Ở vùng đất Kẻ Sặt, có một ông giáo già đã dành hơn nửa đời mình tìm kiếm, lưu giữ sách và những kỷ vật chiến tranh với mong muốn các thế hệ mai sau hiểu thêm về lịch sử và qua đó tưởng nhớ đến những người đã hy sinh, cống hiến cho độc lập của dân tộc.
Ông là Phạm Chí Thiện, quê ở xã Tráng Liệt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Nửa thế kỷ dựng lên một “bảo tàng”
Thành quả “một đời căm cụi”của ông giáo già đất Bình Giang là cái “bảo tàng” chứa hàng trăm đầu sách cùng với khoảng gần 2.000 kỷ vật, ghi dấu những hình ảnh người chiến sĩ đã chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc.
Giờ khi đến thăm cái “bảo tàng” đó, người ta có thể bắt gặp từ những chiếc áo trấn thủ cũ kĩ, tấm vải dù đã nhuộm màu thời gian hay đến những đôi giày đã cùng người lính trận qua ngàn bước quân hành. Chủ của chúng đặt tên là “hiện vật mềm”.
Còn những vỏ đạn súng trường, vỏ đạn pháo, đài radio, máy phát điện quang... thì mang tên chung là “hiện vật cứng”. Còn đứng trang trọng trên giá hay nằm xếp bằng trong những thùng sách cũ, là gần 20.000 cuốn sách trong đó có nhiều cuốn quý hiếm đã hàng trăm tuổi.
Mỗi lần đi sưu tầm về, ông Thiện đều cẩn thận ghi chép lai lịch của từng kỷ vật
Tiếng lành đồn xa, không chỉ những người dân quê mà nhiều học giả khắp trong Nam ngoài Bắc cũng biết tiếng ông Thiện. Họ biết là vì cái “bảo tàng”, cái kho sách mà ông dày công sưu tầm kia nó lưu giữ bao thăng trầm thế sự. Không hề quá lời nếu nói rằng ánh sáng từ kho chữ nghĩa, kỷ vật ấy nó phần nào khiến người ta nâng niu sự học hơn.
Ông Thiện kể, ông bắt đầu hành trình sưu tầm, tìm kiếm và lưu giữ sách cũng như các kỷ vật chiến tranh từ những năm 70 của thế kỷ trước. Khi đó, ông đương là sinh viên khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ngoài giờ lên lớp, ông thường lang thang đến các hiệu sách ở Bờ Hồ, ô Chợ Dừa, Cầu Giấy... để tìm sách.
Năm 1979, sau khi tốt nghiệp đại học, ông Phạm Chí Thiện trở về quê hương làm giáo viên. Là giáo viên dạy văn khiến niềm đam mê sách của anh giáo nghèo càng bùng lên dữ dội. Cũng từ đó, ông nảy ra ý định quyết tâm sẽ phiêu bạt đi “tìm hình” của sách. Lùng sục đến hàng trăm cửa hàng sách lớn nhỏ ở Hà Nội chưa thỏa, ông về Hà Nam, Nam Định, Thái Bình để sưu tầm. Không những thế, ông còn gom góp, dành tiền rồi “Nam tiến”. Hơn một tháng lang thang ở TP. Hồ Chí Minh rồi cố đô Huế, ông mua được hàng nghìn cuốn sách.
Vợ ông, một phụ nữ nông thôn chuyên nghề hàng xáo, cặm cụi mưu sinh, mỗi đồng mỗi hào kiếm được đều là mồ hôi nước mắt, nhưng vì thấu hiểu đam mê cũng như ý nghĩa của việc chồng làm, nên bà lặng lẽ ủng hộ mà không hề buông lời ca thán. Ngoài tiền sinh hoạt, buôn bán dư dả được đồng nào, bà lại dồn hết cho ông, giúp ông thực hiện tâm nguyện xây nên một cái “Thư viện gia đình”.
Năm này qua năm khác, kho sách của ông Thiện ngày một nhiều lên. Chúng được bày trên hàng chục chiếc tủ, trong các rương hòm và thậm chí tràn ra cả chiếc giường nơi ông ngủ. Có những bộ sách mà ngay cả Thư viện quốc gia cũng mong muốn có được như cuốn Từ điển bách khoa Trung Quốc có tất cả 120 cuốn thì ông đã sở hữu 70 cuốn (Thư viện Quốc gia hiện mới có 40 cuốn). Hay bộ Từ điển từ nguyên Trung Quốc gồm bốn tập, in trên giấy dó. Sách được biên soạn năm 499 và tái bản năm 1914 tại Trung Quốc, gồm trên 2 triệu từ (chữ) Hán gốc, tối cổ. Rồi cuốn Kinh thánh đầu tiên có mặt tại Việt Nam, bộ Kinh thi, luận ngữ bản gốc, bộ từ điển tiếng Tây Ban Nha nặng gần 50kg…
Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu đã tìm đến kho sách của ông Thiện để kiểm tra thông tin cũng như tra cứu tư liệu cho các sáng tác văn học hay công trình nghiên cứu của mình. Với ông, sách như một tài sản chung của nhân loại, mọi người đều có quyền được đọc nên ông không từ chối bất kì một lời đề nghị mượn sách nào. Ông luôn ước muốn làm sao có được một thư viện giữa làng để đem sách ra đó trưng bày cho bà con trong làng ngoài xã tìm đến đọc.
Miệt mài thắp lửa quá khứ
Trong khi nhiều người cất công sưu tầm những món cổ vật có giá trị và để lại một gia tài đáng kể cho con cháu thì vị “kẻ sĩ đất Kẻ Sặt” này lại chỉ chăm chăm tìm sách và trên hết là sưu tầm những kỷ vật của một thời máu lửa. Đó là những kỷ vật bán không ai mua, không thể chuyển được thành tiền.
Ông bảo mình sưu tầm không phải vì tiền, cũng không phải để làm cuộc chơi. Ông muốn tập hợp chúng lại thành một bảo tàng cho nhiều thế hệ sau được biết về hai cuộc chiến của dân tộc như thế nào thông qua những hiện vật này, như một cách để tưởng nhớ những người đã hy sinh và cống hiến cho độc lập của dân tộc.
Ông Thiện vừa giới thiệu về các kỷ vật, vừa giáo dục truyền thống cho lớp trẻ
Kỷ vật đầu tiên ông Thiện có được là chiếc áo trấn thủ của cha ông là cụ Phạm Thế Lương - liệt sĩ của Quân khu Tả ngạn, hy sinh từ tháng 10 năm 1952 tại Hải Phòng và chiếc huy hiệu Bác Hồ tặng cho người phụ nữ công giáo đầu tiên. Người có vinh dự được nhận chiếc huy hiệu này chính là mẹ đẻ của ông, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tráng Liệt, huyện ủy viên huyện Bình Giang.
Từ những kỷ vật của cha mẹ để lại, những kỷ vật là chứng nhân cho một thời “thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang” và những mối tình vượt đạn bom, gian khổ đã thôi thúc ông đi tìm những kỷ vật thời chiến như một sự tưởng nhớ.
Trong gần 3000 kỷ vật mà ông lưu giữ, có những kỷ vật mang theo nó câu chuyện đầy thú vị và xúc động như chiếc đèn dầu của anh hùng Bông Văn Dĩa - người trực tiếp khai mở con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trong chuyến đi đầu tiên, góp phần quan trọng hình thành tuyến đường được thế giới ngợi ca là con đường của lòng dũng cảm và sức sáng tạo của dân tộc Việt Nam.
Trên chân đế của đèn vẫn còn rõ dòng chữ được viết bằng sơn ta: Bông-V-Dĩa, K15-Đồ Sơn-Hải Phòng-Phương Đông 1… Chiếc đèn ấy hẳn đã chứng kiến bao sự kiện quan trọng trên đường hành quân của thuỷ thủ đoàn tàu Phương Đông trong hành trình gian khó tiên phong.
Góp mặt trong bộ sưu tập còn có một chiếc bi đông của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thành ở thôn Mòi, xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang. Năm 1972, trong một trận càn của Mỹ, rất nhiều đồng đội của ông Thành đã bị thương. Trong thời khắc mong manh giữa sự sống và cái chết, họ đã chia nhau từng giọt nước trong chiếc bi đông này để chiến thắng địch. Sau trận đánh, ông mang chiếc bi-đông ấy về miền Bắc. Rồi ông tặng lại vật kỉ niệm của đời mình cho bộ sưu tập của ông Thiện, với mong muốn nó sẽ mang câu chuyện cảm động giữa phút nguy nan của ông và đồng đội đến với mọi người.
Trong “bảo tàng” của ông Thiện có rất nhiều kỷ vật rất đặc biệt, như chiếc bút hiệu Pi-lốt của vị tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ mà ông được gia đình vị tướng tặng lại năm 2004, chiếc la bàn của anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân và ấn tượng nhất là chiếc hòm kỷ vật của 10 nữ thanh niên xung phong ở miền Tây Quảng Trị. Sau chiến tranh, các cô đã gom toàn bộ tư trang của mình chôn xuống đất để làm “của hồi môn” ở thế giới bên kia… Câu chuyện xung quanh những kỷ vật đó có thể ám ảnh bất cứ ai từng được nhìn, được chạm tay vào nó.
Những năm gần đây, ông Thiện đã cất công vào Nam và cũng đã sưu tầm được những kỷ vật mới thu thập được từ những người lính ở phía bên kia. Đó là những bức thư, những tài liệu của quân lực chính quyền Sài Gòn và của quân lực Hoa Kỳ cùng những vật dụng mà họ đã dùng trong chiến tranh. Chúng góp phần cung cấp cho người xem hiểu hơn về cục diện thời kì đó và cuộc sống, suy nghĩ của những người lính Việt Nam Cộng hoà.
Ngang qua kẻ Sặt, chỉ cần ghé thăm “bảo tàng đặc biệt” của ông giáo già Phạm Chí Thiện một lần, đứng trước những hiện vật và ông nâng niu gìn giữ, người ta phần nào cảm nhận được hơi ấm của từng nếp áo, miếng vải dù, sẽ thấy mùi khói cay xè, khét lẹt của đạn và tưởng tượng như tiếng bom rền khi nâng lên những cái ca uống nước được gò uốn từ vỏ bom bi, xác máy bay Mỹ… Đứng trước toà ngang dãy dọc của kho sách đồ sộ, bạn sẽ thấy thêm háo hức được khám phá biết bao điều mới lạ từ Đông – Tây, kim – cổ.
Và khi đứng trước người đàn ông nhỏ bé, khắc khổ mang tên Phạm Chí Thiện, người ta sẽ vỡ ra một điều tưởng chừng rất giản đơn: Chỉ cần có lòng đam mê và khát vọng cống hiến, thì bất cứ ai cũng có thể làm được nhiều điều tưởng như không thể. Hơn nữa, khi lắng nghe các câu chuyện đầy thú vị của người “thuyết minh viên”, khách sẽ phần nào hiểu được những hy sinh, mất mát của cha ông ta trong quá trình đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Nghe để hiểu, hiểu để biết trân trọng lịch sử, để sống trách nhiệm hơn với bản thân, với gia đình và với xã hội.