Đời sống

Người xây nhịp cầu nối ý Đảng - lòng dân

Gia Ân-Kế Kiên-Vi Zen 18/08/2023 06:36

Ở thời đại nào, những vị cao niên, những đảng viên, già làng, trưởng khối luôn có vị trí rất quan trọng. Họ là người gần nhất với nhân dân, cùng nhân dân xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Họ chính là lực lượng quần chúng đặc biệt, là nhịp cầu nối gắn kết giữa ý Đảng-lòng dân.

Người đảng viên “một gánh hai vai”

Gần 18 năm làm Bí thư rồi trưởng khối, bằng uy tín, trách nhiệm của mình, ông Vương Đình Sửu, Trưởng khối 3, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) trong nhiều năm đã trở thành sợi dây kết nối giữa Đảng với nhân dân trong triển khai, thực hiện các chương trình, kế hoạch của địa phương.

dan-van-3.jpg
Ông Vương Đình Sửu (thứ 2 từ phải sang) kể về chiến dịch giải phóng quận lỵ ở Thượng Đức, Quảng Nam cho thế hệ trẻ

“Đã làm Trưởng khối phải là người hiểu được tâm tư, nguyện vọng của dân, giải quyết được những vướng mắc, tranh chấp xảy ra trong khối. Muốn hoàn thành công việc tất thảy đều phải dựa vào dân”. Đó là bí quyết mà ông Vương Đình Sửu tâm niệm khi làm Trưởng khối suốt 18 năm qua.

Ông sinh năm 1950, nhập ngũ năm 1968, trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng trị năm 1972, ông Vương Đình Sửu bị thương (hiện là thương binh hạng 4/4). Năm 1974, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại cao điểm 1062 trong chiến dịch giải phóng quận lỵ ở Thượng Đức, Quảng Nam.

Tháng 4 năm 1976, ông xuất ngũ và chuyển về làm việc tại Trạm Vật tư Nông nghiệp Quỳ Châu cho đến tháng 1 năm 2006 thì nghỉ hưu, về sinh hoạt Đảng tại chi bộ khối 3, thị trấn Tân Lạc cho đến  nay.

Cứ tưởng về nghỉ hưu là đã an phận tuổi già, nhưng rồi cơ duyên lại đưa ông liên tục gần 18 năm “vác tù và hàng tổng”. Từ tháng 6/2006, ông tham gia cấp ủy chi bộ và trực tiếp làm Trưởng chi hội CCB của khối; tháng 1/2007 đến nay, ông liên tục được tín nhiệm bầu giữ các chức vụ: Bí thư Chi bộ, rồi Trưởng khối, sau đó chuyển sang mô hình Bí thư kiêm Trưởng khối và hiện tiếp tục đảm nhiệm làm Trưởng khối.

Trong suốt thời gian đó, ông còn kiêm nhiệm nhiều chức danh khác như: Phó Chủ tịch Hội CCB thị trấn Tân Lạc, Chủ tịch Hội Thành cổ Quảng Trị của huyện Quỳ Châu.

dan-van-4.jpg
Ông Vương Đình Sửu cùng đồng đội trở lại Quảng Nam thăm lại chiến trường xưa

Ông Vương Đình Sửu, tâm sự: “Hồi mới về, ở khu dân cư còn nhiều khó khăn về điều kiện, nơi sinh hoạt của huyện miền núi. Tuy là ở trung tâm thị trấn nhưng mới được thành lập, cơ sở, hạ tầng chưa đảm bảo, điều kiện để phát triển kinh tế còn nhiều hạn chế. Trước tình hình đó tôi nghĩ rằng thị trấn Tân Lạc diện tích nhỏ, lượng người không đông lắm, điều kiện đất đai còn hạn hẹp. Do đó để phát triển thị trấn thì chỉ tập trung về giao thông nông thôn và phát triển kinh tế”.

Khu dân cư Khối 3 có 209 hộ, có dân tộc Thái và Kinh sinh sống. Khi ông Sửu đảm nhận chức danh Trưởng khối thì khối đang có 38% hộ nghèo, chưa có đường nhựa hay bê tông, 1/3 hộ trong khối sản xuất nông nghiệp, đời sống hết sức vất vả.

Thời đó, con đường bao quanh khu dân cư Khối 3 sát bờ ruộng và đường ra cánh đồng Na Miếng còn lầy lội, người vác cày đi theo con trâu nhiều khi còn trượt ngã.

Vấn đề này được ông đưa ra Chi bộ để bàn bạc, thảo luận và đi đến thống nhất là phải tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân kết hợp vận dụng các cơ chế, chính sách của thị trấn để xây dựng đường nhựa và bê tông trong khối theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Thế rồi ngày đêm, ông trực tiếp cùng các tổ chức đoàn thể họp cùng bà con, ra sức thuyết phục, tuyên truyền, vận động… Nhờ phát huy sức mạnh tập thể, đã hình thành nên một con đường bê tông bao quanh khu dân cư dài 440 mét và con đường ra cánh đồng Na Miếng.

Để triển khai hiệu quả phong trào xây dựng thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, thời gian qua, ông Sửu đã kiên trì vận động, sâu sát với quần chúng, thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở. Từ đó, giúp người dân hiểu được lợi ích và trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình trong xây dựng thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh nói riêng, góp sức xây dựng quê hương nói chung.

Với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, cùng lợi thế Chi bộ có 70 đảng viên, ông Sửu chủ động phân công cho các đảng viên phụ trách, theo dõi các nhóm hộ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như kịp thời giúp đỡ, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh.

Công tác tuyên truyền vận dụng linh hoạt, lồng ghép với hoạt động họp tổ, họp đoàn thể, các hộ dân đã thay đổi nhận thức, tư tưởng thông suốt, nhất trí cao.

Khi ý Đảng hợp với lòng dân, phong trào xây dựng thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh tại khu dân cư Khối 3 trở nên sôi nổi, bà con hăng hái, tự nguyện tham gia. Nhờ đó, các công trình hạ tầng dần được tu sửa, hoàn thiện như: bê tông hóa 1.500m tuyến đường nội đồng, trong đó nhân dân hiến 945 m² đất, đóng góp hơn 1.800 ngày công lao động và 437,5 triệu đồng.

dan-van-5.jpg
Khi ý Đảng hợp với lòng dân, phong trào xây dựng thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh tại khu dân cư trở nên sôi nổi

Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, sự vào cuộc của nhân dân, đến nay Khối 3 đã bê tông hóa được trên 100% tuyến đường trục xóm, đường nội đồng.

Bà Vi Thị Thuyên (80 tuổi, đã có 55 tuổi Đảng) cho biết, được Ban quản lý khối tuyên truyền vận động về việc thực hiện xây dựng đô thị văn minh bà rất vui, nhiệt tình đóng góp sức người, vật chất, hiến đất, hiến cây và ngày công để khu dân cư sạch sẽ, văn minh.

Xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân

Với vai trò là người đứng đầu ông Sửu luôn năng động, gương mẫu trong mọi phong trào của khối, của thị trấn và là tấm gương mẫu mực trong gia đình. Ngoài ra ông còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi, đốt vàng mã.

Đặc biệt trong việc ma chay, ông đã cùng với ban cán sự, người già có uy tín tuyên truyền người dân nên thực hiện theo văn hóa mới, người mất không để quá 3 ngày, không nên mổ trâu, bò quá nhiều để bớt khó khăn cho gia chủ, tiếp khách đến thăm viếng phải theo nếp sống văn minh.

dan-van-1.png
Với vai trò là người đứng đầu ông Sửu luôn năng động, gương mẫu trong mọi phong trào của khối

Cùng với xây dựng hạ tầng, ông Sửu cùng cấp ủy, Chi bộ cũng quan tâm tìm các giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân trong khối.

Nhận thấy trong khối có một số hộ ngoài sản xuất nông nghiệp đã tranh thủ sản xuất hương trầm để bán trong dịp Tết Nguyên đán, ông Sửu đã trực tiếp đứng ra vận động thành lập Làng có nghề sản xuất hương trầm khối 3.

Giờ đây, mô hình Làng có nghề sản xuất hương trầm khối 3 đã có khá nhiều sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 4 sao OCOP của tỉnh Nghệ An, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân trong khối.

Ông còn phát động nhân dân tăng gia sản xuất, chăn nuôi lợn gà, vịt sạch; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những nơi đất đai thiếu nước thì tập trung trồng cây keo, cây mía, cây ăn quả… Nhờ vậy, góp phần xóa đói, giảm hộ nghèo từ 38% (năm 2007) xuống còn 5 hộ chiếm 2,38% (xét theo chuẩn đa chiều) trong năm 2022.

Chị Hoàng Thúy Vân, chủ cơ sở sản xuất hương trầm Bình Minh nhớ lại: “Lúc ban đầu còn nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất, cho đến trang thiết bị máy móc, chủ yếu làm bằng tay thủ công. Từ năm 2000 trở lại đây, cơ sở sản xuất hương trầm Bình Minh phát triển trên nhiều mặt. Ngoài sản xuất hương trầm truyền thống, cơ sở còn sản xuất các sản phẩm hương trầm thẻ, hương vòng, hương nến, hương nụ..., sản phẩm đạt chuẩn 3 sao OCOP”.

Đặc biệt ông Vương Đình Sửu còn ghi dấu ấn bởi khả năng “dân vận khéo” trong thực hiện Dự án “Xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Hiếu, đoạn qua Thị trấn Tân Lạc và xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu”.

Đây là dự án trọng điểm, nhằm chống sạt lở đất, chống lũ, bảo vệ đất và nhà ở cho 11 bản xã Châu Hạnh và 2 khối của thị trấn Tân Lạc với 1.213 hộ dân; bảo vệ mố cầu Kẻ Bọn (trên Quốc lộ 48). Tuyến kè có chiều dài khoảng 5,7km với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng.

Theo người dân sống dọc hai bên bờ tả, hữu sông Hiếu, đoạn qua thị trấn Tân Lạc và xã Châu Hạnh, trước đây, do ảnh hưởng của bão, lũ, biến đổi khí hậu nên sông Hiếu uy hiếp nhiều diện tích đất của người dân. Đặc biệt là đất canh tác dọc hai bên bờ sông.

Hàng năm, nhiều diện tích canh tác hoa màu của bà con nơi đây bị “hà bá” cuốn trôi. Vì thế rất cần có dự án đầu tư bờ kè kiên cố để “chống chọi” lại sự “nổi giận” của thiên tai, bão lụt.

Xác định đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với huyện nghèo vùng cao Quỳ Châu, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Châu đã đặc biệt quan tâm triển khai các phương án, chỉ đạo các cấp chính quyền tập trung các nguồn lực để hoàn thành dự án một cách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả cao nhất.

Biết được chủ trương như vậy, ông Sửu cùng chính quyền, đoàn thể đã đến từng nhà dân để tuyên truyền vận động hiến đất thực hiện chủ trương lớn. Trong đó có gia đình ông: Nguyễn Xuân Lâm (73 tuổi), bà Nguyễn Thị Thanh (70 tuổi), thuộc diện hộ cận nghèo của thị trấn Tân Lạc.

Ông Lâm quê ở Hà Tĩnh, năm 1982 đến đây để định cư với diện tích đất khoảng hơn 1hécta, vừa làm nhà ở vừa để canh tác hoa màu. Gia đình ông đã bàn bạc và thống nhất hiến đất.

Bà Thanh (vợ ông Lâm) cho biết: “Vừa rồi, khi Nhà nước có chủ trương làm kè sông Hiếu, cán bộ có họp và vận động hiến đất. Gia đình tôi đã vui vẻ hiến đất vì điều đó làm cho thị trấn phát triển, con đường mới sẽ rộng và đẹp hơn”.

Theo số liệu thống kê của UBND thị trấn Quỳ Châu, qua đợt làm kè vừa qua, tất cả diện tích đất bị ảnh hưởng phải giải phóng mặt bằng đều được người dân hiến 100% với diện tích lên đến trên 600.000m2 (60 héc ta).

Dẫn chúng tôi đi trên con đường khang trang, hai bên là những bồn hoa đua nhau khoe sắc, dưới dòng sông Hiếu, không xa tương lai là một vùng đất màu mỡ, với quy hoạch hiện đại bên kè sông Hiếu thơ mộng, ông Lô Xuân Viết, nguyên Trưởng Ban dân tộc tỉnh Nghệ An, nguyên Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu chia sẻ: “Những người làm Trưởng khối, ít người như ông Sửu, ông nhiệt tình, đoàn kết với dân xóm, làm không kể giờ giấc, ông luôn tuyên truyền đầy đủ hết các chủ trương, chính sách của Nhà nước đến với người dân".

dan-van-111.jpg
Ông Sửu chính là những nhịp cầu nối giữa ý Đảng-lòng dân, là "chìa khóa" để đưa Nghị quyết trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống

Không chỉ động viên nhân dân chăm lo phát triển kinh tế, ông Sửu còn chú trọng công tác xây dựng Đảng tại địa phương. Vì thế, Chi bộ Khối 3 liên tục được Đảng bộ thị trấn Tân Lạc, Huyện ủy Quỳ Châu biểu dương là đơn vị trong sạch, vững mạnh tiêu biểu 10 năm liền.

Cá nhân Trưởng khối Vương Đình Sửu trở thành tấm gương cựu chiến binh, đảng viên tiêu biểu của huyện miền núi Quỳ Châu, vinh dự được tuyên dương và báo cáo điển hình “Cựu chiến binh làm theo lời Bác” cấp tỉnh.

Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất của ông Sửu là đã đem được cái chữ từ Nghị quyết đến với khối, xóm để góp phần giảm đói nghèo, lạc hậu, làm thay đổi nhận thức cho bà con.

Nhận xét về ông Vương Đình Sửu, ông Đào Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Lạc cho biết: “Ông Vương Đình Sửu cùng với ban cán sự khối 3 luôn tâm huyết để xây dựng thị trấn Tân Lạc đạt chuẩn đô thị văn minh. Những người làm công tác tư tưởng như ông Sửu cũng chính là những người luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để Nghị quyết được triển khai có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Ông chính là những nhịp cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân, là "chìa khóa" để đưa Nghị quyết trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống, tạo nên niềm vui trong sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người xây nhịp cầu nối ý Đảng - lòng dân