"Chỉ còn vài ngày nữa, bộ phim võ thuật học đường đầu tiên của Việt Nam ra rạp. Thông tin Võ Sinh Đại Chiến phải "lên bờ xuống ruộng" vì dịch covid thì ekip đã nói rồi. Nhưng hành trình gần 2000 ngày "đỏ lửa" trước đó của nhà sản xuất Bá Cường thì chưa nhiều người biết."
Khi Võ sinh đại chiến - tác phẩm mở màn mùa phim Việt năm 2021 - tung teaser trailer dài hơn 1 phút, khán giả đã ngay lập tức "đứng ngồi không yên" không chỉ vì chủ đề đặc biệt của bộ phim (võ thuật - học đường). Mà còn vì sự háo hức mong chờ tiết mục "so găng" giữa dàn diễn viên gắn với các phim "trăm tỷ" của Việt Nam với nam chính được góp mặt trong các tác phẩm "triệu đô" của Hollywood.
Từ những "cuộc đối đầu" trước mắt
Nếu chỉ nhìn vào teaser-poster của phim, dễ nhận thấy hình ảnh hai nam chính được đặt cạnh nhau với vô số sự đối lập đầy chủ ý. Một bên cởi trần, đeo găng, quay lưng, khuôn mặt lạnh lùng đầy chất "badboy" thời đại; một bên mặc võ phục, thắt đai, mặt nhìn chính diện, các nét đậm chất Việt Nam.
Tất nhiên khán giả sẽ nhận ra ngay, nhà sản xuất đang muốn minh họa cho trận chiến hứa hẹn sẽ nảy lửa giữa bộ môn MMA (võ hiện đại, thực chiến) với Võ cổ truyền dân tộc. Nhưng nếu "soi" vào thân thế và sự nghiệp của dàn diễn viên, thì còn nhiều điều thú vị.
Nữ chính Katleen Phan Võ vốn là con gái của Chưởng môn Vịnh Xuân Nam Anh và “nữ hoàng ảnh lịch” Thanh Xuân. Sở hữu vẻ mạnh mẽ của cha, nét đẹp rực rỡ của mẹ, thông thạo cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, Katleen Phan Võ đang là một trong những nữ diễn viên thế hệ mới của điện ảnh Việt Nam. Cô là mỹ nhân của bộ phim Lật mặt 4: Nhà có khách từng đạt doanh thu 117,5 tỷ đồng và là Top 7 phim Việt ăn khách nhất mọi thời đại. Nam chính thứ nhất, Gi A Nguyễn - chàng hot boy mang ba dòng máu Việt Nam, Ý, Iraq (vai hotboy Hoàng lạnh lùng của câu lạc bộ võ MMA) từng góp mặt trong Top 4 phim Việt ăn khách nhất mọi thời đại là Em chưa 18 . Anh từng tham gia vào đội tuyển Judo thành phố và sở hữu ngoại hình lai ấn tượng.
Nam chính thứ hai của phim là Tiến Hoàng đóng vai Khoa. Anh được phân vai "đối đầu" với Gi A Nguyễn trong cuộc chiến giành trái tim của Katleen Phan Võ cũng như trên đấu trường võ thuật. Anh vốn là cascadeur cho nhiều bom tấn Hollywood như Doctor Stranger của vũ trụ Marvel hay Ready Player One của “vua khủng long” Steven Spielberg.
Tức là, Võ Sinh Đại Chiến không chỉ hấp dẫn bởi cuộc đối đầu giữa MMA với võ cổ truyền dân tộc, giữa các giá trị truyền thống với hiện đại, giữa những khuôn phép mô phạm của môi trường học đường với sự tự do phóng khoáng tươi mới của tình cảm học trò, nó còn là "màn so găng" trong diễn xuất giữa "dàn diễn viên trăm tỷ" của Việt Nam với "hotboy triệu đô" của nhiều bom tấn Hollywood.
Đến "cuộc chiến" phía sau màn ảnh
Nhà sản xuất Bá Cường từng tiết lộ, dịch covid19 xảy ra khiến nhiều kế hoạch của đoàn phim bị đảo lộn hoàn toàn. Và với toàn bộ ekip, đó là một cuộc chiến thực sự phía sau màn ảnh.
"Đó là một giai đoạn rất kinh khủng! Phim vừa quay được 5 ngày là dịch bắt đầu bùng lên từ từ và sau đó là giai đoạn giãn cách xã hộii. Có thời kỳ cả một team “banh hết”: Ekip nước ngoài họ về nước họ tránh dịch, rồi anh em ở đây cũng bị mất “mood”. Hết giãn cách thì nhân sự trong đoàn hết hợp đồng, ekip có sự thay đổi liên tục, cứ người mới vô là Cường phải làm việc lại từ đầu.
Cái khó của phim “Võ sinh đại chiến” là có rất nhiều đại cảnh. Mà tại vì trước đó do quy định giãn cách nên chỉ quay được những cảnh nhỏ lẻ thôi. Xong hết giãn cách được quay lại phim trường thì lại toàn đại cảnh. Mỗi ngày trong quá trình quay, bản thân Bá Cường chỉ ngủ được khoảng 3 tiếng là nhiều nhất, có ngày chỉ ngủ được 2 tiếng đồng hồ. Căng thẳng đến mức ba mẹ Cường từng phải khuyên: “Thôi bỏ đi con” vì sợ mình bị “đứt gánh” do quá tải" - Bá Cường chia sẻ.
Với “Võ sinh đại chiến”, bản thân Cường đã tự động được“update” lên để xử lý tình huống tốt hơn.
Thực ra, cũng chẳng cần đến sự "tấn công" của covid, thì dân trong nghề cũng nhiều người cho rằng Bá Cường là điển hình của câu nói "đường quang không đi lại quàng bụi rậm" khi thấy nhà sản xuất này chọn một thể loại phim "vô cùng kỳ lạ".
Nếu chỉ hướng tới mục tiêu doanh thu, thì rõ ràng việc remake những bộ phim doanh thu cao của nước ngoài, hay các thể loại phim ăn khách đã được kiểm chứng với thị trường điện ảnh trong nước sẽ là lựa chọn an toàn. Nhưng cái khó của Bá Cường là anh lại "trót nặng lòng với mong muốn quảng bá võ thuật cổ truyền của Việt Nam". Và hẳn nhiên đây là một đề tài khó!
"Biết là khó, nhưng mình không ai làm thì đợi ai làm?", nhà sản xuất này đặt câu hỏi ngược lại khi bị báo chí chất vấn tại sao lại chọn cách "đâm đầu vào tường" như vậy.
Poster chính thức của Võ Sinh Đại Chiến
"Chất liệu võ cổ truyền của Việt Nam là một kho vàng chưa được khai phá đúng tiềm năng. Nhưng làm sao để mang những viên ngọc thô ấy ra ngoài, mài giũa cho số đông khán giả thấy hứng thú thì Bá Cường đã phải tâm tư trong suốt 5 năm.
Hơn 5 năm là gần 2000 ngày, chặng đường không quá dài nhưng chưa bao giờ là ngắn. Có nhiều lần rất nản chí, nhưng Bá Cường chưa bao giờ có ý nghĩ muốn buông xuôi. Thật may mắn, cho đến một ngày Bá Cường chợt nhận thấy việc đối đầu giữa MMA và võ dân tộc Trung Quốc, Thái Lan... đang trở thành trào lưu thu hút sự chú ý của truyền thông và dư luận trên thế giới. Bá Cường nhận thấy, đây chính là gợi ý lời giải cho bài toán quảng bá võ cổ truyền dân tộc Việt Nam".
Vấn đề tuy khó, nhưng ý tưởng lời giải đã thì đã có rồi. Tuy thế, hành trình để hiện thực hóa ý tưởng ấy cũng là cả một hành trình.
Trong suốt 5 năm, nhà sản xuất Bá Cường tìm kiếm từng người để bổ sung vào ekip. Việc này với các thể loại phim thông dụng thì không khó, nhưng với thể loại võ thuật - học đường mà lại khai thác yếu tố võ cổ truyền dân tộc thì đúng là một "cuộc chiến" về nhân sự.
"Không phải người ta không mê võ cổ truyền đâu. Cũng nhiều người cùng tâm tư với Bá Cường đấy chứ. Nhưng tâm tư là một chuyện, để có kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực khó nhằn này lại là vấn đề hoàn toàn khác. Từ đạo diễn, biên kịch, phục trang, cho đến cả diễn viên, tất cả đều phải cố gắng 500% nỗ lực bản thân. Bá Cường biết ơn tất cả mọi người đã dồn tâm huyết cho một sản phẩm chỉn chu và ý nghĩa như Võ Sinh Đại Chiến".
Những tìm tòi mạo hiểm
Nếu tiền tố "võ thuật" đòi hỏi nhà sản xuất nói riêng và cả ekip nói chung phải thực sự tìm tòi, thì hậu tố "học đường" lại đẩy Bá Cường vào một cuộc chơi mạo hiểm. Nói một cách công bằng, đề tài "học đường" lẽ ra không hề khó. Nhưng chính nhà sản xuất này lại tự đẩy mình vào thế khó khi đặt ra tiêu chí "tươi mới, hợp thời" khi xây dựng đời sống học đường trong Võ Sinh Đại Chiến.
"Theo tìm hiểu của Bá Cường, 63/63 tỉnh thành của nước ta đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2. Điều đó đồng nghĩa với 100% khán giả mà bộ phim nhắm tới đã từng trải qua đời sống học đường. Vậy thì, nếu chỉ làm ra một bộ phim chỉ xoay quanh bảng đen phấn trắng, phượng hồng, trống trường, sách vở, cùng với những tình yêu trong veo thơm mùi mực tím đã thành "thương hiệu" của thế hệ nhất quỷ nhì ma, thì... xin lỗi, đó là một bức tranh học đường khán giả đã chán ngán quá rồi" - nhà sản xuất Võ Sinh Đại Chiến đưa ra phân tích.
"Vậy phải làm sao? Bá Cường thách thức chính bản thân mình và ekip là phải đưa ra một bức tranh hoàn toàn khác, một thế giới học đường hoàn toàn khác. Khi coi Võ Sinh Đại Chiến, khán giả sẽ thấy những lát cắt rất lạ mà cũng lại rất quen. Khi phim ra rạp, việc đón nhận khen chê là quan điểm của mỗi người, nhưng Bá Cường tin rằng ai ai cũng sẽ đồng ý rằng thế giới học đường trong phim thực sự tươi mới, đầy hấp dẫn, mới lạ nhưng không phi lý. Đó là tiêu chí bắt buộc".
"Sẽ có tình yêu học trò, nhưng đầy kịch tính chứ không sến sẩm. Sẽ có việc chơi theo phe theo nhóm, sẽ có cả bắt nạt và chống trả. Nhưng đó không phải là câu chuyện bắt nạt đầy rẫy trên báo chí, nó phải hiện đại và mới mẻ. Khán giả xem phim chắc chắn sẽ thích thú khi phát hiện ra rằng đó đúng là một góc rất riêng của học đường thế hệ 9x, 10x ngày nay. Nó thực sự tồn tại, đầy màu sắc, đầy cá tính như vậy đó, chỉ là nó không nằm trong nếp nghĩ của số đông".
Khi được hỏi liệu phá vỡ mọi nguyên tắc quen thuộc có quá mạo hiểm, Bá Cường cười nói anh "thà mạo hiểm để khai phá những chủ đề mới, và hướng đi mới, còn hơn chấp nhận an toàn để khán giả cho rằng mình làm phim chỉ để kiếm tiền".
Tất nhiên khán giả có cơ sở để tin vào chữ mạo hiểm mà Bá Cường đề cập. Vì có một sự thật hiển nhiên, tác phẩm đầu tay của nhà sản xuất này - bộ phim Hạnh Phúc Của Mẹ, dù thắng lớn tại Cánh Diều Vàng 2019 khi khai thác chủ đề Trẻ Tự Kỷ thì cũng không đại thắng doanh thu phòng vé. Lần trở lại này, vẫn với một chủ đề "không ai chọn" là võ thuật học đường, chắc chắn dư luận sẽ đồng tình rằng Bá Cường là nhà sản xuất dám dấn thân để tìm tòi những điều mới mẻ trong nghệ thuật. Còn yếu tố doanh thu thì... cứ phải chờ phim ra rạp!
Nhưng dù có thế nào, nếu tạm bỏ qua vai trò một "nhà kinh doanh điện ảnh" được quyết định bởi các con số rất sòng phẳng, thì vai trò "nhà sản xuất điện ảnh" của Bá Cường đã được khẳng định và rất đáng hoan nghênh.