Do ảnh hưởng của bão số 3, hiện trên các khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân, doanh nghiệp thuộc tỉnh Quảng Ninh chỉ còn lại khung cảnh tan hoang, nhiều người lâm cảnh trắng tay.
Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ninh, bão số 3 đã gây thiệt hại cho địa phương này gần 24 ngàn tỷ đồng, trong đó riêng lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có hơn 2.600 cơ sở nuôi trồng bị thiệt hại.
Mặc dù chưa có con số chính xác về thiệt hại của người dân, doanh nghiệp ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhưng theo thống kê ban đầu thì hàng nghìn tỷ đồng của ngư dân Quảng Ninh đã “bay” theo bão Yagi.
Chia sẻ với PV Báo Công lý, bà Nguyễn Thị Hoàn - phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên, nói: “Cứ nghĩ hơn 10 tấn cá to chuẩn bị được thu hoạch thế nhưng giờ tất cả đã bị bão cuốn phăng, gia đình còn lại hơn 2 tỉ tiền nợ ngân hàng, không biết bám víu vào đâu để thế chấp vay vốn tái sản xuất, bởi sổ đỏ đã thế chấp ngân hàng”.
Bão số 3 không chỉ phá hủy lồng bè nuôi trồng thủy sản mà còn khiến nhiều tàu cá của ngư dân bị đắm, việc trục vớt phương tiện để tiếp tục hoạt động đánh bắt trên biển là vô cùng khó khăn.
Anh Phạm Văn Tiến - Phường Hùng Thắng, TP Hạ Long buồn rầu: “Bão số 3 làm tàu thuyền nhà tôi bị đắm, giờ còn chưa biết trôi về đâu để mà trục vớt, nói chung là trắng tay rồi. Tôi chỉ mong được hỗ trợ giãn nợ và cho vay tiếp để tiếp tục sản xuất, bám biển mưu sinh”.
Theo thống kê của UBND huyện Vân Đồn, cơn bão số 3, đã gây thiệt hại khoảng 32.112 tấn thủy sản đến kỳ thu hoạch (hàu 25.638 tấn, cá 636 tấn, hải sản khác 5.840 tấn).
Ngoài ra, còn gây thiệt hại cho 2.000ha hàu và 3.500 ô lồng nuôi cá mới thả giống. Tổng thiệt hại dự kiến đối với NTTS của người dân trên địa bàn huyện Vân Đồn trên 2.200 tỷ đồng.
Trao đổi với PV, Thiếu tá Đỗ Hoài Nam - Đồn trưởng Trạm biên phòng Cái Rồng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh cho biết, ngay sau khi bão tan, Đồn đã cử 30 lượt cán bộ chiến sĩ phối hợp với UBND huyện Vân Đồn và các lực lượng chức năng tham gia khắc phục hậu quả sau bão, cùng với bà con đi tìm những lồng bè trôi dạt hoặc những phương tiện trôi dạt ở trên biển.
Trước những mất mát của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và đối với người nuôi trồng thủy sản nói riêng, được biết, tại Kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề) tới đây, HĐND tỉnh sẽ xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra.
Để sớm khắc phục hậu quả mưa bão, lũ lụt, ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu nâng quy mô gói tín dụng với lâm, thủy sản lên khoảng 50.000-60.000 tỷ đồng, để hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau bão.