Người Thẩm phán hết lòng vì công việc

Tuyết Nhung| 12/03/2014 13:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một ngày đầu xuân, chúng tôi có dịp về thăm huyện Nông Cống, một vùng quê yên bình nằm dọc theo hướng Tây Nam của tỉnh Thanh Hóa.

Nông Cống là một huyện nghèo của xứ Thanh, nhưng có lẽ, xuất phát từ một huyện nghèo mà con người nơi đây luôn có ý chí phấn đấu vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Thẩm phán Phạm Hữu Thắng là một cán bộ tiêu biểu của TAND huyện Nông Cống.

Người Thẩm phán hết lòng vì công việc

Thẩm phán Phạm Hữu Thắng 

Bước chân vào phòng làm việc của Thẩm phán Phạm Hữu Thắng, điều khiến tôi ấn tượng là căn phòng làm việc tương đối gọn gàng, ngăn nắp và giản dị. Theo tôi được biết thì Thẩm phán Phạm Hữu Thắng nhiều năm đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” nhưng trong căn phòng làm việc của Thẩm phán lại không hề treo một tấm bằng khen nào. Tiếp xúc với anh, tôi cảm nhận được từ anh sự tâm huyết và tình yêu nghề thông qua những câu chuyện anh kể. Có lẽ tình yêu nghề, sự nhiệt huyết của một cán bộ trẻ đã giúp anh hoàn thành xuất sắc công việc của mình. Được biết, năm 2013 TAND huyện đã đảm nhiệm một khối lượng công việc khá nặng nề, với 280 vụ việc, trong đó có 216 vụ việc đã được giải quyết. Thẩm phán Phạm Hữu Thắng được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và anh mới được bổ nhiệm chức vụ Phó Chánh án TAND huyện Nông Cống.

Sinh ra và lớn lên ở xã Tượng Văn, một xã nghèo của huyện Nông Cống nhưng người dân vùng quê anh có một tinh thần đoàn kết và gắn bó với nhau. Với tinh thần vượt lên mọi khó khăn mà vùng quê nghèo năm xưa nay đã trở thành một xã đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện. Môi trường sống cũng đã phần nào ảnh hưởng tới quan niệm và lối sống của cá nhân anh.

Trước đây, anh Thắng học khoa Luật của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp ra trường, anh về làm việc tại TAND huyện Nông Cống từ tháng 6/1997. Đến tháng 3/2000 thì được Sở Tư pháp cử tham gia vào lớp đào tạo nguồn Thẩm phán và từ tháng 8/2002, anh được bổ nhiệm làm Thẩm phán cho đến nay. Trong thời gian làm Thẩm phán, anh Thắng từng được cử đi biệt phái ở huyện miền núi Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa một năm. Dù ở cương vị nào, anh cũng luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Đến tháng 8/2013, anh được bổ nhiệm làm Phó Chánh án TAND huyện Nông Cống.

Thẩm phán Phạm Hữu Thắng tâm sự: Để giải quyết tốt những vụ án được giao thì một người Thẩm phán phải có nhiệt huyết với nghề. Đồng thời, phải luôn tâm niệm và mong muốn có được những phán quyết đúng đắn để mang lại công bằng cho xã hội.

Trong quá trình xử án của mình, vị Thẩm phán này cũng đã từng được báo chí đề cập tới rất nhiều, đặc biệt là năm 2012, khi anh được phân công xét xử vụ án Đồng Tôm ở xã Trường Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Đối với các Thẩm phán, khi xét xử thường rất hạn chế đưa ra các “quyết định áp dụng khẩn cấp tạm thời” nhưng Thẩm phán Phạm Hữu Thắng đã từng đưa ra 4 quyết định trong quá trình xử án. Theo quan điểm của anh, quyết định này cũng có những mặt tích cực và hạn chế nên chỉ đưa ra khi thực sự cần thiết. Dù vậy, trong 4 lần đưa ra “quyết định áp dụng khẩn cấp tạm thời”, anh đều thành công. Đây cũng là một trong những điểm đặc biệt của anh trong quá trình xử án.

Có thể nói, Thẩm phán Phạm Hữu Thắng là một người yêu nghề và tâm huyết với nghề. Anh luôn trăn trở để tìm ra những hướng đi đúng đắn và xét xử sao cho đúng người, đúng tội, để không ai mắc phải án oan. Đồng thời, anh luôn giữ vững vai trò là người “cầm cân nảy mực” trong xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Thẩm phán hết lòng vì công việc