Hiện nay, Bộ Y tế đang tiến hành khảo sát về trang phục y tế tại một số bệnh viện nhằm tìm ra những bộ trang phục phù hợp cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân và các đối tượng học sinh, sinh viên đến học tập tại bệnh viện.
Giải thích lý do tại sao thay đổi trang phục, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Hiện trang phục y tế đang còn nhiều bất cập và chưa thống nhất trong các cơ sở khám, chữa bệnh, gây khó khăn trong việc nhận diện cán bộ, viên chức y tế qua trang phục khi cần liên hệ công việc. Tại một số bệnh viện, nhân viên tiếp đón, hành chính, thu ngân cũng mặc áo blouse trắng... khiến người bệnh khó phân biệt.
Không những thế, guốc, dép của người hành nghề không đúng quy định nên gây tiếng ồn nơi phòng bệnh. Trang phục của một số cán bộ y tế đã cũ, không bảo đảm và kiểm soát nhiễm khuẩn, không tạo được niềm tin, tôn trọng và sự hài lòng của người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Bên cạnh đó, một số cán bộ, viên chức y tế sử dụng trang phục y tế không đúng với quy định như: Mang áo blouse không cài khuy áo, chưa tuân thủ đúng các quy trình chuyên môn, có thái độ không đúng đắn, thiếu văn hóa, thiếu y đức gây phản cảm với người dân.
Do vậy, theo ông Khuê, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ quyết liệt đổi mới toàn diện từ thái độ phục vụ đến trang phục...
Hiện hầu hết nhân viên công tác tại bệnh viện của Việt Nam đều mặc trang phục màu trắng
Dự kiến, áo của bác sỹ giữ nguyên màu trắng với kiểu dáng áo blouse cổ bẻ, tay dài và tay ngắn, chiều dài áo không quá gối 10 cm, phía trước có 3 túi. Áo dược sỹ có 2 phương án là màu trắng cho dược sỹ đại học, sau đại học; màu xanh cho cán bộ dược khác. Áo điều dưỡng hoặc màu trắng hoặc màu xanh dương. Áo blouse của kỹ thuật viên nam dự kiến có màu trắng hoặc xanh nhạt…
Với việc quyết tâm thực hiện đổi mới từ trang phục nhân viên y tế, thái độ giao tiếp đến việc hướng dẫn, tiếp đón người bệnh; tôn trọng, lắng nghe người bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị… ngành y tế mong muốn, người bệnh sẽ là “khách hàng” đúng nghĩa khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh.
Theo đó, ngành y tế sẽ lấy người bệnh làm trung tâm, tức khi bệnh nhân đến khám sẽ được đón tiếp niềm nở, khi điều trị được chăm sóc tận tình, khi ra viện được dặn dò kỹ càng, chu đáo, cẩn thận.
Anh Nguyễn văn Quốc 42 tuổi (nhân viên văn phòng ở Hà Nội) đang điều trị ở bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Thay đổi là đúng, nó giúp người dân dễ nhận biết và phân biệt được nhân viên y tế với các bộ phận khác. Chứ như hiện nay toàn một màu trắng, sẽ khó phân biệt ai là bác sỹ, ai là sinh viên thực tập, ai là nhân viên hành chính”.
Cùng chung quan điểm trên, chị Lan 27 tuổi (giáo viên cấp III ở Hà Nội), sản phụ tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho rằng: “Bệnh viện hiện đại phải có trang phục riêng biệt để nhận dạng được chức danh nghề nghiệp. Mình hết sức ủng hộ việc thay đổi trang phục y tế. Khi vào bệnh viện thấy đội ngũ Bác sĩ, y tá… ăn mặc nghiêm túc, vệ sinh cũng góp phần làm giảm căng thẳng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân”.
Còn chị Hòa người nhà bệnh nhân tại bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Hoàn toàn nhất trí chủ trương và mong sớm có cách thức triển khai hợp lý, phù hợp thực tế và không lãng phí. Hiện tại vào bệnh viện cứ thấy blue trắng thì tưởng là bác sĩ, không ít nhân viên y tế đang cố tình lạm dụng hoặc làm mất giá trị của bác sĩ. Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đôi khi rất khó xử. Màu sắc áo để mọi người biết và hiểu chức năng của nhân viên y tế là nên làm, cũng là để mỗi người sẽ tự ý thức được tính chất công việc của mình, việc đổi màu áo còn giúp bệnh viện có tính chất chuyên nghiệp, mà khi chuyên nghiệp thì chất lượng công việc cũng như thái độ phục vụ người bệnh sẽ tốt hơn".