Giữa sương giăng mây phủ, giữa chập chùng đá núi, Mường Khương hiện ra trước mắt chúng tôi như mời gọi...
Ở vùng đất lưu truyền biết bao huyền tích văn hóa, lịch sử này, có một người lính đã dành gần trọn cuộc đời binh nghiệp của mình để gắn bó, hết lòng với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao.
Anh là Thượng tá Trần Quốc Khải, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mường Khương, Lào Cai - người đã có thâm niên gần 20 năm đảm nhiệm vai trò Đồn trưởng của những đơn vị có địa bàn phức tạp trên huyện như Bản Lầu, Pha Long rồi đến Mường Khương….
Cùng vượt khó với đồng bào
Có cảm giác rằng, mỗi góc làng, xó bản ở vùng đất biên viễn Mường Khương xa xôi, khuất nẻo này, Thượng tá Trần Quốc Khải đều nắm thuộc như chỉ tay mình. Đến giờ, người dân thôn Cốc Phương, Na Lốc thuộc xã Bản Lầu vẫn nhắc nhớ đến thượng tá Khải như một vị ân nhân - người đã giúp bà con trong những ngày đầu chuyển mình theo hướng làm kinh tế mới.
Đó là vào năm 2000, khi ấy, anh Khải đang là Đồn trưởng Đồn biên phòng Bản Lầu. Nhìn bà con người Mông ở đây còn đói ăn khát uống, đường xá chỉ toàn là đường mòn nhỏ hẹp hoặc đường sống trâu lầy lội, anh không khỏi chạnh lòng. Quan sát phía nước bạn, thấy nông dân bên họ mấy năm liền chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây dứa, cây chuối vào quảng canh phục vụ cho công nghiệp thực phẩm, anh băn khoăn tự hỏi, liệu những giống cây ấy có trồng được trên đất mình không?
Thượng tá Khải (đi đầu) tuần tra cùng đồng đội
Muốn biết thì phải học, phải thử! Đó là quyết tâm của những người chỉ huy Đồn biên phòng Bản Lầu và chính quyền xã Bản Lầu ngày ấy. Phương án thực hiện là cho người đi sang đó làm thuê, cố gắng nắm bắt được cách làm, bí quyết trồng và chăm sóc các loại cây rồi về trồng thực nghiệm trên đất Bản Lầu. Những vạt đồi đầu tiên trồng thử nghiệm thành công, từ đó, các hộ dân bảo nhau cùng dành đất trồng loại cây mới. Những đồi dứa, chuối cao sản san sát mọc lên. Người Đồn trưởng dáng nhanh nhẹn, nước da bánh mật những ngày tháng ấy ăn, ngủ lúc nào cũng nghĩ về dứa, mơ thấy dứa.
Chúng tôi vào thăm ông Giàng Quang, một triệu phú vùng biên của thôn Na Lốc 3. Ông cười ngất khi nhắc đến việc cách đây 13 năm, ông cùng gia đình đã đến tận Đồn biên phòng để bắt đền Đồn trưởng Khải 3 tấn dứa. Số là người dân trồng ra sản phẩm rồi, nhưng lại chẳng biết bán cho ai nên cả bản lâm vào tình huống dở khóc dở cười. Cái thiếu, cái đói đã dồn ngay trước mặt khiến người dân chả biết làm cách nào khác ngoài việc “cùn” với chính quyền.
Đồn trưởng bị “bắt vạ” thì đã đành, dân đói có thể cứu trợ bằng gạo và nhu yếu phẩm, nhưng nếu không giải quyết được tình trạng này sẽ mất đi một hướng làm ăn hiệu quả vừa mới chỉ nhen nhóm khởi đầu. Và, quan trọng trên hết là lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chính quyền và bộ đội Biên phòng (BĐBP) sẽ mất. Vậy là, anh Khải lại trăn trở tìm hướng đi, lại vận động chính quyền tạo điều kiện cho nhân dân bán nông sản qua biên giới. Từ đó tới nay, Bản Lầu đã có thêm nhiều triệu phú, tỷ phú giàu lên từ cây dứa, cuộc sống của nhân dân các bản được cải thiện rõ rệt. Na Lốc, Cốc Phương trở thành một “điểm sáng biên giới ” cả về kinh tế - xã hội cũng như an ninh trật tự.
Xem việc dân như việc nhà
Cột mốc 112 là nơi lưu giữa một dấu ấn binh nghiệp của của thượng tá Trần Quốc Khải, bởi đây là lần đầu anh dẫn tổ tuần tra tiến hành tuần tra song phương cùng lực lượng chức năng nước bạn. Thời điểm đó, tháng 11/2004 Bộ chỉ huy BĐBP Lào Cai cho phép các đồn được quan hệ với các tiểu đoàn BĐBP nước bạn. Trong quá trình hội đàm, giao lưu giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai bên, anh Khải nhận ra rằng ngoài hoạt động hội đàm định kỳ và trao đổi thông tin thường xuyên ra thì không có gì hiệu quả bằng việc tuần tra song phương để có thể cùng nhau giải quyết mọi vấn đề xảy ra trên biên giới.
Lúc mới đặt vấn đề, phía bạn còn dè dặt và tỏ ra không thiện chí bởi trước đây hai nước chưa có tiền lệ cho hoạt động này, nhưng rồi bằng những lý lẽ chân thành, anh đã thuyết phục được bạn cùng hợp tác. Tháng 12/2004, lần đầu tiên những chiến sỹ biên phòng Đồn Bản Lầu đã cùng đồng hành tuần tra với những người lính biên phòng thuộc Tiểu đoàn biên phòng trấn Nam Khê, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Tiếp nối những năm sau đó, 11 đồn biên phòng trên tuyến biên giới Lào Cai tổ chức được hoạt động này và dần nhân rộng trên toàn tuyến biên giới Việt Trung.
Năm 2008, Thượng tá Trần Quốc Khải được điều chuyển về làm Đồn trưởng Đồn biên phòng Pha Long. Anh đã cùng với cấp ủy, chỉ huy và cán bộ, chiến sỹ nơi đây tạo lập thêm những chiến công mới, góp thêm vào thành tích chung của đồn với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. Từ truyền thống ấy, Thượng tá Khải cùng lãnh đạo chỉ huy đơn vị đôn đốc cán bộ, chiến sỹ bám dân, bám bản, xác định rõ người lính biên phòng làm việc gì giúp dân phải chỉn chu như làm việc cho chính gia đình mình. Các anh đã khơi dậy phong trào tăng gia sản xuất trong nhân dân, đặc biệt là vận động người dân trồng ngô, lạc, đỗ xen canh gối vụ giúp giúp nhiều hộ gia đình thoát khỏi cảnh đứt bữa trong những ngày giáp hạt.
Một góc Mường Khương
Khi chính sách xây dựng nhà đại đoàn kết của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào, anh chỉ huy cho cán bộ, chiến sỹ góp công, góp sức trực tiếp đơn vị đứng ra thi công hàng chục ngôi nhà Đại đoàn kết cho người dân. Nhà của Đồn biên phòng thi công luôn cao, thoáng chắc chắn bởi có thêm phần công sức và sự khéo léo, tinh thần trách nhiệm của những người lính biên phòng. Vận dụng các mối quan hệ của đơn vị cũng như bản thân, người đồn trưởng giàu bản lĩnh và sức sáng tạo ấy cũng không ngần ngại vận động một số doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp vào quỹ để trên vùng biên cương này có thêm những mái ấm làm sáng rừng, sáng bản.
Những năm gần đây, địa bàn Pha Long nằm trên trục đường trung chuyển ma túy của bọn tội phạm, vậy mà trên địa bàn không có người nghiện hay tham gia buôn bán vận chuyển ma túy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Giữ được địa bàn trong sạch, lành mạnh như vậy là điều không dễ. Các cán bộ chiến sĩ của đồn luôn trân trọng và đánh giá cao vai trò của người đồn trưởng Trần Quốc Khải trong sự chủ động phối hợp với các lực lượng nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của các loại đối tượng, đánh giá đúng tình hình, chỉ đạo đơn vị đấu tranh thắng lợi 34 chuyên án, vụ án; bắt giữ 41 đối tượng, thu giữ nhiều tang vật như vũ khí, ma túy… giải thoát cho hàng chục phụ nữ, trẻ em bị bán sang Trung Quốc, tạo được niềm tin tưởng của cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân.
Xứng danh “Bộ đội cụ Hồ”
Giờ đây, trên cương vị Đồn trưởng Đồn biên phòng Mường Khương, Thượng tá Trần Quốc Khải cùng Ban chỉ huy Đồn vẫn luôn là một tấm gương trong công tác, đời sống để cán bộ chiến sỹ trong đơn vị noi theo. Không chỉ chỉ đạo sát sao từng công việc cụ thể, phân công công việc hợp lý, anh còn tạo điều kiện hết sức cho cán bộ, chiến sỹ phát huy năng lực riêng. Sự điều hành của anh đã góp phần không nhỏ vào những thành công liên tiếp của đơn vị. Những mô hình “Tổ tự quản đường biên cột mốc” “tổ tự quan an ninh trật tự thôn bản”, phong trào “Toàn dân bảo vệ biên giới” của các dân tộc anh em trên địa bàn đơn vị quản lý luôn hoạt động đạt hiệu quả cao.
Ngồi cùng chúng tôi trong niềm vui bản Cốc Phương kết nghĩa cùng bản nước bạn, vị Đồn trưởng “mới tinh” của Đồn Mường Khương nói nhiều hơn đến một tương lai ổn định và mạnh giàu của vùng biên nơi đây. Mường Khương hôm nay đang đổi mới từng ngày. Nhìn từ xa, các thôn, bản thấp thoáng xen lẫn trong màu xanh bạt ngàn của núi rừng trùng điệp. Một Mường Khương thật đẹp và yên bình đã đi vào câu hát “Kìa núi Cô tiên choàng mây mờ ảo. Xa xa núi Hàm Rồng mây phủ, mái trường nội trú các dân tộc Mường Khương. Một vùng biên cương ruộng nương là cột mốc. Bờ sông con suối chia đôi bờ xứ sở. Một vùng biên cương dân giữ gìn vẹn toàn. Tiếng gà gáy sáng, tiếng cười trẻ thơ….”.
Song, sự bình yên ấy không hoàn toàn dành cho những người lính biên phòng. Cửa khẩu Mường Khương tấp nập xe hàng chuyển lương thực, thực phẩm giao thương với nước bạn khiến công việc của các anh lúc nào cũng tất bật với công tác kiểm tra kiểm soát phương tiện, con người. Không chỉ thế, bọn tội phạm lợi dụng địa hình đồi núi với nhiều đường mòn, lối tắt chọn đây là nơi trung chuyển ma túy khiến nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự trên vai các anh ngày càng nặng. Vậy mà trên địa bàn không có người nghiện hay tham gia buôn bán vận chuyển ma túy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.
Có người đã gọi Trần Quốc Khải là “Người của Mường Khương”, anh giống như cây sa mộc trong sương, loài cây kiên gan, bền bỉ bám đất cằn, hứng sương lạnh mà tạo nên một dáng cây kiêu hãnh trên vùng đất biên cương. Những đóng góp của anh và đồng đội đối với mảnh đất biên viễn này quả rất xứng đáng với sự tin yêu của đồng bào đã gửi gắm, tô đẹp thêm hình ảnh anh “Bộ đội cụ Hồ”.