Nguyễn Hữu Phiên An gửi gắm thông điệp về tình yêu và cuộc sống muôn sắc ở Sài Gòn trong cuốn tản văn "Người nhớ người quên – Lạc nhau giữa phố".
Nguyễn Hữu Phiên An viết cuốn Người nhớ người quên – Lạc nhau giữa phố bằng hơn một thập niên “sống, thương, nhận và trả lại” Sài Gòn.
Người nhớ người quên – Lạc nhau giữa phố là cuốn tản văn gồm 19 câu chuyện "không đầu không đuôi, đa phần không trọn vẹn nhưng lấp lánh bình yên", chia làm 3 phần: Hôm trước, Đêm nay, và Ngày mai cùng một truyện ngắn xếp vào Phụ truyện.
Tác giả Nguyễn Hữu Phiên An. |
Phần Hôm trước kể những cuộc tình dang dở của Phiên An hoặc bạn bè, đồng nghiệp anh. Đó là những cuộc tình không có đúng sai, mỗi người giữ lại trong lòng chút hoài niệm đôi khi được nói ra hoặc không bao giờ. Phần Đêm nay kể về những người quanh tác giả, có thể là chuyện của một bạn nhậu song tính; một cậu em đồng tính với tâm tư lạ thường đã rời thành phố; một người em đã giúp tác giả vượt qua bao cơn bão lòng trong đêm nay đã quy y cửa Phật;... Phần cuối, Ngày mai, gồm những tản văn tươi sáng dù chẳng có hạnh phúc nào trọn vẹn trên đời. Tác giả tâm đắc nhất phần này.
Mười ba năm ở Sài Gòn, Phiên An cũng như bao thị dân gen Y và Z khác, sống với tình yêu, tình bạn cùng những trải nghiệm về cuộc sống và công việc. Đó là một thế giới đa sắc, đủ dư vị của hạnh phúc, chia ly, nhớ nhung, quên lãng... Tác giả viết chân thực, sinh động nhưng không giật gân, câu khách, đặc biệt trong cách khai thác những câu chuyện về giới LGBTQ+. Cuốn tản văn mang hơi thở của người trẻ đương đại.
Phiên An cho biết, bạn đọc sẽ thấy mình trong những chi tiết giản dị, dễ bị lãng quên hoặc quá hiển nhiên trong đời sống đến nỗi không ai viết ra thành sách. Tản văn của anh không giải quyết bất kỳ vấn đề gì lớn lao hay tranh luận về nhân sinh xã hội. "Dù lãng đãng trôi trong những dòng tâm tình xoay quanh chuyện yêu đương là chính nhưng đây không phải là một cuốn sách ngôn tình", anh nói.
"Tôi và Daisy không quan tâm nhiều đến kiểu tình yêu của người xưa, rằng gặp gỡ ai đó ở đời này chính là nhân duyên mà chúng ta: hoặc gieo để gặt, hoặc nợ để trả, hoặc dang dở để đến lúc hoàn thành. Chúng tôi từng không quan tâm điều đó. Nhưng khi chúng tôi rời nhau nhiều năm, đắm mình trong những quan điểm yêu đương khác thường và cấp tiến do chính bản thân tạo ra, cuối cùng nhận ra: nếu không tin nhân duyên có thể đuổi bắt người ta từ kiếp này qua kiếp khác, thì trong chính hiện tại, những buồn – vui của tháng ngày gắn bó cũng không thể qua loa khỏa lấp, chối từ hay che giấu, vì nó là hạt giống của sự lâu dài. Khi chúng tôi chọn chơi trò chơi, với người vờ quên và người chấp nhận một kẻ không cần nhớ, thì chúng tôi đã vứt đi hạt giống để tình cảm nảy nở thành hoa trái”.
Trích Vờ quên.
“Nhưng cũng đến ngày, Lam cắt chỉ mà không hề báo trước. Minh càng không hiểu, vì mới đó cô và anh còn nói chuyện với nhau nhiều hơn bình thường. Mùa dịch ở Sài Gòn là lúc những mối quan hệ của chúng ta sắp xếp lại, có khi tạm thời, có khi vĩnh viễn. Những mối quan hệ đó, được điều chỉnh bằng trực tuyến. Đó là nơi một ánh mắt lảng đi, một cái nhìn bâng quơ ra phố, một bàn tay buông thõng, hay một lần vuốt tóc suy nghĩ không bị bắt gặp. ‘Bạn em nói rằng, hai tháng ít ra đường giúp cô sàng lọc những chân tình. Có những người ít liên hệ đã lâu, giờ quan tâm nhau hàng ngày. Còn vài người, từng sáng đón chiều đưa, đột nhiên nhợt nhạt’’.
Trích Biến mất.
Nguyễn Hữu Phiên An tên thật là Nguyễn Viễn Thông, sinh năm 1990, quê ở Vĩnh Long. Anh đến TP.HCM năm 2008 sinh sống và làm việc đến nay. Anh hiện công tác tại một cơ quan báo chí.