Trong ngày 20 và 21/4, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đồng loạt triển khai lấy ý kiến nhân dân về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân.
Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh từ 547 xã, phường, thị trấn xuống còn 166 xã, phường (giảm 381 đơn vị, tương ứng giảm 69,65%).
Cơ quan chức năng giao Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa; triển khai lấy ý kiến của cử trị và nhân dân trên địa bàn tỉnh, hoàn thành trước ngày 22/4 để báo cáo Chính phủ (qua Bộ Nội vụ) trước ngày 1/5.
Theo danh sách, TP Thanh Hóa sắp xếp 47 phường, xã hiện nay (riêng 1 phần diện tích, dân số của phường Quảng Cát thực hiện sắp xếp về TP Sầm Sơn) và 2 xã Thiệu Giao, Tân Châu (huyện Thiệu Hóa) để thành 7 phường.
TP Sầm Sơn sắp xếp 10 phường, xã hiện nay và 1 phần diện tích, dân số phường Quảng Cát (TP Thanh Hóa, khu vực phía đông đường Nguyễn Doãn Chấp) và xã Quảng Giao (huyện Quảng Xương) thành 2 phường. Thị xã Bỉm Sơn sắp xếp 7 phường, xã hiện nay của thị xã Bỉm Sơn và xã Hà Vinh (huyện Hà Trung) thành 2 phường.
Thị xã Nghi Sơn sắp xếp 30 xã, phường hiện nay thành 8 phường và 2 xã; Huyện Hà Trung sắp xếp 18 xã, thị trấn thành 5 xã; Huyện Hậu Lộc sắp xếp 22 xã, thị trấn hiện nay thành 5 xã; Huyện Nga Sơn sắp xếp 23 xã, thị trấn hiện nay thành 6 xã; Huyện Hoằng Hóa sắp xếp 36 xã, thị trấn hiện nay thành 8 xã.
Huyện Quảng Xương sắp xếp 25 xã, thị trấn còn lại (riêng xã Quảng Giao thực hiện sắp xếp với các phường thuộc TP Sầm Sơn) thành 7 xã; Huyện Nông Cống sắp xếp 29 xã, thị trấn hiện nay thành 7 xã; Huyện Thiệu Hóa sắp xếp 22 xã, thị trấn còn lại (riêng 2 xã: Thiệu Giao và Tân Châu thực hiện sắp xếp với các xã, phường của TP Thanh Hóa) thành 5 xã.
Huyện Yên Định sắp xếp 25 xã, thị trấn hiện nay thành 7 xã; Huyện Thọ Xuân sắp xếp 30 xã, thị trấn hiện nay thành 8 xã; Huyện Vĩnh Lộc sắp xếp 13 xã, thị trấn hiện nay thành 3 xã. Huyện Triệu Sơn sắp xếp 32 xã, thị trấn hiện nay thành 8 xã.
Huyện Mường Lát giữ nguyên địa giới của 8 xã, thị trấn hiện nay trí thành 8 xã; Huyện Quan Hóa sắp xếp 15 xã, thị trấn hiện nay thành 8 xã; Huyện Quan Sơn sắp xếp 12 xã, thị trấn hiện nay thành 8 xã; Huyện Lang Chánh sắp xếp 10 xã, thị trấn hiện nay thành 6 xã.
Huyện Bá Thước sắp xếp 21 xã, thị trấn hiện nay thành 8 xã; Huyện Ngọc Lặc sắp xếp 21 xã, thị trấn hiện nay thành 6 xã; Huyện Cẩm Thủy sắp xếp 17 xã, thị trấn hiện nay thành 5 xã; Huyện Thạch Thành sắp xếp 24 xã, thị trấn hiện nay thành 6 xã; Huyện Như Xuân sắp xếp 16 xã, thị trấn hiện nay thành 6 xã; Huyện Như Thanh sắp xếp 14 xã, thị trấn hiện nay thành 6 xã; Huyện Thường Xuân sắp xếp 16 xã, thị trấn hiện nay thành 9 xã.
Về việc đơn vị hành chính sau sắp xếp, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa yêu cầu phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa.
Ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý.
Tên gọi của đơn vị hành chính mới cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học và phát huy được lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp với xu thế hội nhập.
Cấp ủy, chính quyền địa phương thống nhất nhận thức, có trách nhiệm tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân địa phương; góp phần giữ gìn, phát huy được giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và tinh thần đoàn kết của nhân dân đối với đơn vị hành chính mới sau sắp xếp.
Nghiên cứu đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin. Tên của xã, phường mới sau sắp xếp không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp hiện có trong phạm vi tỉnh.
Ông Nguyễn Thế Bình, trú tại đường Phạm Ngũ Lão (Phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa) cho biết: Người dân chúng tôi đồng thuận cao trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Theo phổ biến thì địa phận phường Đông Sơn sẽ sáp nhập với 8 phường khác để thành phường mới. Trên địa bàn có nhiều di tích, cơ sở văn hóa mang tính đặc trưng. Nếu đặt theo Hạc Thành 1, Hạc Thành 2, Hạc Thành 3, Hạc Thành 4, Đông Sơn 1, Đông Sơn 2 và Đông Sơn 3 khiến người dân còn băn khoăn, tiếc cho nhiều tên gọi khác.
Đồng quan điểm này, ông Hoàng Tiến Anh trú tại phường Rừng Thông (huyện Đông Sơn cũ) cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét đặt tên đơn vị hành chính mới gắn với các giá trị truyền thống, văn hóa, lịch sử thay vì áp các tên gọi theo số thứ tự.
Tại huyện Thiệu Hóa có 24 đơn vị hành chính cấp xã với tổng diện tích 159,93 km2, dân số 184.850 người. Theo phương án, sẽ sắp xếp 22 đơn vị hành chính (trong đó 20 xã và 2 thị trấn), dự kiến sau sắp xếp sẽ còn 5 đơn vị hành chính cấp xã (giảm khoảng 79,17% số đơn vị hành chính cấp xã).
Hợp nhất xã 2 xã Tân Châu và xã Thiệu Giao với các phường Thiệu Khánh, Đông Lĩnh và các xã: Thiệu Vân, Đông Tiến, Đông Thanh (thuộc TP Thanh Hoá hiện nay). Điều chỉnh địa giới hành chính xã Thiệu Long với phạm vi diện tích 1,2km2 và dân số 737 người thuộc thôn Tiên Nông, xã Thiệu Long để hợp nhất với xã: Định Bình, Định Công, Định Thành và Định Hoà (thuộc huyện Yên Định hiện nay) để hình thành đơn vị hành chính xã mới bảo đảm tiêu chuẩn theo Đề án của tỉnh.
Việc sắp xếp được huyện Thiệu Hóa thực hiện dựa trên tổng thể Phương án sắp xếp của tỉnh và các yếu tố tổng hợp như điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố dân cư, truyền thống lịch sử, văn hóa, vị trí địa lý liền kề, quy mô và tiềm năng phát triển kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Thanh, trú tại xã Thiệu Lý (huyện Thiệu Hóa) bày tỏ sự đồng thuận cao với cách làm bài bản của các cấp có thẩm quyền trong việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính.
“Gia đình tôi được thông tin đầy đủ, toàn diện về việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Người dân đồng thuận rất cao. Huyện Thiệu Hóa sẽ còn 5 xã gồm Thiệu Trung, Thiệu Toán, Thiệu Tiến, Thiệu Hóa, Thiệu Quang. Những tên gọi này, người dân ủng hộ, gắn với yếu tố lịch sử, nhắc tới ai cũng định hình được vị trí. Tên gọi xã cũ không còn nhưng Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: Đất nước là quê hương.”