Việc các cơ quan tố tụng tỉnh Tây Ninh tiếp tục truy tố nguyên 4 lãnh đạo BQLDA huyện Hòa Thành-Tây Ninh về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đã và đang gây nhiều tranh cãi.
Ngày 22/5 vừa qua, TAND tỉnh Tây Ninh đã xét xử phiên xử sơ thẩm lần 2 đối với các bị can Cao Sơn Nhân, Trưởng ban Ban Quản lý dự án (BQLDA) các công trình ĐT và XD huyện Hòa Thành Tỉnh Tây Ninh; Nguyễn Thiên Dân, Phó ban; Dương Thị Thu Hòa, kế toán trưởng; Đỗ Tú Toàn, thủ quỹ.
Trước đó, cả 4 bị can bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đã kêu oan sau phiên xử sơ thẩm lần đầu của TAND tỉnh Tây Ninh và TAND cấp cao tại TPHCM đã hủy toàn bộ bản án để điều tra lại.
Hủy án sơ thẩm để điều tra lại
Theo cáo trạng cho thấy, để kỷ niệm 50 năm ngày thành lập huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, từ năm 2006 huyện này đã cho triển khai xây dựng hàng loạt công trình như trụ sở UBND huyện; trường THCS Trưng Vương; nâng cấp đường 797... với nguồn vốn ngân sách do tỉnh đầu tư. Ban quan lý dự án các công trình trên được thành lập với các nhân vật chủ chốt là Cao Sơn Nhân, Nguyễn Thiên Nhân, Dương Thị Thu Hòa và Đỗ Tú Toàn.
Sau khi được triển khai, đến năm 2010 thì các hạng mục công trình bị đình trệ do nguồn vốn ngân sách từ tỉnh rót xuống bị chậm trễ. Để các công trình hoàn thành đúng tiến độ, UBND Huyện đã đồng ý cho BQLDA tạm ứng tiền từ nguồn vốn xây dựng cơ bản của Huyện lúc đó chưa sử dụng đến. Ông Cao Sơn Nhân đã nhiều lần lập tờ trình xin tạm ứng vốn với tổng số tiền là 8 tỷ đồng để tạm ứng cho các nhà thầu mua vật tư, trang thiết bị phục vụ xây dựng các công trình. Tất cả các lần tạm ứng vốn đều được lãnh đạo huyện Hòa Thành ký duyệt chi.
Bất ngờ, tháng 8/2015, cả 4 thành viên chủ chốt trong BQLDA các công trình ĐT và XD huyện Hòa Thành Tỉnh Tây Ninh bị Cơ quan CSĐT tỉnh Tây Ninh truy tố về tội “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với lý do, BQLDA đã chi sai đối tượng, gây thiệt hại cho ngân sách 5,5 tỷ đồng.
Phiên tòa sơ thẩm lần đầu diễn ra ngày 24/6/2016 do TAND tỉnh Tây Ninh xét xử đã tuyên phạt 4 bị cáo với mức án từ 1 đến 3 năm tù. Tuy nhiên, cũng chính trong bản án này cũng ghi rõ, “việc cho tạm ứng ngân sách là chủ trương đúng, phù hợp với tình hình thực tế nhằm thúc đẩy việc xây dựng các công trình phục vụ yêu cầu chính trị của địa phương”. Không đồng tình với kết quả phiên tòa, cả 4 bị cáo đã kháng nghị bản án, kêu oan. VKSND cấp cao tại TPHCM cũng đã kháng nghị bản án.
Ngày 15/3/2917, TAND cấp cao tại TPHCM đã mở phiên phúc thẩm nhận định, việc các bị cáo chi tạm ứng số tiền 5,5 tỷ sai đối tượng là do đề nghị của nhà thầu, đơn vị nhận tiền chính là đơn vị cung cấp vật tư vật liệu thi công công trình, các bên liên quan không khiếu nại gì. Tuy hành vi có sai, nhưng xét về mặt hậu quả thì hành vi này không gây hậu quả.
Theo TAND cấp cao tại TPHCM nhận định: “Tội “cố ý làm trái các quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng” tội phạm chỉ hoàn thành khi “có hậu quả xảy ra” là gây thiệt hại về vật chất cho xã hội. Đây là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Đối chiếu vụ án này thì tại thời điểm điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án công trình vẫn chưa được quyết toán, đến ngày 02/12/2016 mới có quyết định về việc phê duyệt quyết toán hoàn thành trụ sở Huyện ủy và UBND huyện Hòa Thành. Tại phiên tòa nguyên đơn dân sự khẳng định, nguyên đơn dân sự hoàn toàn không bị thiệt hại gì. Vấn đề này chưa được cấp sơ thẩm làm rõ”.
Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 248 và Điều 250 Bộ luật Tố tụng hình sự, TAND cấp cao tại TPHCM đã tuyên: Hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 18/2016/HSST ngày 24/6/2016 của TAND tỉnh Tây Ninh xét xử các bị cáo Cao Sơn Nhân, Dương Thị Thu Hòa, Nguyễn Thiên Dân, Đỗ Tú Toàn về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” để điều tra lại.
Mức án đề nghị tăng ở phiên tòa sơ thẩm lần 2
Sau hơn 2 năm điều tra lại, cả 4 bị cáo tiếp tục bị đưa ra xét xử với cùng tội danh. Điều đáng nói, số tiền 8 tỷ vi phạm mà toà phúc thẩm cho rằng không có căn cứ để xử lý đã đột ngột tăng lên thành hơn 10,295 tỷ đồng do được cộng thêm lãi xuất. Theo đó, mức án được đề nghị áp dụng cho các bị cáo cũng tăng lên.
Việc tính lãi suất tiền tạm ứng ngân sách đã được chính ngân hàng nhà nước có công văn trả lời: “Các khoản tiền tạm ứng từ ngân sách nhà nước tại BQLDA các công trình ĐT và XD huyện Hoà Thành không thuộc các hoạt động cấp tín dụng, nhận tiền gửi và cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản của các tổ chức tín dụng. Do đó, nội dung yêu cầu giám định không thuộc lĩnh vực lĩnh vực giám định tư pháp về tiền tệ và hoat động ngân hàng”. Thế nhưng, cơ quan CSĐT vẫn áp dụng việc tính lãi xuất khoản tiền tạm ứng để quy trách nhiệm cho 4 bị cáo.
Thực tế khách quan tại địa phương cũng như diễn biến tại các cấp toà cho thấy, việc 4 bị cáo đề xuất cho chi tạm ứng cho các nhà thầu và các bên liên quan đều được ký duyệt của các cấp lãnh đạo, quản lý tại địa phương vì số tiền này là tiền từ ngân sách, không phải từ tài khoản mà các bị cáo có thể chủ động chi. Toàn bộ số tiền chi ra đều đã được phục vụ cho các công trình xây dựng tại địa phương, hiện đã đưa vào sử dụng.
Kết luận giám định của Sở tài chính số 03/KLGĐTP-STC ngày 13/3/2018 cũng ghi rõ: “Không có cơ sở pháp lý để xác định BQLDA các công trình ĐT và XD công trình huyện Hoà Thành bị thiệt hại trong trường hợp này, vì BQLDA ĐT và XD công trình huyện Hoà Thành không xác định thiệt hại và không có đơn yêu cầu bồi thường”.
Có thể thấy, các sai phạm của 4 bị cáo đều xuất phát từ việc linh động giải quyết công việc theo chủ trương và yêu cầu của lãnh đạo, nhằm hoàn thành các công trình xây dựng mang tính chính trị tại địa phương. Theo các luật sư bảo vệ các bị cáo, hành vi này không gây thiệt hại về vật chất, các đơn vị liên quan từ nguyên đơn dân sự đến các nhà thầu đều xác định không có thiệt hại. Việc các cơ quan tố tụng tỉnh Tây Ninh tiếp tục truy tố 4 bị cáo về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” vẫn đang gây nhiều tranh cãi.