Khi người ông của bạn mất, không để lại di chúc, tài sản thuộc sở hữu của ông bạn sẽ là di sản được chia lại cho các đồng thừa kế theo quy định của pháp luật.
Bạn đọc Nguyễn Phương Linh (Hà Nội) hỏi: Ông nội tôi đã mất nhưng không để lại di chúc. Vậy ba người con trong đó có bố tôi muốn bán đất phải làm gì? Thủ tục làm như thế nào?
Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội trả lời:
Theo quy định tại Điều 651, Bộ luật dân sự năm 2015 về người thừa kế theo pháp luật nêu rõ:
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
Như vậy, khi ông nội của bạn mất, không để lại di chúc, tài sản thuộc sở hữu của ông bạn sẽ là di sản được chia lại cho các đồng thừa kế theo quy định của pháp luật.
Đối chiếu với tình huống bạn đọc nêu trên, khi chia di sản thừa kế theo pháp luật, hàng thừa kế thứ nhất của gia đình bạn sẽ gồm ông, bà sinh ra ông của bạn (nếu còn sống), vợ và các con đẻ và con nuôi (nếu có).
Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ cùng khai nhận thừa kế và thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Nếu hàng thừa kế thống nhất để lại cho 1 người đứng tên thì những người khác sẽ làm từ chối di sản thừa kế. Người được nhận thừa kế sau đó sẽ làm các thủ tục để sang tên. Sau khi sang tên thì mới có các quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Thủ tục khai nhận di sản đối với các đồng thừa kế
Khi bạn muốn thực hiện thủ tục khai nhận di sản thì bạn có thể ra văn phòng công chứng hoặc UBND cấp xã để thực hiện thủ tục khai nhận di sản.
Bạn cần chuẩn bị hồ sơ như sau: Văn bản khai nhận di sản; Biên bản tặng cho quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với đất, biên bản từ chối nhận di sản; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với đất; Căn cước công dân hoặc giấy khai sinh hoặc giấy đăng ký kết hôn để chứng minh mối quan hệ với người đã mất; Giấy chứng tử của người mất.
Theo quy định của Luật công chứng, sau khi kiểm tra hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì hồ sơ sẽ được niêm yết công khai tại trụ sở của UBND cấp xã nơi thường trú của người để lại di sản trước khi mất, sau 15 ngày nếu như không có khiếu nại, kiến nghị thì công chứng viên sẽ công chứng viên sẽ lập Biên bản thoả thuận phân chia di sản.
Sau đó các đồng thừa kế có thể nộp hồ sơ lên Văn phòng đăng ký đất đai của UBND cấp huyện để thực hiện thủ tục đăng ký biến động về tên người sử dụng đất.