Hành động cúi đầu chào khách của Giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu người Nhật đã khiến người Việt kinh ngạc.
Cúi đầu chào là lễ nghi đặc trưng của người Nhật, nó là nét văn hóa mang tính dân tộc của họ. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy nó ở bất kỳ đâu trên thế giới không chỉ ở Nhật. Thế nhưng khi ông Hiroaki Honjo – Tổng giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Idemitsu Q8 đứng giữa trời mưa cúi đầu chào khách hàng của mình lại khiến nhiều người sửng sốt. Vì sao?
Trước hết xin khẳng định việc cúi đầu chào khách ở Việt Nam không thiếu. Tôi bắt gặp thường xuyên ở những quán ăn, quán cà phê, một số siêu thị điện máy từ nhân viên giữ xe cho đến người phục vụ đều cúi chào rất lịch sự.
Chỉ khác duy nhất một điều, giữa trời mưa một vị đường đường là giám đốc một doanh nghiệp lại cúi chào khách hành nên người Việt thấy lạ lẫm, hiếu kỳ.
Ở đây không phải chỉ là nét đặc trưng văn hóa đơn thuần, mà nó là nghệ thuật kinh doanh.
Hình ảnh ông Giám đốc người Nhật cúi đầu chào khách
Người tiêu dùng Việt lâu nay vốn dĩ không được xem là "thượng đế" đặc biệt là ở điểm bán xăng dầu. Nói đến đây tôi mới nhớ, đã rất lâu rồi tôi không đổ xăng ở cây xăng ngay gần sát nhà. Tôi đã "cạch mặt" cây xăng đó khi biết rằng họ đã đổ thiếu, thậm chí họ đổ tràn xăng ra xe mà không một lời xin lỗi, còn thái độ của nhân viên thì rất hách dịch.
Họ mắng xa xả những người vào đổ xăng mà chưa mở nắp bình hay đổ xong rồi nhưng chậm đưa xe ra khỏi khu vực bán hàng. Rõ ràng họ đối xử với khách hàng như người đi xin chứ không phải người đi mua. Họ bán xăng lấy tiền nhưng nghiễm nhiên xem như mình đang bố thí.
Người Nhật nhìn ra điều đó. Họ đã rất khôn ngoan khi vừa phổ biến được văn hóa dân tộc và kết hợp nó với việc kinh doanh. Đúng như một số lãnh đạo doanh nghiệp Việt phát biểu trên báo chí, hành động của ông Hiroaki Honjo rất bình thường, chẳng có gì là to tát cả. Thế ngẫm ra, mấy vị giám đốc người Việt này toàn làm những việc to tát nên hành động bé tẻo teo như thế chẳng đáng?
Có một câu chuyện cổ Hy Lạp nói về cái cúi đầu, xin được kể hầu độc giả.
Một người hỏi Socrates - vị triết gia Hy Lạp cổ đại: “Ông là người có học vấn uyên thâm nhất thiên hạ, ông có biết khoảng cách giữa trời và đất là bao nhiêu không?”.
Socrates trả lời: “Ba thước”. (một thước = 0.33 m)
Người này tỏ vẻ nghi hoặc hỏi lại: “Thưa ông, ngoài trẻ con ra thì con người chúng ta ai cũng cao 5, 6 thước, nếu khoảng cách giữa trời và đất chỉ có 3 thước, thì chẳng phải chúng ta đã đâm thủng bầu trời rồi hay sao?”.
Socrates gật đầu: “Đúng vậy, phàm là ai cao hơn ba thước, nếu muốn đứng được ở giữa trời và đất, thì phải biết cúi đầu xuống”.
Câu chuyện rất đơn giản nhưng truyền đi một thông điệp về đạo lý. “Cúi đầu” chính là một cách ứng xử đúng mực, một cách nhìn xa trông rộng trong cuộc sống.
Trở lại với vấn đề đang bàn, tôi chẳng khuyến khích các vị giám đốc doanh nghiệp Việt Nam ra đứng trước cửa để cúi đầu chào khách. Người Việt có văn hóa của người Việt và thể hiện nó bằng nhiều cách khác nhau chứ không chỉ riêng cái "cúi đầu". Tuy nhiên văn hóa ứng xử nói chung và trong kinh doanh nói riêng của chúng ta đang yếu kém, đó là sự thật không nên tự ái.
Trong kinh doanh phải lấy chất lượng sản phẩm, dịch vụ làm trọng điểm, khách hàng làm trọng tâm, đúng như cái khẩu hiệu một số doanh nghiệp gắn trước cửa "vui lòng khách đến, hài lòng khách đi". Hãy tạo cho khách hàng cảm giác họ chính là "thượng đế".
Thật nực cười khi một doanh nghiệp xăng dầu vội vã treo khẩu hiệu "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để cạnh tranh với cái cúi đầu của ông giám đốc người Nhật. Người tiêu dùng sẽ chẳng ưu tiên gì ngoài túi tiền của họ. Chúng ta thua trên sân nhà bởi những khẩu hiệu suông như thế đấy!
Cúi đầu không làm chúng ta hao hụt đi tiền bạc, không làm ta yếu hèn đi mà đó là sự khiêm nhường, sự tôn trọng, làm chúng ta mạnh mẽ lên. Ông Tiến sĩ Lê Thẩm Dương từng nói một câu chứa đầy hàm ý: "Cúi càng thấp thì khả năng móc được tiền từ túi kẻ khác càng cao".
Hàm ý trong đó hiểu ra rất chí lý.