Khoảng 1 năm trở lại đây, tình trạng sụt lún bất thường xảy ra ven sông Mã, đoạn qua xã Yên Thọ (Yên Định, Thanh Hóa), khiến cho hàng trăm hộ dân sống trong thấp thỏm, lo sợ. Sự việc đã được các cơ quan, ban ngành tỉnh Thanh Hóa đến kiểm tra và ghi nhận.
Theo đó tại các thôn 6,9,10,12 xã Yên Thọ, xuất hiện các vết nứt chạy dọc theo bờ sông, như thôn 6, vết nứt dài khoảng 80m, rộng khoảng 20 cm, sâu 40cm; tại thôn 9 dài khoảng 70m, rộng khoảng 20cm, sâu khoảng 40cm và khoảng 15 hố sụt lún có kích thước khác nhau, nằm rải rác trên diện rộng, có kích thước đường kính trung bình khoảng 80cm, sâu 1,0m – 1,5m… mà chưa tìm ra nguyên nhân, vấn đề đang gây ra lo lắng cho các hộ sinh sống tại đây.
Các hố sụt lún gây thiệt hại về cây trồng của các hộ dân
Theo ông Hồ Xuân Học, Trưởng thôn 10 cho hay: Trước đây đất các hộ còn ăn ra sông, nhưng do xói mòn của dòng chảy, theo thời gian đã ăn vào bờ đến 10m. Khoảng 1 năm trở lại đây, hiện tượng đất sụt lún xảy ra ở các khu đất ven sông mạnh hơn, nhưng chưa có biện pháp khắc phục.
Bà Trương Thị Bảo ở thôn 10 lo lắng: "Từ khi ở đây, tôi chưa thấy hiện tượng sụt lún như thế này xảy ra. Lỡ may sông “ăn” đất thật thì chúng tôi sẽ không biết đi đâu. Nhiều nhà cả đời làm ăn, dành dụm mới xây được căn nhà kiên cố, sụt lún mất nhà, mất đất thì rất khổ".
Các điểm sụt lún ngày càng mở rộng
Vườn nhà chị Nguyễn Thị Hoàng thôn 10, giáp với sông nên có nhiều hố bị sụt và xuất hiện các vết rãnh nứt dọc dài. Trước đây, nhà chị hay cột con trâu vào bụi tre gần sông, nhưng đất bị sụt kéo cả mảng tre xuống sông, nên phải dắt trâu vào gần trước nhà. Từ đó không dám thả trâu nữa, lỡ may trâu đi ăn quanh vườn giẫm phải đám đất sụt thì không thể kéo lên được.
Ông Hồ Xuân Bình - Chủ tịch UBND xã Yên Thọ cho biết: Trên địa bàn xảy ra tình trạng này đã lâu, xã cũng đã nhiều lần làm tờ trình lên cấp trên sớm điều tra nguyên nhân. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Thanh Hóa cũng đã 3 lần về làm việc, khoan địa chất thăm dò và cũng có các kết luận sơ bộ. Ngoài các nguyên nhân tự nhiên, thì khả năng cao là do hoạt động các tàu hút cát trên địa bàn. Tình trạng sụt lún mạnh hơn từ khi các tàu hút cát tiến hành khai thác cát.
Sạt lở dần dần lấn sâu vào trong đất của dân
Cũng theo người dân nơi đây, ngày nhiều cũng phải 6 đến 8, ít cũng 3 đến 4 tàu hút cát cứ ầm ầm trên sông, các tàu cát còn hoạt động từ lúc 3 giờ sáng đến tối muộn mới kết thúc.
Ngày 30/7/2015, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Yên Định thành lập đoàn kiểm tra thực địa tại địa phương, và yêu cầu đơn vị có tàu hút cát dừng khai thác để phục vụ công tác khảo sát, điều tra hiện tượng sụt lún, nứt gẫy tại khu vực trên.
Tiếp đến ngày 9/9/2015, UBND xã Yên Thọ có Tờ trình số 90/TTr – UBND gửi UBND huyện Yên Định, trong tờ trình nêu rõ: Hiện tượng sụt, lún ở các khu dân cư của xã Yên Thọ vẫn tiếp tục xảy ra và có chiều hướng lan rộng và đề nghị UBND huyện có biện pháp bảo vệ các hộ dân.
Tại biên bản làm việc ngày 21/10/2015, của sở TN&MT Thanh Hóa, phối hợp với UBND các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc; các xã Yên Thọ, Yên Trường, Vĩnh Ninh về tình hình hoạt động khai thác, tập kết kinh doanh cát sỏi trên địa bàn các xã Yên Thọ, Yên Trường, huyện Yên Định của Công ty TNHH Nhất Linh và mỏ cát của Hợp tác xã Thành Công tại xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc đã đi đến kết luận:
Hiện tượng sụt lún tại các thôn 6, 9, 10 và 12 xã Yên Thọ là do nhiều nguyên nhân như: Hoạt động kiến tạo địa chất, khí hậu, hoạt động khai thác cát làm thay đổi dòng chảy của sông, nên đã yêu cầu Công ty TNHH Nhất Linh, HTX Thành Công tạm dừng hoạt động khai thác tại mỏ, thực hiện việc đăng ký số hiệu tàu thuyền (có biển, cờ phân từng biệt đơn vị), công suất khai thác, mỗi đơn vị tối đa 4 thuyền công suất từ 25 m3 đến 30 m3. Cắm phao mốc xác định ranh giới mỏ được cấp phép, đăng kí thời gian khai thác từ 6h đến 18h.
Các tàu hút cát liên tục hoạt động cả ngày lẫn đêm
Mặc dù các văn bản đã ra như vậy, nhưng thực tế các tàu hút cát không dừng nghỉ mà vẫn hoạt động ngày đêm, thậm chí còn rầm rộ hơn trước. Người dân chỉ mong các cấp chính quyền có biện pháp ngừng các phương tiện khai thác cát tại đây, đồng thời có phương án kè lát mái, chống sạt lở bờ sông, để các hộ dân nơi đây sớm yên tâm làm ăn sinh sống.