Đại gia đình của “quản gia” có 45 người, tất cả trên dưới đều hòa thuận, đoàn kết chí thú làm ăn và hết mực yêu thương giúp đỡ nhau.
Nhắc đến gia đình ông Lê Văn Trách (80 tuổi) và bà Lê Thị Huyên (77tuổi ), người dân khu 3 xã Đỗ Sơn (Thanh Ba – Phú Thọ) ai nấy đều nể phục. Phục vì ông bà “bần cố nông” nuôi 11 người con trưởng thành, dựng vợ gả chồng, rồi tậu đất xây nhà cho từng đứa. Nay đã ở tuổi thất thập cổ lai hi, ông bà vẫn nhận nuôi thêm 2 đứa cháu... Ông bà thật sự như những người "quản gia" trong một đại gia đình.
“Tiểu đội người”
Ở cái tuổi xưa nay hiếm ông Trách vẫn còn minh mẫn khỏe mạnh, hằng ngày ông vẫn gánh nước tưới rau, đạp xe 7 – 8 km thăm con, thăm cháu. Đối với ông Trách niềm vui tuổi già ý nghĩa chỉ khi nhìn thấy con cháu vui vẻ, hạnh phúc sống đầm ấm bên nhau.
Xây dựng gia đình từ năm 1959, khi đó ông Trách 24 tuổi còn bà Huyên đang ở độ tuổi 20. Thời kỳ bao cấp, chiến tranh liên miên cuộc sống lúc đó cực kỳ khó khăn, vợ chồng về ở với nhau gần tròn năm, bà Huyên sinh đứa con đầu lòng, và cứ thế 2 năm một đứa, lần lượt ra đời và đứa con út của ông bà sinh năm 1982.
“Đến bữa cơm cũng phải chia làm 2 mâm, một mâm do tôi quản, một mâm do bà nó quản nhà lúc nào nhà cũng như có đám cỗ, ồn ào mà vui lắm!”, ông Trách hóm hỉnh kể.
Ông Lê Văn Trách
Khó khăn cũng qua đi khi người con đầu lòng của ông là Lê Văn Nhân lớn lên, biết phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Ông Trách nhớ lại: “Lúc kinh tế chưa cải cách thật sự là khổ, cơm độn sắn thậm chí không có sắn mà ăn, lúc đói thì khoai ráy cũng phải ăn! Lúc đó tôi, bà nó, thằng Nhân, thằng Nhượng phải quần quật làm đủ thứ việc, mò cua bắt tép, gánh gạch, cuốc đất thuê để có tiền nuôi cả tiểu đội người”.
Người đông nên gia đình không lúc nào vắng tiếng cười tiếng nói, với ông Trách lúc đi làm về mệt, nhìn đàn con đùa nghịch, chăm sóc nhau ông cũng thấy khỏe hẳn lên.
Tất cả 11 người con, 6 trai, 5 gái của ông Trách lớn lên không ai bệnh tật gì, có chăng cũng chỉ mấy bệnh cảm cúm thông thường.
Trong ấm ngoài êm
Đối với ông bà Trách - Huyên thì khó khăn nhất vẫn là việc làm sao để cho các con trên dưới sống hòa thuận, bảo ban nhau làm ăn. Đến nay, hai ông bà có tất thảy 25 cháu, 8 chắt nội ngoại, thì trách nhiệm ấy ngày càng nặng nề hơn. Dù các con đã trưởng thành, nhưng ông bà luôn dõi theo, bảo ban từng lời ăn tiếng nói, cách cư xử cho đúng mực để “vừa trên phải dưới”.
11 người con của ông Trách đều trưởng thành trong căn nhà cấp 4 đơn sơ
Khi hỏi về bí quyết làm sao giữ gìn gia đình hạnh phúc như vậy, ông Trách trầm ngâm: “Nói chung, cuộc sống khổ nó quen nên chúng nó cũng ý thức được, biết thương yêu nhau mà sống. Phần còn lại cũng là do dạy dỗ, chỉ bảo từng tí, căn bản là mình hiểu tính cách chúng nó, để còn biết mà uốn nắn”.
Ngoài ra ông Trách còn cho biết, ông thường quy trách nhiệm cho các con, đứa lớn phải giúp đứa bé, đứa có điều kiện giúp đỡ đứa không có điều kiện. Ông bảo: "Làm như thế chúng nó mới yêu thương nhau, có trách nhiệm với nhau hơn". Và cứ thế cuộc sống khó khăn nên các con của ông bà ai nấy đều tự lập, tự lo cho mình rồi giúp đỡ nhau dần dần ổn định cuộc sống.
Khi nhắc tới bố mẹ mình, ông Lê Văn Nhượng bộc bạch: “Nể phục bố tôi ở chỗ công bằng, rạch ròi chuyện gì ra chuyện đó. Ở với bố tôi hiểu, ông coi ai cũng như ai, không phân biệt trưởng thứ”.
Nhìn vào gia đình của ông bà Trách - Huyên, người dân trong xã lấy làm khâm phục. Họ khâm phục tinh thần nghị lực của ông bà bao nhiêu, thì họ càng khâm phục cách ăn ở đối nhân xử thế của ông bà bấy nhiêu.
“Tôi ít thấy ông bà Trách nổi nóng, ăn ở hiền lành, hay thương người, tuy nghèo thế thôi nhưng luôn giúp đỡ người khác, trong làng trong xóm ai cũng quý cũng mến”, anh Nguyễn Văn Bình một hàng xóm thân cận của ông bà chia sẻ.