Ở một bản làng nằm ven bờ sông Sê Pôn cuộn chảy, người ta hay nhắc đến một vị già làng đáng kính. Từ lâu, ông không chỉ là “người cha tinh thần” của bản A Ho mà còn là chiếc cầu nối giữa đồng bào Vân Kiều ở đây với người dân bản Đenvilay bên nước bạn Lào.
Vị già làng ấy là Pả Ai, tên thật là Hồ Văn Cươi, một cựu chiến binh người Vân Kiều, người đã sống qua 76 mùa trăng tại bản A Ho (xã Thanh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị).
Xứng danh Bộ đội cụ Hồ
Khởi nguồn từ phía Tây dãy núi Trường Sơn trên địa phận nước bạn Lào, dòng Sê Pôn lặng lẽ chảy qua nhiều ghềnh thác, bản làng dọc theo tuyến biên giới của hai nước Việt - Lào. Như nhiều bản làng khác, A Ho và Đenvilay (huyện Mường Noòng, tỉnh Savanakhet, Lào) cùng uống chung dòng nước Sê Pôn. Nhưng, sẽ chẳng có gì nhiều để nhắc đến hai chòm bản bình yên này nếu như không có một sự kiện vô cùng hi hữu. Đó là việc hai bản nằm hai bên biên giới, thuộc hai đất nước khác nhau nhưng gần như cùng xem Pả Ai như già làng, trưởng bản của mình.
Câu chuyện về vị già làng - cựu chiến binh “đặc biệt” này, như một tấm gương phản chiếu tinh thần yêu nước, tính cần lao của một người con Vân Kiều sinh ra và lớn lên từ trong cách mạng. Ông không chỉ là người con ưu tú của A Ho, mà còn là niềm tự hào của đông đảo đồng bào Vân Kiều sống trên đỉnh Trường Sơn.
Sinh năm 1940, Hồ Văn Cươi lớn lên đúng lúc quê hương bị quân giặc chiếm đóng, ông đã sớm phải chứng kiến những đau thương, mất mát của đồng bào. Hàng ngày, địch ra sức càn quét, bắn giết bao người vô tội. Ở nhiều bản làng, đồng bào phải dắt díu nhau trốn chạy khắp núi rừng dọc tuyến biên giới. Trước cảnh đó, chàng trai Hồ Văn Cươi lúc này vừa tròn 17 tuổi đã cùng một số thanh niên người Vân Kiều - Pa Cô quyết tâm một lòng đi theo cách mạng, đứng lên cầm súng đánh giặc.
Già làng Pả Ai trong căn nhà của mình ở A Ho
Sau khi xuất ngũ, Hồ Văn Cươi trở về quê cùng nhiều vết thương trên cơ thể. Phát huy truyền thống anh bộ đội cụ Hồ, ông đã mang những kiến thức, hiểu biết đã học được trong thời kỳ đi theo cách mạng về để xây dựng quê hương. Ngày đó, vùng quê A Ngo của ông còn nghèo lắm. Tất cả đều xơ xác vì bom đạn. Đã vậy, người dân A Ho còn bị ràng buộc bởi biết bao hủ tục lạc hậu đè nặng khiến cuộc sống của bà con càng thêm lam lũ, khổ ải. Chẳng lẽ, mình cứ phải cam chịu kiếp nghèo như vậy mãi? Câu hỏi đó luôn văng vẳng trong đầu người cựu chiến binh.
Hướng Hóa xưa kia vốn khô cằn sỏi đá, từng là căn cứ, chiến hào trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Trong lòng đất còn tiềm ẩn những cái chết bất ngờ bởi không ít bom đạn chưa phát nổ còn sót lại. Đối với nhiều người, đây chả khác gì “Vùng đất chết”. Nhưng đối với Hồ Văn Cươi, tấc đất tấc vàng, ông quyết tâm bằng mọi giá phải “biến sỏi đá thành cơm”. Vậy là từ đó, ông mày mò tự đọc tài liệu hướng dẫn, cái gì chưa biết thì hỏi rồi tự mua cây giống trồng thử.
“Vạn sự khởi đầu nan”, thật khó để kể hết những khó khăn, thử thách mà người cựu chiến binh dân tộc Vân Kiều đã phải vượt qua. Do thiếu hiểu biết và kinh nghiệm, thất bại ban đầu là điều không tránh khỏi. Thế nhưng, không đầu hàng số phận, tinh thần vượt khó của Bộ đội cụ Hồ thôi thúc Hồ Văn Cươi. Và rồi đất đã không phụ công người. Dưới đôi tay cần cù của ông, đá sỏi phải nhường đất cho những cây giống bén rễ vào đất nghèo. Khi đã thành công, ông lại mang kinh nghiệm đi chia sẻ, hướng dẫn bà con cùng làm ăn kinh tế để từng bước thoát nghèo...
“Nhà ngoại giao nhân dân”
Không chỉ giúp đồng bào trong việc làm ăn phát triển kinh tế, Hồ Văn Cươi - tức già làng Pả Ai còn là người có công rất lớn trong việc vun đắp tình hữu nghị giữa đồng bào hai nước Việt - Lào. Suốt hàng chục năm liền, ông đã lặn lội, qua lại dòng sông biên giới Sê Pôn để có được thành quả là mối giao hảo giữa hai bản làng heo hút A Ho và Đenvilay.
Nhớ lại nhiều năm về trước, già làng Pả Ai bảo, ngày đó giữa hai bản có nhiều mâu thuẫn bắt nguồn từ việc chôn cất người chết ở rừng ma. Bởi, với quan niệm người chết sẽ trở thành con ma rừng, muốn không bị con ma về bắt thì phải mang đi chôn thật xa, thế cho nên khi người thân nằm xuống, bà con Vân Kiều ở A Ho lại âm thầm mang ra rừng ma mai táng. Đồng thời, người dân Đenvilay cũng có phong tục tương tự. Họ cũng chọn rừng ma làm nơi yên nghỉ cho người thân trong gia đình, dòng họ. Thế là, nhiều lúc xảy ra mâu thuẫn giữa hai bản về vị trí chôn. Chính vì vậy nên việc kết nghĩa hai bản nằm hai bên biên giới là vô cùng quan trọng.
Một góc A Ho bên dòng Sê Pôn
Là một cựu chiến binh có cái chân đã từng đi nhiều nơi, cái mắt đã được thấy nhiều điều hay, cái bụng hiểu được nhiều điều tốt, nên già Pả Ai nhận thấy, việc đưa người thân đi xa để con ma không về bắt là không đúng, mà đem vào rừng ma để chôn lại càng không phải. Vậy là già Pả Ai đã đứng ra vận động, tuyên truyền giúp hai bên dân bản dần xóa bỏ đi cái hủ tục này. Già bảo với dân bản A Ho rằng, ngày xưa Bác Hồ nói Việt Lào như anh em, như tay chân, đã cùng nhau sống chết để đánh giặc. Giờ hòa bình rồi thì càng phải đoàn kết. Cực khổ có nhau thì bây giờ phải đoàn kết để giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phải cùng bảo vệ tình cảm anh em mà Bác Hồ đã dạy.
Đặc biệt, Pả Ai đã can đảm chứng minh “con ma” không hề đáng sợ. Khi bố ông mất, ông không đem thi thể của bố vào rừng ma mà chôn dưới một chân đồi gần bản A Ho để mỗi khi lên nương còn tiện ghé vào thăm nom. Một tháng, hai tháng, rồi nhiều năm trôi qua, thấy già làng “đùa với con ma”, bà con bản A Ho từ chỗ sửng sốt, ngạc nhiên rồi dần dần tin tưởng khi thấy Pả Ai không bị làm hại.
Suy nghĩ dần hanh thông, dân bản A Ho vui vẻ noi theo gương già làng. Đến bản A Ho hôm nay, sẽ dễ dàng nhận thấy khu rừng ma của bản đã được đưa về tập trung ở bìa rừng gần bản để tiện bề hương khói. Thậm chí, không ít gia đình ở A Ho đã lập bàn thờ, nhang đăng đều đặn, thăm nom mộ phần của người đã khuất..., đó là những việc người A Ho trước đây chưa từng làm.
Việc đưa rừng ma về gần gian nan, vất vả chừng nào thì việc gây dựng lại tình đoàn kết giữa hai bản biên giới A Ho và Đenvilay cũng khiến già Pả Ai tốn không biết bao nhiêu công sức. Dòng Sê Pôn không thể nhớ được đã bao lần ông già Vân Kiều gầy gò, quắc thước này lội qua sông để làm “nhà ngoại giao nhân dân” với bản bạn. Thậm chí, già còn trực tiếp đến bày tỏ nguyện vọng với bộ đội Việt Nam và bộ đội Lào để được giúp đỡ. Dân bản Đenvilay cũng không đếm đủ số lần ông ngồi uống rượu với dân bản để giãi bày nỗi lòng.
Mỗi lần qua thăm như vậy là mỗi lần già Pả Ai tranh thủ giúp bà con cách làm kinh tế. Khi thì chỉ cách trồng cây sắn, rồi cách chăm đàn bò, đàn dê… cứ như thế già làng Pả Ai dần trở nên gần gũi với mọi người. Sự bền bỉ của già đã khiến mối mâu thuẫn ngày xưa tan biến, thay vào đó là sự quấn quýt, thân thiện giữa hai bản làng với nhau còn hơn người đồng tộc.
Theo già Pả Ai vượt sông sang Đenvilay thăm bản bạn, chúng tôi thấy những chiếc lá rừng còn rất xanh đang trôi xuôi dòng. Có lẽ, chúng trôi ra từ những cánh rừng bên nước bạn Lào. Chỉ độ một đôi ngày nữa thôi, chiếc lá này sẽ theo dòng Sê Pôn đổ ra Đăkrông rồi xuôi về Hiền Lương, Thạch Hãn, mang theo câu chuyện giản dị mà đáng trân trọng của một vị già làng nước Việt đã làm nên tình đoàn kết giữa hai bản làng của hai dân tộc. Như lời già làng làng bản Đenvilay đã nói: “Chúng tôi rất biết ơn Pả Ai. Ông ấy không những đã xóa đi mâu thuẫn giữa nhân dân hai bản mà còn giúp đỡ chúng tôi tìm cách thoát nghèo. Dân bản tôi và bản Aho giờ lại như anh em một nhà, chúng tôi ưng cái bụng lắm”.
Uy tín của già làng Pả Ai đối với người dân hai bản giờ đây cao hơn đỉnh Voi Mẹp, sâu hơn đáy dòng Sê Pôn. Mỗi lời già nói đều được người dân hai bản răm rắp nghe theo. Nhờ già Pả Ai mà dân bản A Ho và Đenvilay đã trở thành hai bản kết nghĩa, yêu thương nhau. Từ mô hình này, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị đã nhân rộng thành 18 cặp kết nghĩa dọc 2 bên biên giới Việt Lào. Tiếng nói của già phản ánh lên chính quyền đều là nguyện vọng của đại đa số cư dân trong cộng đồng.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi cùng già làng Pả Ai sang thăm bản Đenvilay, chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng anh Khu Kham Namboly - Đồn trưởng Đồn Công an Cửa khẩu Đenvilay, Lào. Với tất cả số vốn tiếng Việt có được, anh đã nói với chúng tôi rằng, nhờ Pả Ai ở A Ho mà bà con hai bên đã hiểu và thông cảm với nhau. Dân bản bây giờ lại đoàn kết, qua lại thăm nhau và giúp nhau làm kinh tế nữa. Pả Ai còn nhờ Biên phòng Việt Nam sang dạy chữ cho dân bản để bà con càng hiểu nhau thêm. Vùng biên giới bây giờ không còn lo nữa, cảm ơn Pả Ai nhiều lắm.
Trong tâm thức của những người dân Việt - Lào sống tại hai bên lưu vực sông Sê Pôn, không chỉ là dòng nước mang lại ấm no mà còn là mạch nguồn của văn hoá hai dân tộc. Đối với dân bản A Ho và Đenvilay, tấm lòng của già làng Pả Ai cùng những việc ông làm cũng như dòng Sê Pôn hiền hòa, đã góp phần bồi đắp thêm tình đoàn kết, mối quan hệ hữu nghị thủy chung hai nước Việt - Lào. Bà con dân bản gọi ông là “lưỡng quốc già làng”, nhưng tự đáy lòng, vị già làng đáng kính này vẫn khiêm tốn nhận mình là một người con - một người lính Vân Kiều nguyện suốt đời theo Đảng, học tập và làm theo lời Bác.