Một nam bệnh nhân bị rò hậu môn dẫn đến nhiễm trùng lan tỏa tầng sinh môn đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hồi sức tích cực, xử lý kịp thời, tránh bị mất mạng.
TS.BS Dương Trọng Hiền – Phó Trưởng khoa Cấp cứu Tiêu hóa,Bệnh viện Việt Đức cho biết, trước đó, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân B.X.Q. (60 tuổi, ở Hà Nội, bị rò hậu môn dẫn tới biến chứng nhiễm trùng lan tỏa tầng sinh môn.
Bệnh nhân có tiền sử mổ rò hậu môn, mổ ở tuyến dưới, điều trị chưa triệt để dẫn đến bị rò lại hậu môn, tạo thành 1 áp xe cạnh hậu môn, không được điều trị và xử trí kịp thời dẫn tới biến chứng nhiễm trùng lan tỏa tầng sinh môn (hội chứng Fournier). Đây là biến chứng nặng nề, nguyên nhân tử vong cao.
Bệnh nhân được chăm sóc tại bệnh viện
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã hồi sức tích cực cho bệnh nhân dùng kháng sinh mạnh, bù lại các rối loạn về nước điện giải, máu.
Để xử trí vết thương cho bệnh nhân, các bác sĩ đã rạch rộng tầng sinh môn và xử trí áp xe cạnh hậu môn liên cơ thất hậu môn nhân tạo. Hiện tại, bệnh nhân Q. đã bước đầu ổn định, tình trạng nhiễm khuẩn hiện đang được khống chế.
Theo Phạm Phúc Khánh - Trung tâm Hậu môn trực tràng và Tầng sinh môn, tất cả ổ áp xe đều phải được điều trị bằng cách mổ mở dẫn lưu mủ. Rò hậu môn là tình trạng một đường hầm được hình thành dưới da nối những tuyến bã bị nhiễm trùng ở bên trong hậu môn ra ngoài da. Phẫu thuật là phương pháp duy nhất đề điều trị bệnh này.
Khi không được điều trị triệt để, rò hậu môn có thể biến chứng thành một khối áp xe, là một ổ nhiễm trùng chứa mủ ở ngay cạnh hậu môn hoặc trực tràng. Nếu không được điều trị, xử lý triệt để sẽ dẫn đến nhiễm trùng hoại tử vùng tầng sinh môn, bộ phận sinh dục hoặc quanh hậu môn.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy các dấu hiệu như đau tái phát hoặc không hết; chảy máu hậu môn liên tục; cảm thấy có khối bất thường ở hậu môn, người bệnh nên gặp ngay bác sĩ. Khi bệnh tái phát hoặc biến chứng, cần được phẫu thuật ở các bệnh viện với các điều kiện gây mê và hồi sức tích cực tốt.