Người làm xuất bản có lỗi với… “tờ giấy trắng”

Minh Phan| 15/07/2015 14:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chúng ta vẫn thường nói ”Trẻ em như tờ giấy trắng”, với hàm ý người lớn làm gì với con trẻ cần thận trọng, bởi với “tờ giấy trắng”, “viết” cẩu thả trên đó, sẽ để lại hậu quả lâu dài cho các em.

Tôi tâm đắc điều này khi những ngày đầu tháng 7/2015 mới rồi dư luận xôn xao vì chuyện báo chí tìm ra tác giả đích thực bài thơ “Gửi lời chào lớp Một” (GLCLM) giản dị, quen thuộc với bao thế hệ tuổi học trò in trong sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt, tập 2, lớp 1 hiện hành. Theo đó, tác giả chính xác của bài thơ này là Evgeny Shvart, một nhà văn Liên Xô chứ không phải của Hữu Tưởng như đã in dưới bài thơ trong SGK. Vì sao lại có thể nói như vậy?

Theo những thông tin tôi có được, bài thơ GLCLM được in ở cuối tập truyện “Ma-ru-xa đi học” của Evgeny Shvart (Liên Xô cũ) do Khánh Như dịch, NXB Kim Đồng in năm 1958, tái bản năm 1959. Bản dịch bài thơ như sau: ”Lớp một ơi, lớp một/ Đón em vào năm trước/ Năm nay lên lớp hai/ Gửi lời chào tiến bước/ Phấn, bảng, sổ gọi tên/ Theo chúng em cùng lên/ Chúng em dần lớn mãi/ Bàn ghế cùng lớn thêm/ Chúng em chơi thân mật/ Yêu thương cả mọi người/ Đứa bạn em yêu nhất/ Cũng cùng lên lớp hai/ Còn cô giáo thân mến/ Cô sẽ xa chúng em?/ Không, cô yêu chúng em/ Cô cũng lên lớp chứ/ Thế là cùng vui vẻ/ Chúng em tiến bước đều/ Cùng cả trường cả lớp/ Cùng Tổ quốc thân yêu!...”.

Và đây là bài thơ GLCLM của Hữu Tưởng in trong SGK Tiếng Việt lớp 1,tập 2 hiện hành: “Lớp Một ơi! Lớp Một/ Đón em vào năm trước/ Nay giờ phút chia tay/ Gửi lời chào tiến bước/ Chào bảng đen cửa sổ/ Chào chỗ ngồi thân quen/ Tất cả! Chào ở lại/ Đón các bạn nhỏ lên/ Chào cô giáo kính mến/ Cô sẽ xa chúng em…/ Làm theo lời cô dạy/ Cô sẽ luôn ở bên/ Lớp Một ơi! Lớp Một/ Đón em vào năm trước/ Nay giờ phút chia tay/ Gửi lời chào tiến bước!”.

Người làm xuất bản có lỗi với… “tờ giấy trắng”

Bài thơ trong cuốn sách “Maruxia đi học”

Đối chiếu hai bài thơ ta dễ dàng nhận thấy bài thơ được cho là của Hữu Tưởng, nội dung cơ bản giống như nội dung bài thơ của nhà thơ E.Shvart và cùng là thể thơ năm chữ. Nói bài thơ của Hữu Tưởng là bản dịch thì đúng hơn và người dịch có thể rút ngắn câu này câu kia của bản gốc tiếng nước ngoài. Bản dịch có thể ngắn hơn bản gốc, với hình ảnh, nhạc điệu phù hợp tiếng Việt, theo đúng ý đồ của người dịch. Như vậy, có thể Hữu Tưởng đã lấy bản dịch nghĩa bài thơ của Khánh Như trong cuốn sách “Maruxia đi học” rồi “biên tập” lại thành bài thơ GLCLM.

Lần theo các bản in theo thời gian cách đây hơn 30 năm ta thấy lần chỉnh sửa đầu tiên năm 1979, in năm 1981, NXB Giáo dục ghi dưới bài thơ là “Theo Hữu Tưởng”. Đến bản sửa chữa lần thứ hai, năm 1989, in năm 1994, ghi tác giả là Hữu Tưởng. Như thế là hoàn toàn sai về bản quyền.

Từ năm 1994 đến nay, bài thơ GLCLM nghiễm nhiên đề là của Hữu Tưởng, tác giả bài thơ. Trả lời thắc mắc của báo chí, liên quan đến sự “tam sao thất bản” này, những người có trách nhiệm (chủ biên, người chỉnh lý, biên tập viên…) đều đưa ra lý do lấy bản in trước đó để in, không hề để ý chuyện này. Có vị cùng công tác với ông Hữu Tưởng trước năm 1980 (năm ông Tuởng mất) nói rằng “Hồi đó anh Tuởng không biết tiếng Nga, huống chi là dịch thơ. Có thể lời bài thơ (của Hữu Tưởng) và lời bài hát (thơ của E.Shvart được đưa vào phim) có sự trùng hợp ngẫu nhiên về ý tưởng”. Giải thích như vậy khó thuyết phục vì bài thơ của nhà thơ Liên Xô được dịch và in trong cuốn sách của NXB Kim Đồng từ năm 1958, có những câu thơ của Hữu Tưởng trùng khớp 100% câu thơ của nhà thơ E.Shvart, như các câu: "Lớp một ơi, lớp một/Đón em vào năm trước…/ Gửi lời chào tiến bước… Cô sẽ xa chúng em?”. Hai ý tưởng có thể “gặp nhau”, nhưng hai câu thơ của hai tác giả khác nhau thì không thể giống nhau “như đúc” như vừa dẫn ra. Sự giống nhau này chưa bao giờ xuất hiện trong các tác phẩm văn học từ cổ chí kim.

Vậy là đã rõ: Hữu Tưởng không phải là tác giả bài thơ GLCLM, mà ông chỉ có thể là người phỏng dịch bài thơ của E.Shvart hoặc ông dựa theo bản dịch của Khánh Như “sáng tác” bài thơ GLCLM! Lời tán dương, bài khen tụng tác giả và bài thơ này xuất hiện vô số trên sách báo nhiều năm nay. Bản thân tôi cũng thích bài thơ này, nhưng vẫn cứ ngờ ngợ gì đó về tác giả. Đến giờ linh cảm của tôi đã đúng. Đáng tiếc, sau hơn 50 năm sự “nhầm lẫn” thật này mới đựợc nhận ra!

Từ khi báo chí phát hiện tác giả đích thực bài thơ GLCLM, dư luận đề nghị có ý kiến trả lời rõ ràng đúng sai, đến nay NXB Giáo dục vẫn chưa lên tiếng. Cần một câu trả lời dũng cảm của Nhà xuất bản tầm cỡ quốc gia này. NXB Giáo dục cần có một lời xin lỗi những “tờ giấy trắng”, hơn 20 năm qua đã “cầm nhầm” trên tay bài thơ GLCLM. Vấn đề tác quyền, một vấn đề hệ trọng, cũng phải được đặt ra: Đính chính tác giả bài thơ GLCLM trong SGK lớp 1, tập 2 hiện hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người làm xuất bản có lỗi với… “tờ giấy trắng”