Vì miếng cơm manh áo mà người dân ở xã Ba Vì phải ly hương sang Trung Quốc lao động chui, bất chấp những nguy hiểm, rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào. Khi đi, ngoài việc nghĩ đến miếng ăn hàng ngày, họ còn nuôi giấc mơ thoát nghèo ở bên kia biên giới.
Gần trắng đất nông nghiệp, Ba Vì trở thành xã nghèo nhất
Ba Vì là một xã miền núi thuộc huyện Ba Vì, TP Hà Nội, gồm 3 thôn là Hợp Nhất, Hợp Sơn và Yên Sơn, với 98% dân số là người dân tộc Dao, dân tộc Mường và dân tộc Kinh chiếm số ít còn lại. Là xã miền núi nên Ba Vì có địa hình hiểm trở, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, vất vả cộng với đó là đất sản xuất thì ít mà đồi núi chiếm phần nhiều, trình độ dân trí còn hạn chế. Chính vì thế mà người dân xã Ba Vì bao năm nay cứ loay hoay mãi trong cái nghèo.
Ngược thời gian cách đây khoảng gần 50 năm về trước, khi đó người dân tộc Dao trên mọi miền Tổ quốc nói chung và người dân tộc Dao ở xã Ba Vì nói riêng vẫn ngự trên núi cao. Cuộc sống sớm tối dựa vào săn bắt, hái lượm, vì vậy mà người Dao nay ở ngọn núi này, mai đã ở ngọn núi khác. Với vị trí “hang cùng ngõ cụt” như ở xã Ba Vì thì nguồn thức ăn trên núi kiếm mãi cũng phải cạn. Năm 1963, người Dao xuống núi lập làng, sống cuộc đời định cư.
Cả xã Ba Vì với 2.196 khẩu nhưng chỉ có 18ha đất sản xuất nông nghiệp
Khi đó, với hơn 2.540ha diện tích đất tự nhiên, bằng sức lao động của mình, bếp của người dân tộc Dao ở xã Ba Vì cũng được 1 ngày 2 lần đỏ lửa dù ngô, dù sắn. Thời gian qua đi, người dân ở xã Ba Vì nhận thấy lợi ích của việc định canh, định cư nên chẳng ai có ý định bỏ làng lên núi như trước. Họ sinh con đẻ cái, quyết gây dựng cơ nghiệp trên đất này.
Tuy nhiên, đến năm 1993, Vườn quốc gia Ba Vì mở rộng diện tích, quản lý độ cao từ 100m trở lên, hơn 2.200ha đất lâm nghiệp của xã Ba Vì được bàn giao cho Vườn quốc gia Ba Vì quản lý, do đó từ chỗ có hơn 2.540ha diện tích đất tự nhiên đến nay toàn xã Ba Vì chỉ còn lại 338,71ha, trong số đó chỉ có khoảng 21ha là đất sản xuất nông nghiệp còn lại là đất thổ cư, đất vườn và đất lâm nghiệp. Những vấn đề bức thiết ở xã Ba Vì bắt đầu nảy sinh và càng ngày càng trở nên trầm trọng.
Ông Lý Sinh Vượng, Phó chủ tịch UBND xã Ba Vì, cho biết hiện tại đất thổ cư đang là một vấn đề nóng ở hai thôn Hợp Nhất và Yên Sơn. Ở hai thôn này không có đất giãn dân, trong khi đó dân số tăng lên từng ngày, nhiều gia đình lâm vào cảnh không có đất làm nhà cho các con khi đã đến tuổi dựng vợ gả chồng.
Mới đây, chủ trương xây dựng các công trình công cộng như nhà văn hóa, nghĩa địa ở thôn Yên Sơn được cấp trên phê duyệt, thế nhưng chính quyền địa phương không biết lấy đất ở đâu ra mà xây. Cực chẳng đã, địa phương và người dân đã chuyển đổi mục đích sử dụng gần 3ha đất nông nghiệp để hiện thực hóa chủ trương này.
Như vậy, diện tích đất nông nghiệp toàn xã còn lại chưa đầy 18ha và Hợp Sơn là thôn gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Ở thôn này, gần như “trắng” đất sản xuất nông nghiệp. Một số hộ có điều kiện ở thôn Hợp Sơn đi đấu thầu ruộng ở nơi khác để cày cấy lấy gạo ăn, số còn lại cuộc sống trông chờ vào ít đất vườn, và chăn nuôi.
Vì những nguyên nhân trên, xã Ba Vì nhiều năm nay chưa tự túc được về lương thực, bình quân lương thực đầu người trên một năm thuộc dạng thấp, người dân lâm vào cảnh ăn đong quanh năm suốt tháng.
Theo số liệu thống kê mới nhất của UBND xã Ba Vì, toàn xã có gần 60% dân số thuộc hộ nghèo và cận nghèo, cụ thể, số hộ nghèo chiếm 37,8%, số hộ cận nghèo chiếm 21%. Năm 2014, thu nhập bình quân trên đầu người trong xã chỉ đạt 8 triệu đồng/người/năm, Ba Vì trở thành xã đặc biệt khó khăn và nghèo nhất TP Hà Nội.
Bán sức lao động chui ở xứ người
Rất nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã đến với người dân xã Ba Vì, nhưng chưa phát huy được hiệu quả cũng bởi ở Ba Vì có quá nhiều cái khó mà trong một sớm một chiều chưa thể khắc phục được.
Để lo miếng ăn hàng ngày, người dân xã Ba Vì đã tỏa đi khắp các vùng trong cả nước từ Hà Nội đến Bình Dương để làm thuê nhưng cái nghèo vẫn mãi đeo bám họ. Hình ảnh những mái nhà dột nát, những đứa trẻ ở trần vào mùa hè, phong phanh trong manh áo mỏng vào mùa đông chơi đùa trên con đường đất cứ mãi ám ảnh.
Những đứa trẻ ở thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì
Đúng lúc người dân Ba vì túng quẫn vì không biết làm gì ra tiền để duy trì cuộc sống, thì một vài tên "ma cô" trở về từ bên kia biên giới phía Bắc đã gieo giấc mơ đổi đời ở xứ người vào đầu họ. Những chuyến đi xa âm thầm diễn ra trong đêm ngày một nhiều, cho đến khi người ở xã cứ vắng mặt dần, trong các ngôi nhà chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ thì việc đi lao động chui ở Trung Quốc đã thành phong trào ở xã Ba Vì.
Người nọ rỉ tai người kia, từ thanh niên trai tráng đến chị em phụ nữ đều khăn gói lên đường vượt biên sang Trung Quốc. Đỉnh điểm là năm 2014, toàn xã Ba Vì có hơn 300 người vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Trong 3 thôn thuộc xã Ba Vì thì số người vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê nhiều nhất thuộc thôn Hợp Sơn, điều này cũng dễ hiểu bởi Hợp Sơn từ trước tới nay “trắng” đất sản xuất nông nghiệp, vấn đề tạo công ăn việc làm luôn khiến người dân và chính quyền địa phương đau đầu.
Đến Hợp Sơn không khó tìm một gia đình có cả vợ lẫn chồng sang Trung Quốc làm thuê để các con nhỏ ở nhà cho ông bà trông như nhà chị Triệu Thị An (39 tuổi), nhà bà Bình (47 tuổi) và rất nhiều gia đình khác nữa.
Chị An cho biết, năm 2014, gia đình chị chăn nuôi thất bát, nợ nần chồng chất, con cái đứt học giữa đường trong khi chị đau ốm liên miên, chồng chị chuyển hết công ty này đến trang trại khác làm thuê nhưng thất nghiệp vẫn hoàn thất nghiệp, cái đói hiện hữu ngay trước mắt. Thấy người trong làng kéo nhau đi làm thuê ở bên Trung Quốc, vợ chồng chị cũng bàn nhau vay chục triệu đồng theo người môi giới sang Trung Quốc làm thuê những mong trả hết nợ nần, cuộc sống gia đình vơi bớt phần cực nhọc.
Nhưng nào ngờ, từ khi bước chân trên những đường mòn lối tắt dẫn sang Trung Quốc thì cũng là lúc vợ chồng chị bắt đầu cuộc sống chui lủi nơi đất khách quê người. Làm lụng vất vả, nhưng lại bị chủ quỵt tiền công, vợ chồng chị An cay đắng quay về quê. Tiếc công sức vợ chồng bỏ ra, về nhà được vài bữa, chồng chị An lại sang Trung Quốc với hy vọng sẽ lấy lại được số tiền công làm trong mấy tháng trước, còn chị An thì tắt hẳn ý định vượt biên thêm lần nữa.
Chiếc phản cháu bà Bình đang ngủ, 4 chân phải kê bằng gạch
Cũng giống như vợ chồng chị An, con gái và con rể bà Bình cũng âm thầm sang Trung Quốc làm thuê vì ở quê không biết làm gì để sinh sống. Trong khi đó nhà có 2 bố mẹ già và 2 con nhỏ. Dù rất mơ hồ về những công việc nơi xứ người, nhưng các con bà Bình vẫn nhắm mắt nộp cho người môi giới 3,4 triệu đồng tiền đi vay lãi để được sang Trung Quốc làm thuê. Tiền mất tật mang, nợ chồng lên nợ khi một ngày cuối tháng 5 các con bà quay về tay trắng.
Về nhà được vài hôm họ lại tất tả lên Hà Nội kiếm việc làm để lấy tiền đong gạo. Nhìn căn nhà 3 gian cấp 4, ngoài bộ bàn ghế thì không có vật dụng gì đáng giá, chiếc phản cháu bà Bình đang ngủ 4 chân phải kê bằng gạch. “Chúng tôi cũng muốn ở nhà, nhưng ở nhà không có việc thì lấy gì mà ăn nên phải chấp nhận đi xa. Ở làng này khổ lắm, có sức mà không biết làm gì, sang tận Trung Quốc làm thuê cũng bị người ta quỵt tiền”, bà Bình than thở.
Làn sóng vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê ở xã Ba Vì chững lại vì những người ra đi quay trở về. Một số người có ý định sang Trung Quốc làm thuê như chị Triệu Thị Oanh (40 tuổi) đã an phận ở nhà phát triển chăn nuôi, trồng thêm cây thuốc nam để bán.
Ông Lý Sinh Vượng khẳng định, chính quyền địa phương nắm được việc người dân sang Trung Quốc lao động chui từ lâu, nhưng chưa quản lý được phần vì họ đi trong đêm, phần vì địa phương chưa tạo được công ăn việc làm cho người dân. Việc người dân trong xã bỏ làng đi lao động chui ở Trung Quốc, để lại nhiều hệ lụy như con cái học hành sa sút, nhiều cháu bỏ học giữa chừng, các tệ nạn xã hội như cờ bạc, trộm cắp cũng từ đó mà phát sinh. Mới đây, một vài đối tượng môi giới, chăn dắt người lao động Việt Nam vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê đã bị cơ quan chức năng bắt giữ nên số người sang Trung Quốc lao động chui giảm trông thấy.
“Chính phủ đang xây dựng các dự án giúp người Dao ở Ba Vì thoát nghèo tập trung vào các nhóm giải pháp phát triển chăn nuôi, phát triển nghề trồng thuốc nam…”, ông Lý Sinh Vượng cho hay.
Tuy nhiên, khi mà các dự án vẫn chưa phát huy được hiệu quả thì vấn đề công ăn việc làm luôn nóng ở xã Ba Vì và sẽ vẫn còn những người vượt biên trái phép để mưu sinh.