Một số tờ báo gần đây phản ánh về những “tồn tại” xung quanh dự án resort FLC Vĩnh Thịnh tại tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có đề cập điều được cho là “lợi ích hạn chế” mà người dân tại khu vực dự án được hưởng.
Chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với người dân xã Vĩnh Thịnh và một số lãnh đạo địa phương, để tìm hiểu rõ về câu chuyện của dự án này.
Hết bấp bênh thu nhập
“Cả khu vực này là vùng trũng, mỗi năm chỉ cấy có một vụ, nên thu nhập bằng trồng lúa đã thấp, có ruộng ở khu vực này thì thu nhập càng thấp và bấp bênh hơn nữa. Về mùa mưa, cả khu này ngập trắng”, chị Hồ Thị Hiền, thôn An Lão Trại, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc nói.
Sinh ra trong gia đình đã quen nghề nông, đã quen với sự phập phù về thu nhập, chị Hiền kể, gia đình ngày trước có 2 sào ruộng cũng nằm trong khu vực dự án này, mang lại thu nhập cả năm chưa đến 2 triệu đồng. Hiện tại, Hiền là công nhân chăm sóc cây xanh tại dự án FLC Vĩnh Thịnh Resort giai đoạn 1. Vẫn là những công việc của nhà nông, nhưng đã không còn chịu sự vất vả, bấp bênh về thu nhập.
“Thế hệ trẻ thì ít phải chứng kiến, chứ như tầm tụi mình về trước, làm ruộng vất vả lắm, mà về mùa mưa thì chịu, nên thu nhập từ ruộng ở khu cánh đồng này rất thấp. Chỉ cần đi sang phía bên kia (khu quy hoạch dự án mới - PV), mọi người sẽ thấy, các khu trũng quá có ai cấy lúa được đâu”, anh Vũ Cao Biền, sống tại Vĩnh Thịnh, làm tại vị trí chảo nóng thuộc bộ phận bếp của FLC Vĩnh Thịnh Resort, nói.
Với việc hình thành dự án, tiền đền bù tiền giải phóng mặt bằng tính ra mang lại cho người dân khoảng 5-6 triệu đồng tiền lãi mỗi năm trên mỗi sào ruộng, tính theo lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn hơn 1 năm. Mức này, cao hơn nhiều lần từ thu nhập trồng lúa.
Và quan trọng hơn, với những người được nhận vào làm tại dự án, họ có cơ hội nhận thu nhập ổn định, cao hơn nhiều làm nghề nông truyền thống.
Ổn định ngay trên quê hương
Trao đổi với phóng viên, anh Biền cho biết, trước khi FLC Vĩnh Thịnh Resort đi vào hoạt động, anh từng đi làm nhiều nơi, từ dự án trên Vĩnh Yên, đến làm nhà hàng ở Hà Nội.
“Nhưng về đây, lương vừa ngang với làm ở Hà Nội, vừa gần nhà, nên tính ra thu nhập cao hơn hẳn, lại có thời gian cho gia đình. Ổn định cuộc sống trên chính làng quê mình vẫn là điều tuyệt vời nhất”, anh Biền nói.
Theo anh Biền, trong số 15 người bộ phận bếp của anh, có tới 13 người là dân trong xã Vĩnh Thịnh, chỉ có 2 người là người nơi khác. Một số người dù chưa có kinh nghiệm làm bếp, nhưng sau thời gian được đào tạo trong chính dự án, nay đã trở nên “cứng” trong nghề.
“Từ đầu năm đến giờ, lượng khách đến dự án đông dần. Việc nhiều, nhưng thu nhập tốt, lại ổn định nên chúng tôi cũng cảm thấy hào hứng”, anh nói.
Biền kể, vợ anh do làm khác lĩnh vực của dự án nên rất muốn về làm ở đây cho gần nhà. Trong gia đình lớn của mình, anh có thêm hai người cháu gọi bằng chú ruột cũng về đây làm.
Trao đổi với chúng tôi, chị Đỗ Thị Thảo Huyền làm bộ phận kế toán cho biết, ra trường 2 năm, chị đã phải chuyển công việc mấy nơi, từ Hà Nội đến Vĩnh Yên. Khi về với FLC Vĩnh Thịnh Resort, chị cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều, vì công việc thu nhập tốt hơn và không phải sống trong cảnh xa nhà. Bộ phận của chị có 4 người, thì 3 người cùng sống ở xã, chỉ có 1 người từ Hải Dương, nên môi trường làm việc cũng thân quen, dễ chịu.
Cũng như chị Huyền, anh Nguyễn Anh Tuấn (thôn An Lão, xã Vĩnh Thịnh), cảm thấy vui khi chuyển về đây làm, thay vì phải làm việc ở tận Sapa, sống cách xa nhà cả trăm cây số, mà thu nhập lại không bằng.
“Tôi không biết tại sao vẫn có thông tin nói về việc dự án không tuyển người địa phương, chứ ở đây, hầu như toàn người trong xã làm việc.
Chúng tôi rất vui, và mong dự án sớm được mở rộng để có thể sống ổn định trên chính quê hương mình. Con gái tôi đang học cao đẳng kế toán, và tôi cũng mong khi ra trường, cháu sẽ được về đây làm việc”, anh nói.
“Làm những gì tốt nhất cho dân”
Trong quá trình về Vĩnh Thịnh tìm hiểu thông tin, chúng tôi tham dự cuộc làm việc liên cấp giữa chính quyền xã, huyện và tỉnh để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân liên quan đến việc phát triển dự án FLC Vĩnh Thịnh Resort giai đoạn 2.
Tại cuộc làm việc, ông Kiều Văn Minh, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh cho biết, trong khu quy hoạch 250 ha dự án giai đoạn 2, do đặc thù về địa hình hoặc quá cao, hoặc quá trũng, nên từ lâu bà con đã hầu như không trồng lúa.
Tại khu vực đất này, khu trũng hầu như chuyển thành ao cá, các khu cao hơn thì được trồng cỏ để nuôi bò sữa. “Nhà nước đã đầu tư trạm bơm, nhưng do nguồn nước ngoài sông cũng cạn, thậm chí có năm tới 8 tháng thiếu nước, nên khó cho canh tác lúa”, ông Bùi Minh Hồng, Chánh văn phòng tỉnh Vĩnh Phúc nói.
Cũng theo ông Minh, hiện nay, một lượng không nhỏ bà con đang cho thuê ruộng với mức 1,5 triệu đồng/sào/năm. Với mức này, nếu tính giá đền bù 70 triệu đồng/sào, thì ở lãi suất hiện nay nếu gửi tiết kiệm số tiền đền bù, khi làm dự án, bà con chắc chắn được hưởng lợi hơn.
Tuy nhiên, với một số đã đầu tư để chăn nuôi bò sữa, thì câu chuyện lại khác, vì thu nhập hiện tại của họ có thể cao hơn, chưa kể vấn đề giải quyết nút gỡ về bò sữa nếu làm dự án.
“Chúng tôi cũng rất trăn trở về vấn đề này. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một cách khách quan về tương lai ngành bò sữa tại địa phương.
Trước kia, bò sữa thậm chí có mức giá bình quân đàn khoảng 50 triệu đồng/con, thì bây giờ chỉ còn bình quân 30 triệu đồng. Hai vấn đề quan tâm nhất với việc chăn nuôi bò sữa tại Vĩnh Phúc là làm cách nào để cạnh tranh khi Việt Nam vào TPP khiến sức ép với ngành sữa tăng lên, và đảm bảo môi trường sống của người dân”, ông Hồng cho biết.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh cho biết, gia đình ông hiện cũng nuôi khoảng 20 con bò sữa, và ông cũng cảm nhận rõ sự khó khăn đang tăng lên từng ngày. “Sức ép cạnh tranh khi vào TPP sẽ rất lớn. Ngay như năm ngoái, giá sữa thu mua là 14.000 đồng/lít, nay đã giảm 2.000 đồng. Sắp tới, có thể còn giảm nữa”, ông Thành nói.
Ngoài câu chuyện thu nhập từ bò sữa sụt giảm vì cạnh tranh, ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề cần quan tâm. “Không có nơi nào, chăn nuôi bò lại ở cùng với người dân cả. Điều chúng tôi lo nhất là, khi vấn đề môi trường không được xử lý triệt để, một ngày nào đó, bà con lại phải dùng hết số tiền mình tích lũy được để chữa bệnh”, ông Hồng nói.
Tại cuộc trao đổi này, ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh: “Vĩnh Phúc xác định, đầu tư hạ tầng du lịch nhằm phát triển dịch vụ là một vấn đề trọng tâm của tỉnh, nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân”.
“Trước khi ban hành quy hoạch 1/2000, chúng tôi cũng đã làm việc lấy ý kiến người dân. Hiện chúng tôi đang lập, phê duyệt quy hoạch 1/500 và đang chuẩn bị các bước cho công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, trong cuộc làm việc hôm nay, tôi sẽ trực tiếp tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, và đồng thời, yêu cầu lãnh đạo xã Vĩnh Thịnh, và lãnh đạo huyện phải thực hiện khảo sát để nắm bắt tình hình, lên phương án để đảm bảo quyền lợi tốt nhất của bà con”.
“Với chủ trương đầu tư như hiện nay, quy mô FLC Vĩnh Thịnh Resort giai đoạn 2 sẽ giống như khu du lịch Đại Nam của Bình Dương. Ở Đại Nam có hàng nghìn lao động, và nếu FLC thành công, họ sẽ tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho người dân Vĩnh Phúc. Chưa kể, dự án sử dụng hàng hóa đầu vào tại đây, khách du lịch đến đây tiêu tiền… sẽ tạo ra nguồn thu cho địa phương. Đó chính là phương cách tốt để cải thiện đời sống nhân dân”, ông Lê Duy Thành nói.