Người mắc Covid-19 tự uống kháng sinh: Bác sĩ cảnh báo nguy cơ hại gan, thận

Thảo Nguyên| 12/03/2022 18:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù các chuyên gia y tế và cơ quan chức năng liên tục cảnh báo người dân cần cẩn trọng, không nên tự ý mua thuốc điều trị Covid-19. Tuy nhiên, một phần do thực tế hiện nay, nhiều F0 thể nhẹ, nên dẫn tới tâm lý một số người chủ quan, thờ ơ với khuyến cáo trên. Việc tự dùng thuốc điều trị Covid-19 mà không theo chỉ dẫn của bác sĩ là rất nguy hiểm.

Thời gian gần đây, khi số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao, nhiều người đã lên mạng xã hội tìm kiếm cũng như truyền tai nhau mua các loại thuốc điều trị Covid-19, thuốc hỗ trợ, thuốc dự phòng điều trị Covid-19. Đáng nói, nhiều người nhiễm Covid-19 chỉ với triệu chứng nhẹ như ho, sốt, sổ mũi... nhưng lại tự mua và uống kháng sinh dù đây là thuốc kê toa.

Theo các chuyên gia và bác sĩ, tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam đã đáng báo động, trong bối cảnh dịch bệnh còn đáng lo ngại hơn. Dự kiến thời gian tới, tình trạng kháng kháng sinh vô cùng nghiêm trọng.

thoc-khang-sinh.jpeg
Sử dụng thuốc, đặc biệt là với thuốc kháng sinh, tốt nhất chỉ nên dùng theo chỉ định của bác sĩ. Ảnh minh  họa

BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, thành viên nhóm bác sĩ quân y tư vấn F0 tại nhà, ước lượng có tới 90% F0 tại nhà đề cập tới kháng sinh khi xin tư vấn dùng thuốc. Nhiều người không liên hệ được y tế, ra hiệu thuốc được người bán khuyên dùng. Số ít tỏ ra không tin tưởng bác sĩ dù đã được cảnh báo, tự ý mua thêm với tâm lý "thừa còn hơn thiếu", "sợ virus chạy vào phổi, uống thuốc để đề phòng"...

"Có trường hợp bác sĩ còn cẩn thận kê 2 loại kháng sinh khi gặp F0 bị ho nhiều, viêm họng", BS Hoàng nói.

Về việc sử dụng kháng sinh đối với F0, theo BS Hoàng, kháng sinh không có tác dụng gì với virus. Thực tế thì một số người cần sử dụng kháng sinh để dự phòng nhiễm khuẩn. Khi cơ thể bị nhiễm virus, sức đề kháng giảm, nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm sẽ cao hơn.

Với các bệnh nhân nhiều bệnh nền, sức đề kháng vốn đã kém thì nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn là có. Những người lúc bình thường hay viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm xoang... thì cũng nên cân nhắc sử dụng kháng sinh sớm để dự phòng. Tuy nhiên, không nên dùng tới 2 loại để dự phòng, chỉ 1 kháng sinh dự phòng là đủ.

Thực tế, có người dù không có các nguy cơ trên, vẫn cứ theo các đơn thuốc truyền tai nhau, uống cùng lúc đến 2 loại kháng sinh mạnh, trong khi không hề có dấu hiệu nhiễm khuẩn.

Việc lạm dụng kháng sinh về cơ bản không gây chết người như kháng viêm corticoid, nhưng sẽ khiến gan, thận bị quá tải, trong khi cơ thể đang kiệt quệ do bị virus tấn công. Ngoài ra, nếu dùng không đúng, sẽ khiến vi khuẩn bị nhờn thuốc, lần sau nếu bị nhiễm khuẩn thì các kháng sinh đó không còn tác dụng.

"Khi sử dụng kháng sinh, nhất thiết phải có sự tư vấn của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh", BS Hoàng khuyến cáo.

Cũng lưu ý về việc sử dụng thuốc, BS Trương Hữu Khanh - Chuyên gia bệnh truyền nhiễm, Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, việc F0 tự điều trị tại nhà và tự ý mua thuốc theo các đơn trên mạng có thể vừa lãng phí vừa gây ra các tác dụng phụ khiến bệnh trở nặng hơn.

"Trước hết, việc mua thuốc theo các đơn trên mạng có thể gây lãng phí. Người nhiễm Covid-19 có thể chưa cần phải dùng đến thuốc kháng sinh, kháng viêm nhưng lại vô tình sử dụng, có thể gây tác dụng phụ. Trường hợp sử dụng quá nhiều loại thuốc cùng lúc cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe", BS Trương Hữu Khanh chia sẻ.

Theo BS Khanh, đối với F0 điều trị tại nhà cần lắng nghe cơ thể mình, khi phát hiện có những triệu chứng nào thì chỉ nên dùng thuốc điều trị triệu chứng đó, tránh việc dùng theo các đơn thuốc của người khác chia sẻ lại.

Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho F0 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Về thuốc hạ sốt, giảm đau

Paracetamol:

+ Cho trẻ em: gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hàm lượng 80 mg, 100 mg, 150 mg hoặc 250 mg;

+ Cho người lớn: viên nén 250 mg hoặc 500 mg.

Thuốc kháng virus: lựa chọn một trong các thuốc sau:

+ Favipiravir 200 mg, 400 mg (viên).

+ Molnupiravir 200 mg, 400 mg (viên).

Thuốc chống viêm corticosteroid đường uống: Thuốc không phát sẵn cho người mắc Covid-19, thuốc phải được bác sĩ kê đơn theo quy định tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do Bộ Y tế ban hành và chỉ kê đơn điều trị trong một ngày trong thời gian chờ chuyển đến cơ sở điều trị người bệnh Covid-19. Lựa chọn một trong các thuốc sau:

+ Dexamethason 0,5 mg (viên nén).

+ Methylprednisolon 16 mg (viên nén).

Thuốc chống đông máu đường uống: Thuốc không phát sẵn cho người mắc Covid-19, thuốc phải được bác sĩ kê đơn theo quy định tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do Bộ Y tế ban hành và chỉ kê đơn điều trị trong một ngày trong thời gian chờ chuyển đến cơ sở điều trị người bệnh Covid-19. Lựa chọn một trong các thuốc sau:

+ Rivaroxaban 10 mg (viên).

+ Apixaban 2,5 mg (viên).

Lưu ý về thuốc kháng virus, thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu.

Thuốc kháng virus dùng sớm ngay sau khi có chẩn đoán xác định mắc Covid-19, tốt nhất trong 5 ngày đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng. Ưu tiên sử dụng cho những trường hợp có triệu chứng hoặc có nguy cơ cao bệnh tiến triển nặng như người trên 65 tuổi, chưa tiêm đủ liều vaccine, có bệnh nền không ổn định…

Chỉ định điều trị kết hợp đồng thời thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu khi người bệnh Covid-19 có bất kỳ một trong các dấu hiệu sớm của suy hô hấp và chỉ kê đơn điều trị trong 1 ngày trong thời gian chờ chuyển đến cơ sở điều trị người bệnh Covid-19.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người mắc Covid-19 tự uống kháng sinh: Bác sĩ cảnh báo nguy cơ hại gan, thận