Nếu bạn đang ốm và phải điều trị tại bệnh viện sẽ là trường hợp vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng nên Tòa có thể sẽ xem xét để hoãn phiên tòa.
Tôi là nguyên đơn trong vụ án dân sự đang được TAND huyện thụ lý và đưa ra xét xử. Tại phiên tòa trước tôi đã vắng mặt, TAND huyện đã có quyết định hoãn phiên tòa. Sau đó một thời gian, tôi tiếp tục nhận được giấy báo phiên tòa. Tuy nhiên, hiện tại tôi đang ốm, phải nằm viện điều trị không thể tham gia phiên tòa được. Trường hợp này tôi vắng mặt tại phiên tòa thì Tòa có hoãn được lần nữa không? Thời gian hoãn phiên tòa là bao lâu?Tôi phải làm thủ tục gì để được hoãn phiên tòa?
Độc giả Nguyễn Văn Nam (Hà Nội)
Ảnh minh họa
Dựa trên căn cứ bạn đã nêu, chúng tôi tư vấn những quy định của pháp luật như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 227 Bộ luật TTDS năm 2015, quy định về Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như sau:
“1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.
2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa,..”
Như vậy, theo quy định tại điều này, trường hợp thứ nhất bạn đã vắng mặt không có lý do và Tòa đã hoãn phiên tòa là đúng quy định của pháp luật.
Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai thì bạn phải có mặt tại phiên tòa, tuy nhiên, hiện tại bạn đang ốm và phải điều trị tại bệnh viện, do vậy sẽ là trường hợp vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng nên Tòa có thể sẽ xem xét để hoãn phiên tòa.
Thủ tục hoãn phiên tòa:
Bạn làm đơn xin hoãn phiên tòa và nộp kèm theo giấy tờ chứng minh về sự kiện bất khả kháng của mình. Trong trường hợp này bạn đang ốm và phải nằm điều trị tại viện thì bạn xin giấy xác nhận của bệnh viện nơi bạn nằm điều trị để nộp cho tòa trước ngày diễn ra phiên tòa.
Thời hạn hoãn phiên tòa: Theo quy định tại khoản 1 Điều 233 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì Thời hạn hoãn phiên tòa là không quá 01 tháng, đối với phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn là không quá 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.
Về hình thức hoãn phiên tòa: Việc “hoãn phiên tòa” phải ra Quyết định hoãn phiên tòa bằng văn bản và Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên và thông báo công khai tại phiên tòa; đối với người vắng mặt thì Tòa án gửi ngay cho họ quyết dịnh đó, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp (khoản 3 Điều 233 BLTTDS năm 2015).
Quyết định hoãn phiên tòa có các nội dung chính sau: Ngày, tháng, năm ra quyết định; Tên Tòa án và họ tên những người tiến hành tố tụng; vụ án được đưa ra xét xử; lý do của việc hoãn phiên tòa; thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa (khoản 2 Điều 233 BLTTDS năm 2015).