể đáp ứng nhưng có những nhu cầu về mặt tâm hồn của con người thì thơ ca phải đáp ứng. Thơ ca phải lên tiếng về những điều cụ thể nhất đang diễn ra hàng ngày xung quanh chúng ta cũng như lên tiếng về những thứ được gọi là vĩnh hằng như tình yêu, vẻ đẹp của văn hóa. Và thơ ca Việt Nam hiện đang làm được điều đó.

Tất cả các thế hệ nhà thơ của Việt Nam bước ra từ hai cuộc kháng chiến của dân tộc là chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến các nhà thơ trẻ hiện nay, bằng phong cách riêng của mỗi người, họ vẫn có tiếng nói chung, lên tiếng về những gì đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Có những nhà thơ trẻ viết về những trận động đất, những cơn đói của người dân Châu Phi hay viết về nỗi đau đớn của con người bằng một tình yêu con người cháy bỏng và lòng trắc ẩn trong mỗi trái tim nhà thơ.

Bên cạnh đó, các nhà thơ trẻ mang đến thi pháp mới cho thi ca Việt Nam mang đậm hơi thở của cuộc sống. Và tôi nghĩ, thơ ca Việt Nam hiện nay đang phát triển, đang chiếm dần vị trí của mình trong khu vực và trên thế giới.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hãy cẩn thận với chủ nghĩa hình thức của thi ca

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và tập thơ Châu thổ

PV: Mặc dù vậy vẫn có nhiều ý kiến hiện nay cho rằng thi ca Việt Nam vẫn đang thiếu những tác phẩm có thể tạo được một sự  bùng nổ hay một hiệu ứng xã hội rộng lớn giống như trước kia. Vậy ông nghĩ sao về ý kiến này?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Nếu chúng ta xem lại lịch sử của thơ ca, của văn học Việt Nam thì sẽ thấy không phải năm nào sự bùng nổ cũng có. Như tôi đã từng nói, thơ ca không phải như trồng một vụ khoai tây mà thơ ca phải là trồng một giấc mơ dài, trồng một vẻ đẹp và nó cần thời gian.

Hiện nay, các dấu hiệu của nhà thơ trẻ đã cho thấy điều đó. Chúng ta có thể hy vọng thế hệ của họ sẽ tạo nên sự bùng nổ cho thi ca Việt Nam vào một thời điểm thích hợp.

Bây giờ thì có quá nhiều khó khăn, việc phát triển nhiều phương tiện truyền thông, các loại hình giải trí cũng lấn át phần nào sự phát triển của thi ca. Có nhiều nhà thơ rất đáng để chúng ta nhắc đến nhưng chưa được đề cập xứng đáng.

PV: Hiện nay có một hiện tượng làm thơ và tự in thành tập thơ khiến nhiều người cho rằng, dường như mọi người đều có thể trở thành nhà thơ, trong khi đó chúng ta đang thiếu những bài thơ thực sự theo đúng nội dung và hình thức. Vậy theo ông, làm thế nào để chúng ta có thể cân bằng giữa nhu cầu làm thơ và những bài thơ thực sự đúng nghĩa, thay vì hiện tượng làm thơ như hiện nay?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Trước hết chúng ta phải phân ra rõ ràng, một là những cái được gọi là biểu lộ của đời sống thi ca, hai là thi ca thực sự.

Đời sống thi ca có nghĩa là người ta có thể làm thơ, ngâm thơ, đọc thơ và có thể sinh hoạt theo hình thức các câu lạc bộ thơ ca. Và chúng ta phải đẩy chất lượng của đời sống thi ca lên để xứng tầm với thời đại và xứng với nền thi ca của khu vực và trên thế giới. Không có đời sống thi ca, tức là không có các câu lạc bộ những người yêu thơ thì sẽ không thể mang thơ ca đến được với đông đảo bạn đọc.

Tôi nghĩ rằng, sau lần tổ chức Ngày thơ Việt Nam tới, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ xem lại toàn bộ 13 lần tổ chức, và tôi tin rằng lần tổ chức thứ 14 tới đây sẽ có những bước đột phá mới. Và chắc chắn thông qua đây, các bài thơ sẽ được nâng cao chất lượng cả về thi pháp lẫn nội dung, và chắc chắn nó sẽ tạo ra một đời sống thi ca có tầm hơn.

PV: Là một trong những nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông có những trăn trở như thế nào trước sự phát triển của thi ca hiện nay, cũng như thông điệp mà ông muốn gửi gắm đến độc giả yêu thơ cả nước?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ rằng chưa bao giờ các nhà thơ được tự do sáng tạo như bây giờ, và chưa bao giờ họ có một điều kiện tốt nhất để công bố tác phẩm mới nhất của họ như bây giờ thông qua mạng xã hội như hiện nay.

Và điều duy nhất tôi muốn nói cũng là thông điệp mà tôi muốn gửi gắm đến những người bạn của tôi, những nhà thơ cũng như hàng triệu bạn đọc yêu thơ là hãy cảm hứng hơn nữa, hãy nhân ái hơn nữa và hãy cẩn thận với chủ nghĩa hình thức của thi ca, vì nếu không chủ nghĩa hình thức sẽ nuốt mất thi ca, và chúng ta sẽ bị bỏ lại bởi sự cô độc.

PV: Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hãy cẩn thận với chủ nghĩa hình thức của thi ca