Nhà nước không làm thay việc của công dân trong tố tụng dân sự

Mai Thoa| 27/08/2015 22:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách sáng 25/8, các ĐB đã thảo luận về những vấn đề lớn còn có nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).

Đó là các vấn đề quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; vị trí, vai trò của VKSND trong tố tụng dân sự...

Liên quan đến vai trò của VKSND trong dự thảo Bộ luật, một số ý kiến cho rằng, mặc dù Ban soạn thảo đã đưa ra hai phương án, trong đó, phương án 1 có nhiều quy định sửa đổi, còn phương án 2 giữ nguyên như Luật cũ song lại chưa có căn cứ cụ thể nào cho việc xây dựng các phương án này.

Theo đó, VKSND có phải là cơ quan công tố? Kiểm sát viên ngoài phát biểu tại phiên toà sơ thẩm về việc tuân thủ pháp luật liên quan đến hình thức có phát biểu về nội dung? Kiểm sát viên vắng mặt vẫn diễn ra xét xử là những vấn đề cần bàn.

Ông Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC cho rằng, việc dân sự cốt ở đôi bên và 40 năm trong ngành Kiểm sát chưa thấy ai phản ánh VKS can thiệp vào việc dân sự. Toà án đóng vai trò trọng tài đứng ra phán quyết, còn VKS đảm bảo việc giải quyết đúng pháp luật. Do đó VKS phải tiến hành cùng Toà và phải gọi là cơ quan tiến hành tố tụng. Liên quan phát biểu quan điểm của VKS tại phiên toà sơ thẩm, ông Lê Hữu Thể cũng cho rằng việc để VKS phát biểu tại phiên tòa sẽ giúp đỡ sai sót và giảm bớt vụ việc bức xúc có thể diễn ra.

Tuy nhiên, theo Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào, căn cứ Hiến pháp thì VKS thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Tuy vậy với vụ việc hình sự và dân sự thì chức năng của VKS có khác nhau. Theo đó, trong vụ án hình sự, VKS giữ vai trò công tố còn trong dân sự, VKS chỉ thực hành kiểm sát hoạt động xét xử từ khi thụ lý đến khi giải quyết xong.

Qua tổng kết việc thực hiện Bộ luật Tố tụng dân sự vào năm 2010 cho thấy, tại phiên toà sơ thẩm, VKSND chỉ phát biểu quan điểm về quá trình thực hiện tuân theo pháp luật chứ không phát biểu về nội dung. Như vậy, VKS chỉ kiểm sát hoạt động tư pháp, tức là không trực tiếp thực hiện phân xử giải quyết vụ việc dân sự. Việc tranh tụng dân sự là các đương sự và người bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự, VKS cũng không khởi tố nên VKS không phải là chủ thể trong tranh tụng dân sự.

Bên cạnh đó, VKS kiểm sát hoạt động tư pháp nên trong khi chưa có bản án thì chưa biết bản án đúng hay sai nên chờ đến cấp phúc thẩm, khi đã có bản án thì VKS có quyền và trách nhiệm nhận định.

Nhà nước không làm thay việc của công dân trong tố tụng dân sự

Một phiên tòa dân sự

Còn theo ĐB Hồ Trọng Ngũ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, quan hệ dân sự cốt ở hai bên đương sự và trong dân sự không có VKS với vai trò công tố. Nếu Toà xét xử mà hai bên đồng lòng thì sự tham gia của VKS là không cần thiết.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cũng ủng hộ phương án trong dự thảo là VKS không phát biểu quan điểm về nội dung. Ông lý giải, từ trước đến nay có “bệnh” trong kinh tế thì Nhà nước làm thay thị trường, trong dân sự thì Nhà nước làm thay việc của công dân. Nay bớt đi sự can thiệp và đảm bảo tuân theo pháp luật thì vai trò của VKS như quy định là đủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, từ trước tới nay tổ chức hệ thống VKS được tổ chức theo đặc điểm Việt Nam. Hiến pháp khẳng định VKS vẫn có 2 chức năng là công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Nếu VKS chỉ tham gia phiên toà thôi thì tại sao trao cho họ quyền kháng nghị, kiến nghị?

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, khi VKS phát biểu về vụ việc thì phải có cả nội dung và hình thức, còn quyền phán quyết cuối cùng vẫn là Toà án. Hiến pháp giao VKS nhiệm vụ không đứng về bên nào, mà thực hiện quyền Nhà nước được giao để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ pháp luật, lợi ích hợp pháp. Do đó, nên thống nhất như Luật Tổ chức VKSND năm 2014.

Liên quan đến quy định tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo BLTTDS (sửa đổi): “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”, các ĐB đồng tình và cho rằng, nội dung này nhằm bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về Tòa án thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý. Khi chưa có điều luật cụ thể để áp dụng thì Tòa án áp dụng nguyên tắc chung của Luật, án lệ, nguyên tắc tương tự pháp luật và lẽ công bằng để giải quyết. 

Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào cho rằng, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý theo tinh thần Hiến pháp, Tòa án không được quyền từ chối giải quyết các tranh chấp dân sự mà người dân yêu cầu... và để thực hiện quyền nói trên thì không có lý do gì Tòa án từ chối giải quyết vụ án vì không có điều luật áp dụng để xử lý những tranh chấp trên thực tế.

Các đại biểu đồng tình và cho rằng quy định “Tòa án không được quyền từ chối yêu cầu giải quyết vụ án của đương sự” là hết sức cần thiết và quan trọng. Đây là giải pháp phù hợp để giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và luật chưa đầy đủ là trách nhiệm của Nhà nước, nên không thể đẩy khó cho người dân. Những tranh chấp mà Nhà nước không giải quyết để người dân tự xử thì hậu quả khó lường.

Về thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm, đa số các ý kiến tán thành với quy định trong dự thảo về việc mở rộng thẩm quyền của HĐXX giám đốc thẩm được sửa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị. Tuy nhiên, việc sửa bản án cần thận trọng, quy định chặt chẽ những trường hợp cụ thể như: chứng cứ trong hồ sơ được thu thập đầy đủ, rõ ràng hoặc việc sửa bản án, quyết định đó không gây thiệt hại về tài sản, không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của các bên đương sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà nước không làm thay việc của công dân trong tố tụng dân sự