Cầm viên gạch trong tay, nắn nót dùng cằm để giữ, cứ như thế, chỉ với 1 cánh tay, thầy giáo Đỗ Thế Tùng cùng với đồng nghiệp đã dồn hết tâm huyết để hoàn tất việc xây dựng sân khấu, sửa chữa trường lớp cho học sinh đón năm học mới.
Thầy luôn quan niệm, dạy học, cũng giống như việc xây nhà vậy, nếu chăm chút các em từ những “viên gạch” đầu tiên thì “ngôi nhà” tri thức mới bền vững. Cũng nhờ thế, học sinh của thầy tại ngôi Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS xã Lâm Ca - một xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn - luôn có điểm trung bình môn Toán nằm trong tốp đầu của huyện.
Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay
Nằm sâu trong hẻm núi, sau những đoạn đường dốc ngoằn ngoèo, Trường Phổ thông dân tộc Bán THCS xã Lâm Ca hiện ra đầy tươi mới bởi không khí rộn ràng, với nhiều hoạt động chuẩn bị cho ngày tựu trường.
Học sinh của thầy Tùng đa phần là người dân tộc thiểu số, bởi vậy thầy luôn mong muốn truyền cảm hứng về con chữ cho các em. Ảnh Ngô Chuyên.
Sau khi phát đủ sách cho học sinh, thầy Tùng hỏi: “Các em, nghỉ hè có vui không? Đã hào hứng trở lại trường chưa? Các em chuẩn bị gì cho năm học mới? Nhận sách mới thế nào?”. Những câu hỏi giản dị mà chứa đựng tấm lòng của một người thầy, người anh luôn tần tảo cõng chữ lên vùng cao, xây dựng tương lai cho những đứa trẻ ở vùng đất có đến 80% học sinh là người dân tộc Tày, Dao và Nùng.
Với người vùng cao, họ đơn giản lắm, khi họ đã tin tưởng thì sẽ “yêu” suốt đời, suốt kiếp. Có lẽ vì vậy, nhắc đến thầy Tùng, người dân trong vùng không ai là không biết, nên việc tìm được thầy ở chốn núi rừng heo hút này không có gì khó khăn cả.
Thấy người lạ hỏi đường, tìm thầy, họ thi nhau kể với giọng đầy tự hào: “Thầy đó không hiểu sao mất một cách tay từ bé nhưng thầy học rất giỏi, có nhiều tài lắm. Một tay nhưng vẫn biết xây nhà, hái chè, đánh cầu lông, là giáo viên xuất sắc của huyện nữa...”.
Chỉ nghe người dân kể, chúng tôi cũng có cảm giác háo hức mong được gặp thầy. Đi theo sự chỉ dẫn đến dãy nhà bán trú nép mình sát chân núi, từ xa chúng tôi đã nghe một giọng nói trầm ấm vọng ra: “Muốn gấp được chăn màn phẳng, các em phải rũ, rồi trải ra giữa giường, vuốt các góc ngay ngắn mới gấp. Khi xong chúng ta để lên đầu giường và chỉnh lại chiếu như vậy nhìn giường mình nằm mới gọn gàng”. Thì ra thầy Tùng đang dạy cho học sinh cách gấp chăn màn, vệ sinh phòng ngủ của mình. Cả chúng tôi và học trò chăm chú đứng xem và chuyển từ ngỡ ngàng sang khâm phục người thầy dù chỉ có một cánh tay, nhưng gấp chăn rất gọn gàng.
Thầy Tùng tâm sự, thầy vốn là người gốc ở Hưng Yên, đầu những năm 1970, gia đình lên đây phát triển kinh tế. Năm lên 5 tuổi, khi đang chơi đùa cùng chúng bạn, không may thầy Tùng đã gặp tai nạn và cũng chính tai nạn đó vĩnh viễn lấy đi cánh tay phải của thầy.
Người ta nói “giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, bởi vậy việc mất đi một phần của cơ thể, bản thân thầy và gia đình đều rất sốc và xót xa. Tuy vậy, thử thách của cuộc sống không những không làm cậu học trò mất đi niềm vui cắp sách đến trường cùng chúng bạn, mà còn khiến cậu thêm nghị lực để cố gắng gấp đôi, gấp ba.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.