Nguyễn Thanh Hóa phủ nhận liên quan đến Công ty CNC

Mạnh Hùng| 20/11/2018 13:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (20/11), phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ bước sang ngày làm việc thứ tám, HĐXX xét hỏi bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50.

Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa liên tục phủ nhận sự liên quan giữa C50 và công ty CNC do Nguyễn Văn Dương làm Chủ tịch HĐTV. Để chứng minh cho việc “không liên quan” này, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa khẳng định từ năm 2012 đến khi nghỉ hưu, rất nhiều văn bản qua phòng Tham mưu gửi lên nhưng bị cáo không hồi âm lại cho công ty CNC.

Tuy nhiên, khi được HĐXX hỏi nếu không có sự liên quan, tại sao hàng tháng Công ty CNC vẫn gửi báo cáo lên cho bị cáo, Nguyễn Thanh Hóa trả lời: “Là do họ nghĩ họ là công ty bình phong, cũng như quần chúng nhân dân ai cũng có quyền báo cáo về tình hình tội phạm, không riêng gì công ty CNC”.

Nguyễn Thanh Hóa phủ nhận liên quan đến Công ty CNC

Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa trả lời các câu hỏi của HĐXX

Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa nói thêm, bị cáo quen biết Nguyễn Văn Dương từ năm 2010 trong một dịp đi Lễ hội Đền Trần tại Nam Định. Khi đó, xe ô tô của bị cáo đậu sai chỗ và bị xử phạt, được người trong đoàn “mách” có quen biết Nguyễn Văn Dương là người rất thân với Giám đốc Công an tỉnh Nam Định có thể xin được.

Cũng tại tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa đã dành những lời khen “có cánh” cho bị cáo Phan Văn Vĩnh, bị cáo Hóa nói: “Sau khi anh Vĩnh lên làm Tổng Cục trưởng tôi mới biết anh ấy là con người rất thông minh, quyết đoán, có tự trọng cao và không tiếc máu xương trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, dám nghĩ dám làm, tôi rất trân trọng anh ấy”.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa khai thêm, bị cáo được bổ nhiệm làm Cục trưởng C50 từ năm 2009 ngay khi có Quyết định 450 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc thành lập Cục này.

Về việc Nguyễn Văn Dương được giới thiệu với Hóa, bị cáo cho biết: “Sau khi tôi về Cục C50, quân số chỉ có 30 người, vì vậy mãi đến năm 2011 chức năng nhiệm vụ của tôi là đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao, thiết bị chưa có, kỹ thuật chưa có, quan hệ quốc tế chưa có. Do vậy tôi nhớ anh Phạm Quý Ngọ (nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, đã mất-PV) gọi tôi lên hỏi “Cục của em có chức năng bình phong hay không?”. Tôi bảo “vâng”. Anh Ngọ bảo: “Thế thì cho thằng cháu của anh nó về làm”. Tôi bảo: “Cháu anh em trông nó không có khả năng làm”. Anh Ngọ nói là “có anh Dương có được không”, tôi bảo “vâng”.

Bị cáo Hóa tiếp tục cho biết, sau đó, chính Phan Văn Vĩnh là người giới thiệu Nguyễn Văn Dương cho Hóa với lời giới thiệu Dương là một người “rất yêu công nghệ, sẽ phối hợp làm công ty bình phong”.

Nguyễn Thanh Hóa phủ nhận liên quan đến Công ty CNC

Trước lời khai của bị cáo Hóa, HĐXX mời bị cáo Dương lên đối chất

Theo lời khai của bị cáo Hóa, từ sau cuộc gặp trên, Hóa về làm tờ trình để trình Tổng Cục Cảnh sát duyệt chủ trương thành lập công ty bình phong. “Tôi lúc đó không hiểu công ty bình phong là như thế nào, tôi giao Trưởng phòng Tham mưu đi tìm tất cả các quy định mà các lực lượng đã làm, sau đó anh ấy nói là Bộ không có quy định cụ thể từng đơn vị nào về công ty bình phong. Nói về nghiệp vụ rất rộng lớn còn đối với lực lượng Cảnh sát thì rất khó khăn, tôi bảo học tập kinh nghiệm từ các đơn vị khác. Sau đó chúng tôi thấy có 3 hình thức là bỏ tiền ra thành lập công ty; liên doanh liên kết; có thể dùng sản phẩm trí tuệ của mình để làm”, bị cáo Hóa nói.

Sau đó, Nguyễn Thanh Hóa xin chủ trương và được Phan Văn Vĩnh đồng ý. Hóa báo cáo lên ông Nguyễn Tiến Lực, Tổng Cục phó và được ông Lực đồng ý.

Trong cùng 1 ngày 24/09/2011, Nguyễn Thanh Hóa ký 2 Tờ trình số 1068 và 1185 lần lượt gửi Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Tiến Lực xin thành lập công ty bình phong.

Văn bản gửi cho ông Lực đề xuất góp vốn bằng sản phẩm trí tuệ, còn văn bản gửi cho ông Vĩnh lại đề xuất góp 20% vốn và nhân lực, bị cáo Hóa nói: “Sau khi được Tổng cục và Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ phê duyệt, nếu thành lập công ty không thể có vốn ngay, Phòng tham mưu bảo tôi ký bản ghi nhớ với CNC về hợp tác kinh doanh. Anh Võ Tiến Dũng (cán bộ Cục C50) đưa ra ví dụ kiểu mình đi dạm ngõ mà không có sự ràng buộc pháp lý nào”.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa khẳng định, trong bản ghi nhớ ký giữa Nguyễn Thanh Hóa và Nguyễn Văn Dương ngày 10/10/2011, C50 sẽ đóng góp 20% vốn và cử người tham gia, C50 hưởng 20% lợi nhuận. “Trên thực tế suốt quá trình hoạt động, sau khi ký bản ghi nhớ, tôi báo cáo lại với Vĩnh là chúng em không có vốn, không có người. Như vậy CNC không phải là công ty bình phong, không có một quyết định là công ty bình phong. Tôi vẫn nhận với lãnh đạo cấp trên là chưa xây dựng được công ty bình phong, như vậy chấm dứt không liên quan gì về công việc từ năm 2012 cho đến khi nghỉ tôi không ký và không báo cáo gì vì họ (CNC) không là gì với tôi”, bị cáo Hóa phủ nhận mọi liên quan đến CNC.

Nguyễn Thanh Hóa phủ nhận liên quan đến Công ty CNC

Bị cáo Phan Văn Vĩnh tại phiên tòa

Mặc dù phủ nhận mối liên hệ với CNC, nhưng tháng 4/2017 Nguyễn Thanh Hóa vẫn làm văn bản yêu cầu bị cáo Phan Văn Vĩnh ký hợp thức văn bản năm 2011 về việc C50 có đóng góp vốn.

Tiếp tục giải thích về điều này, bị cáo Hóa nói: “Sau khi không có vốn tôi chỉ coi họ là cơ sở bình thường, đến năm 2015 ra quyết định 158 (QĐ 158 do ông Vĩnh ký thừa nhận CNC là công ty bình phong) thì tôi không liên quan gì đến CNC. Nhưng thực ra chỉ có báo cáo miệng nhưng văn bản chúng tôi sơ suất mãi đến cuối 2016 Cục hồ sơ sang hướng dẫn hồ sơ, lúc đó anh Dũng Cục phó nói còn CNC chưa đăng ký hồ sơ. Vì đã báo cáo miệng rồi còn văn bản chính thức để đăng ký hồ sơ thì phải có báo cáo. Nên hôm qua, anh Vĩnh có khai là tôi lên xin anh Vĩnh trước khi anh Vĩnh ký. Có thể nói rằng, trước thời gian đó hồ sơ chưa ký thì anh ấy ký thôi. Vì vậy, xin anh ký cho tôi để tôi hợp lý hóa hồ sơ. Việc làm của tôi như thế là sai về mặt hành chính, làm sau để hợp thức hóa là sai. Tôi chấp nhận điều đó”.

Trả lời trước HĐXX, bị cáo Hóa một lần nữa khẳng định sau khi ký bản ghi nhớ với Nguyễn Văn Dương rồi Hóa gọi điện cho Dương thông báo C50 không tham gia thành lập công ty nữa và được Dương chấp nhận điều đó.

Trước lời khai này của bị cáo Hóa, HĐXX gọi bị cáo Nguyễn Văn Dương lên đối chất. Cùng đứng trên bục khai khai báo, bị cáo Dương cho rằng không tiện nói lời khai của Hóa đúng hay không đúng, nhưng muốn HĐXX xem xét hồ sơ vụ án trong đó có rất nhiều chứng cứ quan trọng.

Theo Nguyễn Thanh Hóa, đã có sự hiểu lầm “chết người” từ Quyết định 158 do Phan Văn Vĩnh ký cuối năm 2015 công nhận CNC là công ty bình phong. Kể cả Nguyễn Văn Dương cũng ngộ nhận nên đã dẫn đến sai lầm đáng tiếc.

Nguyễn Thanh Hóa phủ nhận liên quan đến Công ty CNC

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sáng nay

Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cho rằng, theo quyết định này, CNC chịu trách nhiệm theo luật Doanh nghiệp và hoạt động như doanh nghiệp bình thường, Cục C50 chỉ thực hiện hóa trang nghiệp vụ khi cần thiết, Hóa nói: “Cho nên tôi chưa bao giờ có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho anh Dương, vì lực lượng công an sử dụng hóa trang nên nhiều người hiểu lầm CNC là công ty bình phong, nhưng thực chất không là cái gì cả mà chỉ là để phục vụ khi cần thiết”.

Trước đó, trong phần xét hỏi, khi trả lời câu hỏi của luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, luật sư bào chữa cho Phan Văn Vĩnh, bị cáo Vĩnh yêu cầu luật sư khi đặt câu hỏi phải hết sức cẩn trọng vì đây là an ninh quốc gia, có liên quan đến lực lượng.

Bị cáo Vĩnh nói: “Do vậy, tôi đề nghị HĐXX, những gì được công bố mới công bố mà không ảnh hưởng gì đến lực lượng CAND, có như vậy bị cáo mới cảm thấy mình được bảo vệ một cách hết sức chu đáo”.

Phiên tòa sẽ được tiếp tục làm việc trở lại vào 14h chiều nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Thanh Hóa phủ nhận liên quan đến Công ty CNC