Sau khi ăn lòng lợn, tiết canh, nam bệnh nhân 52 tuổi (ở Sóc Sơn, Hà Nội) bắt đầu thấy da mẩn đỏ, tức ngực, khó thở rồi nhanh chóng phải nhập viện vì sốc phản vệ.
Ngày 10/3, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, đơn vị này vừa cấp cứu người đàn ông bị sốc phản vệ sau ăn lòng lợn, tiết canh.
Bệnh nhân là L.Q.H.S. (51 tuổi, ở xã Phù Linh). Ông S. nhập viện trong tình trạng toàn thân da mẩn đỏ, tức ngực, khó thở, huyết áp đo được 150/90mm Hg, mạch nhanh 124 nhịp/phút; tần số thở 35 lần/ phút, chỉ số Sp02 là 92%.
Sức khỏe của ông L.Q.H.S. hiện nay đã ổn định.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, trước khi vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện khoảng 1 giờ, ông đã ăn lòng lợn, tiết canh. Bệnh nhân S. cũng cho biết bản thân có tiền sử khoẻ mạnh, không bị dị ứng.
Sau khi chẩn đoán bệnh nhân có triệu chứng sốc phản vệ độ II. Sau 1 giờ được cấp cứu tích cực, bệnh nhân dần có tiến triển tốt, dấu hiệu mẩn đỏ trên da đã dịu lại, đỡ khó thở, tức ngực, các chỉ số sinh tồn như huyết áp, mạch, oxy trong máu được đưa về mức ổn định.
Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn. Sau 3 giờ, tình trạng bệnh nhân ổn định.
ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm - Phó Phụ trách Phòng khám Đa khoa Trung tâm cho biết, sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nguy hiểm, cần được xử lý và cấp cứu ngay lập tức, càng sớm càng tốt tránh biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Khi có dấu hiệu sốc phản vệ (ngứa, da đỏ ửng, nổi mề đay…), người bệnh cần ngừng ngay việc tiếp xúc với tác nhân (thức ăn, thuốc…) và đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
4 mức độ cảnh báo sốc phản vệ cần cảnh giác:
Mức độ 1: người bệnh nổi mề đay, phù môi, mặt, mắt.
Mức độ 2: thêm triệu chứng khó thở, tim đập nhanh, đau bụng, tiêu chảy.
Mức độ 3: người bệnh tụt huyết áp, trụy mạch.
Mức độ 4: ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn và tử vong.