Xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội là một trong những xã có làng nghề chế biến nông sản truyền thống.
Trong những năm qua, việc xây dựng các công trình giao thông, đặc biệt là con đường đê được trải nhựa, thoáng và đẹp đã góp phần thay đổi diện mạo làng quê. Tuy nhiên, thời gian gần đây khu vực dốc Quán Mậu kết nối với đường đê đã xảy ra nhiều vụ tai nạn khiến người dân cảm thấy lo lắng, bất an.
Người dân xã Minh Khai làm nhà sinh sống hai bên đê tả sông Đáy chạy dài khoảng 2,5km. Do đặc thù là làng nghề truyền thống, nên hàng ngày có rất nhiều phương tiện ra vào địa phương để vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ.
Ông Nguyễn Doãn Tuân, trú tại thôn Minh Hiệp 1 cho biết, từ xa xưa, con đường lên đê có rất nhiều đoạn dốc được làm từ đất đá hoặc bê tông tự phát theo hình chữ Y thoai thoải để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa và đi lại.
Sau khi nhà nước làm tuyến đường đê trải nhựa, nhiều đoạn dốc tự phát này đã bị cắt bỏ. Đặc biệt phía thôn Minh Hiệp 1 và Minh Hiệp 2 không có con dốc nào, nên xe vận tải chở hàng phải đi vòng rất lâu mới có dốc lên xuống, khiến việc đi lại của người dân rất bất tiện, bất tiện nhất là đối với các cháu học sinh, phải đi rất bộ xa, mới có đường lên dốc để đến trường học.
Theo người dân, các khu vực khác, dốc lên xuống đều liền nhau thành hình chữ Y thì dốc Quán Mậu chỉ có một dốc chung cho cả hai chiều lên xuống với độ dốc gần như thẳng đứng, lại gấp khúc cua tay áo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông.
Người dân nơi đây cho biết thêm, quá trình thi công khu vực dốc Quán Mậu người dân không được tham gia đóng góp ý kiến, trong khi triền đê dài và thoáng nhưng lại không tạo ra dốc thoải và liên kết hai chiều để cho việc vận tải thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Việc làm này là lợi ích của doanh nghiệp không không phải lợi ích chung của người dân.
“Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn mỗi khi lên xuống dốc Quán Mậu. Với độ dốc cao và cua gấp, các xe vận tải chở hàng phân phối nhỏ rất khó di chuyển. Khi lên đến mặt đê nếu đi xuôi theo chiều dốc còn đỡ, chứ đi vòng ngược lại của lên mặt đê rất dễ xảy ra tai nạn, nhiều lái xe bị lật do khúc qua tay áo nguy hiểm”, anh M, người dân ở thôn Minh Hiệp 2 cho biết.
Thời gian qua tại khu vực dốc Quán Mậu đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, ngã lật xe. Đáng chú ý nhất là trường hợp của ông Nguyễn Trọng Lưu, thôn Minh Hiệp 1 khi di chuyển lên dốc bị ngã xe chấn thương nặng, đến nay vẫn còn để lại sẹo và dư chấn về tâm lý.
Cũng theo phản ánh, trên cả tuyến đê, có những dốc phía mặt đê mở rộng 3,2, nhưng phần chân dốc chỉ còn 2,8m, trong khi theo tiêu chuẩn cả hai đầu đều phải loe theo hình phễu mới đảm bảo an toàn. Phần quan trọng nhất là chân dốc lại bị bó lại rất khó hiểu và bất tiện cho người dân trong việc đi lại.
Điều đáng nói, nhiều điểm dân cư ở đông đúc, chạy dài theo triền đê hàng nghìn mét không có một con dốc nào, trong khi đó, nhiều nơi không có dân cư ở, chỉ là “đồng không mông quạnh” thì dốc làm thành hình chữ Y rất rộng và thoáng. Khi người dân thắc mắc phản ánh với chính quyền địa phương về những bất cập và tồn tại đang xảy ra, nhưng đại diện chính quyền địa phương cho biết không có quyền quyết định mà phải xin ý kiến cấp trên?
Ông Nguyễn Doãn Tuân bức xúc: “Việc xây dựng các công trình giao thông là phục vụ nhân dân và phải đáp ứng được việc chuyên chở hàng hóa, đi lại của người dân, chứ không phải làm cho xong kế hoạch”.
Từ thực trạng nêu trên, người dân sinh sống xã Minh Khai mong muốn các ngành chức năng của huyện Hoài Đức kiểm tra và có hướng xử lý phù hợp đảm bảo đảm bảo lợi ích chung cho người dân.