Nguyên Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Dầu khí Việt Nam phạm tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng được giảm 2 năm tù.
Các bị cáo trong vụ án gồm: Đào Thành Long (SN 1974, trú tại phố Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội - nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực và Dịch vụ dầu khí Việt Nam, (viết tắt là Công ty Dịch vụ dầu khí) về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, đồng phạm: Nguyễn Thị Mỹ Linh (SN 1976), Nguyễn Thị Thanh Vân (SN 1974), Hà Lê Thắng (SN 1970) và Trần Ngọc Lâm (SN 1974) đều nguyên là cán bộ, nhân viên dưới quyền Long, cùng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài ra, cùng đứng trước vành móng ngựa trong vụ án này còn có bị cáo Nguyễn Thị Bích Huấn (SN 1979, ở phường Đội Cấn, quận Ba Đình) và Nguyễn Khánh Tuấn (SN 1962, nguyên là cán bộ địa chính phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị truy tố về tội “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” với số tiền lớn.
Trước đó, cuối tháng 4/2016, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt Đào Thành Long 9 năm tù; Nguyễn Khánh Tuấn 15 năm tù và Nguyễn Thị Bích Huấn 10 năm tù và các bị cáo khác từng là cán bộ, nhân viên Công ty Dịch vụ Dầu khí Việt Nam cũng lần lượt phải nhận từ 3 năm tù đến 3 năm 6 tháng tù về các tội danh trên.
Sau bản án sơ thẩm, hai bị cáo Long và Linh làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phat; các bị cáo Thành, Vân, Thắng và Lâm làm đơn kháng cáo kêu oan. Tuy nhiên sau đó Thắng và Lâm đã thay đổi nội dung kháng cáo sang xin giảm nhẹ hình phạt.
Theo hồ sơ vụ án, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2010 đến tháng 9/2011, Long thay mặt Công ty Dịch vụ dầu khí đứng ra ký hợp đồng mua hai thửa đất của hai hộ dân ở phường Trung Hòa với tổng diện tích gần 800m², với giá hơn 58,8 tỷ đồng.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm
Tuy nhiên, do có ý đồ chiếm đoạt tiền của công ty nên Long đã nhờ đại diện hai hộ dân ở phường Trung Hòa ký hợp đồng chuyển nhượng với giá trị thực tế từ hơn 58,8 tỷ đồng lên thành 85 tỷ đồng. Ngoài ra, Long còn chỉ đạo nhiều nhân viên dưới quyền giả mạo chứng từ, hồ sơ để hợp thức hóa số tiền mua đất thành 85 tỷ đồng.
Sau khi xong thủ tục, Long chuyển cho Huấn 14,7 tỷ đồng để Huấn “chạy sổ đỏ” hai thửa đất vừa mua. Nhận được tiền từ Long, Huấn đã tới gặp Tuấn, khi đó đang là cán bộ địa chính phường Trung Hòa để nhờ Tuấn lo thủ tục.
Theo lời khai của các bị cáo đã thể hiện, quá trình thực hiện dự án, kể cả khi chưa giữ chức vụ cao nhất ở doanh nghiệp, Long luôn tự ý quyết định mọi việc theo ý mình.
Tại phiên tòa trước, Nguyễn Thị Bích Huấn trình bày, khoảng giữa tháng 10/2010, đối tượng được một người bạn giới thiệu gặp gỡ Long. Quá trình trao đổi, hai bên “chốt” giá trọn gói “chạy” sổ đỏ đối với 2 thửa đất của gia đình bà Tâm là 13 tỷ đồng.
Ngay sau thỏa thuận, Huấn đã đến trụ sở UBND phường Trung Hòa gặp ông Lai Mạnh Tiến (khi đó là Chủ tịch UBND phường) nhờ giúp đỡ. Nghe Huấn trình bày về hiện trạng các thửa đất Long mua, vị Chủ tịch phường đã dắt Huấn sang phòng làm việc của cán bộ địa chính là Nguyễn Khánh Tuấn giao việc.
Sau một hồi trò chuyện, Huấn đã đưa cho Tuấn 50 triệu đồng gọi là “làm quà” gặp mặt. Một tuần sau, Tuấn thông báo cho Huấn rằng việc làm sổ đỏ các thửa đất của gia đình bà Tâm gặp khó khăn nên phí “bôi trơn” phải là 1 tỷ đồng. Không cần mặc cả, Huấn nhanh chóng mang 1 tỷ đồng đến đưa cho vị cán bộ địa chính phường Trung Hòa.
Nhận được tiền, Tuấn “bỏ túi” 400 triệu đồng, còn lại 600 triệu đồng, Huấn gói vào tờ giấy đưa cho sếp. Vài ngày sau, Huấn nhận được từ Tuấn giấy xác nhận đủ điều kiện cấp “sổ đỏ” của UBND phường đối với 2 thửa đất mang tên vợ chồng bà Tâm.
Sau đó, Huấn nhờ thêm một số người khác nên chỉ đến tháng 12/2010, gần 800m2 đất Long mua ở phường Trung Hòa được UBND quận Cầu Giấy cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.
Ngoài đưa Huấn 13 tỷ đồng “chạy” giấy tờ đất, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Dịch vụ Dầu khí Việt Nam còn giao cho “cò” sổ đỏ 1,4 tỷ trả công dựng thiết kết và xin phép xây dựng đối với tòa chung cư mini trong tương lai. Tuy nhiên sau khi ký kết, Long đã chủ động hủy ngang hợp đồng để chuyển sang một đối tác khác. Quá trình triển khai xây dựng chung cư mini, Long còn phải bỏ ra hơn 7 tỷ đồng nữa để chuẩn bị cho việc hoàn tất giấy phép xây dựng.
Thấy con số chi phí quá lớn từ việc làm sổ đỏ và xây dựng chung cư mini nên để giải trình được với công ty, một mặt đối tượng chỉ đạo nhân viên hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ, một mặt thỏa thuận với vợ chồng bà Tâm ký lại hợp đồng mua bán 2 thửa đất từ 58,8 tỷ đồng thành 85 tỷ đồng.
Sau một ngày xét xử, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng trong hồ sơ thể hiện Vân ko có tiền cho công ty vay mà ký khống phiếu thu, chi. Vân còn ký tờ séc 52 tỷ để Thành rút sau đó không nộp quỹ công ty. Làm các thủ tục trái pháp luật nên không oan; Long thành khẩn, ăn năn hối cải, khắc phục 1 phần thiệt hại, phía Công ty có đơn đề nghị xin giảm án cho Long; Linh và Lâm đã đưa ra được một số tình tiết mới để làm cơ sở xin giảm nhẹ hình phạt.
Theo đó, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định chấp nhận đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Long, Lâm, Linh sửa một phận bản án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Long 7 năm tù (giảm 2 năm so với bản án cũ), Lâm và Linh cùng 3 năm tù (được hưởng án treo). Bác đơn kháng cáo kêu oan và xin giảm nhẹ hình phạt, giữ nguyên bản án sơ thẩm với 3 bị cáo Thành, Vân và Thắng.