Người lao động có quyền lập tổ chức mới, độc lập với công đoàn

Quang Tùng| 19/11/2015 16:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo cam kết mới trong Hiệp định TPP, người lao động có thể gia nhập, cùng nhau thành lập tổ chức người lao động ở cấp cao, độc lập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trong phiên trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 18/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định nội dung trên khi giải trình về vấn đề lao động trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tại phiên họp này, giải đáp sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Trần Ngọc Vinh, Võ Kim Cự về vấn đề lao động trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng cho biết, TPP là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nên có quy định về nội dung lao động. Theo đó, người lao động có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động độc lập với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Người lao động có quyền lập tổ chức mới, độc lập với công đoàn

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tại phiên chất vấn Quốc hội

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động, theo Hiệp định TPP và cũng phù hợp với quy định của ILO, Việt Nam và tất cả các nước tham gia Hiệp định TPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp. Tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp sau khi thành lập có thể lựa chọn gia nhập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động và sẽ chỉ được hoạt động sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký theo một quy trình minh bạch và được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Hiệp định TPP cũng như quy định của ILO đều khẳng định tất cả các tổ chức của người lao động phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại và theo các tiêu chuẩn của ILO. Đồng thời phải hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích và phương thức hoạt động đã được đăng ký với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quyền đại diện, bảo vệ cho các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại doanh nghiệp nơi họ làm việc thông qua các hình thức: đối thoại, thương lượng tập thể, đình công và các hành động tập thể khác trong quan hệ lao động theo quy định của pháp luật. Các tổ chức của người lao động không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài tôn chỉ mục đích và Điều lệ hoạt động đã được đăng ký với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hiệp định TPP cũng có các quy định bảo vệ tổ chức của người lao động để không bị người sử dụng lao động can thiệp và phân biệt đối xử nhằm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu khả năng đại diện, bảo vệ cho quyền và lợi ích của người lao động. Điều này cũng phù hợp với quy định của ILO.

Theo cam kết trong Hiệp định TPP, chỉ riêng đối với Việt Nam là được có thời gian chuẩn bị là 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực (tức là khoảng 7 năm kể từ khi ký Hiệp định), các tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở doanh nghiệp có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch. Tôn chỉ, mục đích, trình tự, thủ tục thành lập và phương thức hoạt động của các tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn này cũng phải tuân thủ đầy đủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam và không trái với các quy định của ILO. Thời gian chuẩn bị này là để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy quản lý để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động. Việc đạt được một khoảng thời gian hợp lý nêu trên để chúng ta chuẩn bị là thể hiện thiện chí của các bên trong đàm phán và vị thế, uy tín của Việt Nam, nhất là trong việc thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế, trong đó có việc thực hiện tốt những quy định về lao động của ILO.

Sau khi Hiệp định TPP được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, đối với nội dung về lao động trong Hiệp định, chúng ta sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật (có thể là Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) để thực thi nội dung về lao động trong Hiệp định, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và quy định của ILO.

Như vậy, việc thực hiện các cam kết về lao động trong Hiệp định TPP cũng chính là việc tiếp tục thực hiện các quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam là một thành viên và cũng không ảnh hưởng, không làm hạn chế địa vị pháp lý, vai trò, chức năng nhiệm vụ và tổ chức, hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Liên quan vấn đề này, ông Đặng Ngọc Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao đổi trên VTV1 trưa ngày 19/11 đã phân tích rõ hơn.

Theo ông Đặng Ngọc Tùng: "Những tiêu chí về lao động trong TPP không phải riêng của TPP. Nhưng các nước ký TPP cam kết thực hiện Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, trong đó có quyền của người lao động và người sử dụng lao động, quyền liên kết và tự do thương lượng, ký thỏa ước lao động tập thể. Tại Việt Nam, quyền này đã được thực hiện từ rất lâu như trong Điều 5 Luật Công đoàn, người lao động cũng có quyền thành lập, gia nhập vào hoạt động công đoàn.

Tuy nhiên, về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động theo Hiệp định TPP, người lao động nếu nhận thấy Công đoàn hiện tại hoạt động không tốt thì họ có quyền liên kết lại và thành lập một tổ chức của người lao động. Khi thành lập, tổ chức của người lao động này đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Khi được phép hoạt động, họ có thể gia nhập vào hoạt động của Tổ chức Công đoàn Việt Nam hoặc nếu nhận thấy Công đoàn Việt Nam hoạt động không hiệu quả, họ lại không gia nhập vào Công đoàn. Đây là một thách thức rất lớn đối với Tổ chức Công đoàn trong thời gian tới".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người lao động có quyền lập tổ chức mới, độc lập với công đoàn