Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến nay cả nước ta có trên 8,8 triệu người có công, chiến gần 10% dân số, trong đó có hơn 117 nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Trong số ngàn vạn “Bà mẹ nghìn năm của nước non” (thơ Huy Cận) ấy, có không ít những bà mẹ người dân tộc thiểu số tiễn chồng con ra trận, rồi đau đớn đón nhận hung tin, rồi khắc khoải sống cho tới ngày khuất bóng. Tôi đã từng gặp một Bà mẹ Việt Nam anh hùng như thế, giữa vời vợi cao nguyên Châu Mộc.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Mùi Thị Dậu khi còn sống
Dáng mẹ nghiêng theo bước núi đồi
Cách đây ít lâu, với mong muốn được nghe kể về cuộc đời và sự hi sinh của những người mẹ anh hùng, tôi đã ngược Sơn La để tìm gặp mẹ Mùi Thị Dậu. Trước khi đi, nhà văn Trầm Hương bảo rằng: “Nếu chỉ đơn giản là gặp mẹ Dậu thì chỉ cần đến trung tâm thành phố Sơn La bởi từ năm 1996, mẹ đã được Khách sạn Công đoàn tỉnh Sơn La đón về phụng dưỡng, nhưng nếu muốn hiểu hết về mẹ thì phải đến tận bản Sao Tua, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu. Đường vào đó vất vả vô cùng, nên cần phải chuẩn bị kĩ càng”.
Đến Khách sạn Công đoàn tỉnh Sơn La, tôi được cô lễ tân khách sạn đưa vào gặp mẹ ở khu nhà phía sau khách sạn. Cô bảo mẹ Dậu về đây cũng đã mười mấy năm, sức khỏe tốt nhưng mẹ lúc nào cũng lặng lẽ như cái bóng, giấu diếm mọi tâm sự trong đôi mắt đã dần mờ đục. Mỗi khi chiều xuống là mẹ lại lần ra ban công nhìn về phía quê nhà, gương mặt tĩnh lặng nhưng đôi tay cứ miết mải trên mặt tường xi măng cho thấy lòng mẹ bồn chồn nhiều lắm. Biết mẹ nhớ rừng, nhớ bản nên lâu lâu đơn vị lại cử người đưa mẹ về quê một chuyến cho thỏa lòng. Lúc bấy giờ mẹ đã 93 tuổi, tôi băn khoăn mãi vì không biết mẹ có đủ sức khỏe để vượt chừng ấy đường đất để về lại Sao Tua nữa hay không?
Và quả thật, bước đi của mẹ Dậu đã khá nặng nề. Dẫu là con đường trong khuôn viên Khách sạn Công đoàn được lát gạch men, phẳng lì nhưng dáng mẹ vẫn tấp tểnh, gò lưng xuống mà đi như đang đi đường núi vậy. Cô lễ tân bảo từ khi mới xuống đây, mẹ nói đi đường rừng quen rồi, giờ đi đường bằng thấy khó khăn quá, nó cứ chung chiêng như đưa võng. Tôi nghe mà chạnh lòng khi nghĩ đến những người phụ nữ vùng cao như mẹ, cái dáng đi cả đời tất bật, mặt cắm cúi xuống đất và lao bổ về phía trước để giữ thăng bằng khi lên dốc. Vậy mà các mẹ, những người phụ nữ bình dị cả đời không bước chân ra khỏi bản nghèo ấy đã dâng hiến biết bao đứa con của mình cho đất nước.
Mẹ Mùi Thị Dậu là người dân tộc Mường là mẹ của liệt sỹ Mùi Văn Chính. Anh nhập ngũ năm 1966, năm 1969 hy sinh tại chiến trường Mường Sủi, tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Năm 1995, mẹ Mùi Thị Dậu được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và cũng đã được vinh dự đón nhận Huân chương kháng chiến hạng 2, Huy chương vì sự nghiệp Xây dựng và phát triển Sơn La cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Nhưng đó là những thông tin tôi có được khi tham quan bảo tàng tỉnh Sơn La, còn trong câu chuyện bên mẹ, mẹ chỉ kể quê mẹ cách đây gần 200 cây số nằm bên dòng Đà giang nước xanh biêng biếc. Muốn về bản Sao Tua thì phải đi thuyền bởi đường bộ ô tô chưa vào được. Ở đó mẹ còn có một nếp sàn nhỏ, có bàn thờ ông bà, tổ tiên và vợ chồng đứa con gái nuôi mẹ nhận khi cậu con trai độc nhất của mẹ lên 8 tuổi. Cái cộng đồng bé nhỏ nơi xa xôi ấy đã gắn bó, hòa quyện với nhau bao đời luôn là miền ký ức trong trẻo của mẹ, là nơi lưu giữ niềm vui lẫn nỗi đau của mẹ.
Nơi an nghỉ của mẹ Dậu
Chồng mất sớm, một mình nuôi con nhỏ, người mẹ nơi bản Mường xa xôi ấy phải oằn lưng trên cánh đồng cấy lúa, đã thức thâu đêm bên bếp lửa xay lúa, đã dệt từng tấm vải, chắt chiu từng hạt lúa, củ khoai, củ mài nuôi con… Khi chàng thanh niên Mùi Văn Chính được lệnh nhập ngũ, lên đường đi chiến đấu, lòng mẹ đầy giằng xé, trăn trở bởi mẹ biết, khi đất nước bị xâm lược, chia cắt, con trai mẹ phải lên đường đi cứu nước, như bao chàng trai Mường năm xưa đã từng đi chiến đấu để giữ yên bản Mường. Nhưng nơi chiến trường hòn tên mũi đạn, biết con trai mẹ có được yên bình trở về?!
Tìm con trong mịt mờ hư ảo
Bên mẹ, chìm trong miền ký ức của mẹ cũng đủ giúp tôi hình dung thêm về người con trai duy nhất ấy đã vội vàng tu sửa nếp sàn, cày tơi thửa ruộng, buộc lại hàng rào trước khi từ biệt mẹ mà đi. Đôi chân trần của anh cùng những trai bản khác lội qua mấy con suối, mấy dòng sông, mấy ngọn núi mới ra đến huyện tòng quân, mới có mặt nơi chiến trường C ác liệt phía Mường Sủi… Và dự cảm của người mẹ đã đúng. Anh Mùi Văn Chính đã không trở về. Anh đã vĩnh viễn nằm lại ngoài mặt trận phía Tây.
Mặt trận phía Tây là ở đâu?! Tờ giấy báo tử từ chiến trường về Hà Nội, rồi từ Hà Nội ngược hàng trăm kilomet đường đèo để đến với bản nghèo khuất nẻo Mộc Châu chỉ vỏn vẹn có chừng ấy thông tin. Từ bản Mường Sao Tua xa xôi, mẹ làm sao biết đất nước mình dài rộng chừng nào, làm sao theo dấu chân con mình trên đường đánh giặc. Mẹ đành chiều chiều ngồi quay sợi ở đầu sàn, mắt dõi về phía Tây để được thấy gần con nơi một chút. Và điều đau lòng hơn cả là chừng ấy năm, mẹ vẫn chưa biết con mình nằm ở đâu. Mơ ước lớn nhất của mẹ là đi thăm Bác Hồ và đưa hài cốt anh Chính về quy tập ở nghĩa trang. Bác Hồ thì mẹ đã được đi thăm, còn anh Chính thì đến nay vẫn chưa về với mẹ. Trong bữa cơm thường ngày, mẹ vẫn dành phần cho con trai. Đó là món nợ mà anh Vũ Tiến Quân, Giám đốc Khách sạn Công đoàn tỉnh Sơn La cùng tập thể khách sạn - nơi nhận phụng dưỡng mẹ quyết thực hiện.
Niềm đau đáu ấy của mẹ đã khởi đầu cho một hành trình hành trình khó nhọc, xuyên qua những lớp bụi thời gian, kiên trì, dũng cảm. Anh Vũ Tiến Quân kể cho chúng tôi về hành trình ấy với vẻn vẹn mấy chữ trong giấy báo tử và hồ sơ liệt sĩ của Mùi Văn Chính: “Anh Mùi Văn Chính sinh năm 1946, nhập ngũ tháng 7 năm 1966. Cấp bậc thượng sĩ. Chức vụ Trung đội phó, thuộc c 6 d 2 e 174 f 316. Anh hy sinh ngày 14.11.1970 khi đi trinh sát cao điểm 1325…”.
Trên hành trình đi tìm hài cốt con trai mẹ Mùi, anh Quân đã gặp được những người đồng đội của anh Mùi Văn Chính. Trong số họ, có người quả quyết rằng, tháng 9 năm 1969, anh Chính hy sinh tại bản Son, cách thị xã Xiêng Khoảng một ngày đường đi bộ. Người đồng đội ấy còn nhớ rất rõ trước khi anh Chính làm nhiệm vụ chiến đấu, ông và anh Chính đã gặp nhau. Hai người còn kể những kỷ niệm về quê hương. Và rồi từ những thông tin quý báu đó, người ta đã tìm và đưa hài cốt anh Mùi Văn Chính về quê hương.
Không được cùng mẹ về Sao Tua, không ghi lại được những hình ảnh của người mẹ tại nơi bản nghèo xa ngái ấy, chúng tôi đành tiếp tục hành trình đi tìm gặp những “Bà mẹ núi rừng” khác. Không lâu sau đó, tôi nhận được tin mẹ Mùi Thị Dậu đã mất và được đưa về an táng tại quê nhà bản Sao Tua, xã Tân Hợp. Để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những đóng góp của gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Mùi Thị Dậu, công trình quy tập mộ gia đình mẹ Dậu đã được hoàn thành với tổng mức đầu tư trên 130 triệu đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Nơi an nghỉ của gia đình mẹ Dậu từ nay sẽ là địa chỉ đỏ để giáo dục cho các thế hệ trẻ huyện Mộc Châu về truyền thống lịch sử và những đóng góp, hi sinh của mẹ Việt Nam anh hùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Tôi thầm mong, yên nghỉ giữa lòng đất quê hương, bà mẹ Việt Nam anh hùng dân tộc Mường ấy sẽ sớm gặp lại con trai, để tiếng pí thui- cây sáo đặc trưng của người Mường thường cất tiếng trong đêm khuya sẽ vỗ về cho những hi sinh của mẹ.