Dư luận đang xôn xao về việc một thanh niên khi đi xem phim “Cô Ba Sài Gòn” tại rạp đã dùng điện thoại livestream và phát tán bộ phim lên mạng xã hội Facebook. Vậy hành vi này có bị xử lý hình sự không?
Lấy điện thoại của bạn gái livestream lên Facebook
Nữ diễn viên Ngô Thanh Vân và đại diện của BHD, đơn vị phát hành bộ phim Cô Ba Sài Gòn trong buổi làm việc Công an
Chiều 15/11, phòng An ninh bảo vệ chính trị nội bộ (PA83) - Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã làm việc với anh Nguyễn V.Tr (19 tuổi, sinh viên một trường Cao đẳng Công nghệ thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc phát tán phim Cô Ba Sài Gòn lên mạng xã hội.
Theo tường trình ban đầu của anh Tr, trưa 13/11, anh cùng bạn gái mua vé xem phim Cô Ba Sài Gòn ở một rạp chiếu phim tại TP Vũng Tàu.
Tại đây, Tr. dùng điện thoại iPhone7 của bạn gái livestream cảnh phim Cô Ba Sài Gòn đang chiếu lên trang Phim+ trên mạng xã hội facebook. Trang này lại do Tr. và một người bạn là quản trị.
Khi phát livestream được khoảng 30 phút thì có nhân viên của rạp đi vào kiểm tra nên Tr. đã ngắt phát trực tiếp. Sau đó, nhân viên của rạp phim đã mời Tr. ra ngoài làm việc và lập biên bản sự việc. Tr. đã gỡ đoạn phim chia sẻ trên trang mạng xã hội.
Sau khi sự việc xảy ra, nữ diễn viên Ngô Thanh Vân và đại diện của BHD, đơn vị phát hành bộ phim Cô Ba Sài Gòn cho biết đã có đơn đề nghị cơ quan chức năng xử lý người phát tán phim này. Nhà sản xuất phim Cô Ba Sài Gòn cho rằng đây là một sự việc nghiêm trọng và tác động tiêu cực trực tiếp đến những nhà làm phim Việt Nam trong bối cảnh thị trường điện ảnh nội đi xuống.
Xâm phạm quyền tác giả
Xét về góc độ pháp lý, nhiều luật sư khẳng định, hành vi quay lén livestream phim Cô Ba Sài Gòn dù có hay không mục đích phán tán nội dung đã quay lên các trang mạng xã hội thì đây đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Luật sư Trương Anh Tú, trong các rạp chiếu phim, khán giả khi xem phim đều được phổ biến quy định không sử dụng các thiết bị ghi hình, điện thoại. Việc quay lén trong rạp chiếu phim trước tiên đã vi phạm quy định, nội quy của rạp chiếu phim. Việc này sẽ bị xử phạt theo quy định của rạp chiếu phim đó.
Đối với người dùng Facebook, việc hiểu biết pháp luật, quy định về bản quyền tác giả còn hạn chế, đại đa số chưa được ý thức cao nên có nhiều hành vi vi phạm mà không cần suy nghĩ, đắn đo.
Đối với chủ của các trang fanpage có duyệt đăng hành vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 174/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện với hình thức phạt tiền.
Theo đó, hành vi: “Không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi truyền đưa hoặc cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số;” (điểm b khoản 3 Điều 66) sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
Trong khi đó, luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng Văn phòng luật sư Interla – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết việc dùng điện thoại và phát trực tiếp bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” lên mạng xã hội Facebook là hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông, là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 21 Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu thì: “Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu là chủ sở hữu các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật này”.
Theo đó, chỉ có tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu có quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác. Bên cạnh đó, Khoản 10 Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ quy định rõ hành vi nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Hơn nữa, theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định 131/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan thì: “Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định”.
Như vậy, trong trường hợp này, nam thanh niên trên có thể bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phát trực tiếp bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” lên mạng xã hội Facebook. Ngoài ra, còn bị buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, nếu gây thiệt hại thì còn phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự trong trường hợp bên bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu bồi thường.
Phát tán với mục đích thương mại có thể bị xử lý hình sự
Nữ diễn viên Ngô Thanh Vân
Được biết, đây không phải lần đầu tiên các bộ phim điện ảnh của Việt Nam bị phát tán trực tiếp trên mạng xã hội. Trước đó, nữ diễn viên Ngô Thanh Vân cũng đã từng lên tiếng hiện tượng phim vừa ra rạp đã bị phát tán trên mạng xã hội do “quay lén” vẫn diễn ra và gây bức xúc, gây nhiều thiệt hại cho nhà sản xuất.
Bởi lẽ, một bộ phim là sản phẩm trí tuệ của rất nhiều người, tốn rất nhiều tiền đầu tư và thời gian thực hiện có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm và việc phim bị phát tán trên mạng xã hội, internet sẽ dẫn đến doanh thu của bộ phim thấp và nhà sản xuất sẽ không đủ kinh phí để chi trả các chi phí làm phim.
Theo các thông tin từ phía nhà sản xuất bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” đã bị thiệt hại ước tính vào khoảng 250.000.000 đồng sau khi nội dung bộ phim bị phát tán trên mạng xã hội.
Trên trang Facebook cá nhân, Ngô Thanh Vân chia sẻ. “Với hành động livestream Cô Ba Sài Gòn, quả thực Vân không muốn bạn phải chịu hình phạt quá khắt khe và nặng nề như bên Công an đã báo cho Vân nếu truy cứu. Nhưng đây là lần thứ 2 liên tiếp thành quả lao động của tập thể sản xuất phim do Vân đứng đầu bị ăn cắp 1 cách trắng trợn dù Vân đã lên tiếng ngay lúc bạn vừa làm. Ngành công nghiệp điện ảnh Việt đã tha thứ, cảnh cáo và giáo dục rất nhiều lần nhưng không đem lại một hiệu quả nào rõ rệt. Giống như chúng ta đang nhắm mắt làm ngơ cho những việc xấu tưởng chừng là nhỏ, để rồi tất cả đều hại nhau…”
Các luật sư cũng khẳng định, trong trường hợp cơ quan điều tra, làm rõ, phát hiện việc nam thanh niên thực hiện phát trực tiếp bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” lên mạng xã hội nhằm mục đích thương mại thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 170a BLHS hiện hành.
Theo quy định tại Điều 170a BLHS thì trong trường hợp nêu trên thì nam thanh niên này có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm; hoặc có thể bị phạt tiền từ 400 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Cô Ba Sài Gòn là bộ phim điện ảnh khai thác chủ đề Sài Gòn xưa và tôn vinh trang phục truyền thống Việt Nam. Phim vừa được trình chiếu tại các rạp toàn quốc từ ngày 10/11 vừa qua. |