Người dân bên sông Cầu Chày Thiệu Hóa, Thanh Hóa: Mòn mỏi đợi chờ một cây cầu

14/12/2013 10:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hai thôn Tiên Nông và Tiên Long, xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa nằm cách biệt với “thế giới bên ngoài” bởi sông Cầu Chày ngăn cách.

Việc giao lưu, đi lại đều thông qua cây cầu tạm bợ. Cây cầu phao đúc bằng xi-măng trôi nổi bập bềnh, mỗi lần ai nấy qua sông cũng đều rùng mình lo sợ. Vào mùa mưa lũ, mỗi ngày có cả trăm học sinh đi qua cầu để đến trường, nguy hiểm luôn rình rập… 

 

Hiểm họa luôn tiềm ẩn

 

Về xã Thiệu Long, chứng kiến cảnh qua cầu và bản thân cũng đã thử nghiệm, chúng tôi mới thấm thía hết những khó khăn, hiểm nguy mà người dân nơi đây đang phải trải qua. Sông Cầu Chày hay sông Ngọc Chùy dài 87 km, khởi nguồn từ núi Đàn thuộc huyện Ngọc Lặc, chảy qua các huyện Lang Chánh, Thọ Xuân và Thiệu Hóa rồi hợp với sông Mã ở hạ lưu. Nước sông rất đục và cạn. Cây cầu phao bắc qua sông không có cột đỡ và hàng rào chắn hai bên, mặt cầu trải bằng các tấm ván gỗ được giằng chống một cách tạm bợ. Những khi sóng gió nổi lên thì hiểm họa là điều không ai nói trước được.

Người dân bên sông Cầu Chày Thiệu Hóa, Thanh Hóa: Mòn mỏi đợi chờ một cây cầu

Người dân nơm nớp lo sợ khi đi qua cầu

 

Hai thôn Tiên Nông và Tiên Long có khoảng 220 hộ dân với hơn 700 khẩu, mỗi ngày người dân đi qua đi lại không biết bao nhiêu lần. Điều khiến các bậc phụ huynh lo lắng hơn cả là con cái của họ hằng ngày phải tự vượt sông đến trường. Vào mùa cạn, sông chảy êm đềm, hiền hòa, người dân có thể tạm yên lòng một chút để buôn bán, chở con đi học, thăm bà con làng xóm ở các thôn bên kia sông… Khổ cực nhất là vào mùa mưa bão, nước sông chảy xiết, dâng cao tràn qua bờ đê, ngập tới chân núi, cuốn trôi toàn bộ nhà cửa. Dân đã nghèo nay lại càng bần hàn hơn. Các em học sinh thì không thể tới trường, việc học hành đều bị ngưng lại. Nước sông rút rất chậm, có khi đứng nước một tuần, thậm chí đến nửa tháng, mọi sinh hoạt, ăn uống đều trông chờ vào nguồn trợ cấp từ bên ngoài.

 

Bà Lê Thị Chín, 60 tuổi, thôn Tiên Long kể lại: “Tôi nhớ rất rõ cơn bão lịch sử năm 1985, hồi đó đã xảy ra một vụ đắm đò, thương tâm nhất là một gia đình có ba mẹ con đều bị nước cuốn trôi và chết đuối cả”. Dẫu biết rằng, mỗi lần qua sông là bao nhiêu nguy hiểm rình rập, nhưng cực chẳng đã vì đó chính là con đường duy nhất mà người dân có thể “nhờ cậy” trong việc thuận tiện đi lại. 

 

Cần lắm một cây cầu!

 

Hằng năm, đúng hẹn lại lên, cứ vào khoảng tháng 7, tháng 8, các cơn bão cứ liên tiếp ập đến, người dân nơi đây phải gồng mình lên chống chọi. Người dân cùng chính quyền địa phương thường xuyên nghe dự báo thời tiết để kịp thời đưa ra những biện pháp ứng phó. Nếu mức sông dâng lên báo động cấp 1 thì phải cắt cầu. Còn nếu nghiêm trọng hơn là báo động cấp 2, cấp 3 thì chính quyền địa phương chuẩn bị thuyền máy để chở học sinh đến trường. Tuy nhiên, do thuyền đã cũ nát nên mỗi lần chỉ chở được khoảng từ 15 đến 20 em học sinh. Đồng thời, mỗi em đều phải mặc áo phao cứu sinh để dự phòng bất trắc. 

 

Ông Nguyễn Ngọc Tình, Chủ tịch UBND xã Thiệu Long cho biết: “Xã đã giao trách nhiệm cho một người dân trông coi và yêu cầu tu sửa mỗi năm một lần. Do ngân sách Nhà nước không phân bổ chi phí nên chúng tôi định hướng nhân dân đóng góp với mức thu hợp lý nhất”. Muốn qua cầu, mỗi năm người dân phải trả 3kg thóc/khẩu/năm, còn hộ dân nào có xe máy thì phải trả thêm 40.000 đồng/xe/năm.

 

Để tránh nguy hiểm, một số người dân lại tự mình đi tìm một con đường khác an toàn hơn. Anh Lê Văn Thoa, thôn Tiên Long cho biết: “Mỗi lần đi qua cây cầu này tôi rất sợ, vì thường xuyên đưa cháu đi học nên tôi đã đi đường vòng khoảng 10 cây số mới đến trường”. Nhưng do đường xấu, lại khúc khuỷu, vòng vèo nên rất ít người đi đường đó. Ngoài việc đưa con đi học, những người dân “chân lấm tay bùn” còn biết bao công việc phải lo toan trong cuộc sống. Đối với những người đi bộ là cả một hành trình “cuốc bộ” đầy gian nan. Bản thân các em học sinh cũng không có đủ sức khỏe để có thể đi hàng tiếng đồng hồ mới đến trường.

 

Biết không thể chịu đựng hơn nữa, người dân hai thôn tập trung lên xã kêu than. Ông Nguyễn Ngọc Tình, Chủ tịch UBND xã Thiệu Long cho biết: “Xã cũng nhiều lần gửi đơn lên các cấp chính quyền đề nghị đầu tư xây dựng cây cầu cho nhân dân tiện đi lại và ổn định sản xuất. Nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định khởi công xây dựng cầu”.

 

Cùng với chính quyền địa phương, các nhà trường cũng rất quan tâm đến việc học tập và đi lại của các em học sinh bên đê sông Cầu Chày. Ông Nguyễn Đình Tính, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiệu Long cho biết: Toàn trường có khoảng 67 học sinh phải thường xuyên lặn lội vượt sông đến trường. Chính vì thế, nhà trường cũng yêu cầu phụ huynh gửi các cháu sang thôn bên đê trước khi có bão lũ về. Ngoài ra, trong mỗi giờ lên lớp, các thầy cô giáo phải thường xuyên động viên và căn dặn các em học sinh. Nhà trường cũng đã cấp phát cho mỗi em một cặp phao cứu sinh do Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel trợ cấp. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, tất cả những biện pháp mà nhà trường và chính quyền địa phương đưa ra chỉ là giải pháp tạm thời. Chúng tôi cũng mong UBND tỉnh, các cấp, chính quyền đầu tư xây dựng một cây cầu cho địa phương để các em thuận tiện đi lại và yên tâm học hành.

 

Người dân bên đê sông Cầu Chày không biết đến bao giờ họ mới thực hiện được ước mơ xây dựng một cây cầu vững chắc bắc qua sông? Một cây cầu sẽ thay đổi mọi mặt đời sống của nhân dân, thay đổi tương lai của các em học sinh nơi đây và điều quan trọng hơn là những hiểm nguy sẽ không còn rình rập nữa.

 

Tài Đức - Su Nguyễn

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân bên sông Cầu Chày Thiệu Hóa, Thanh Hóa: Mòn mỏi đợi chờ một cây cầu