Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Gần đây tôi thấy cơ quan chức năng phát hiện ra nhiều vụ liên quan đến đối tượng bán hàng giả là lương thực, thực phẩm. Tôi băn khoăn không biết hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào?
Độc giả Nguyễn Thị Loan, Đông Anh, Hà Nội
Luật sư Nguyễn Tuấn Hiệp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)
Trả lời: Dựa trên những dữ liệu mà bạn đã nêu, chúng tôi tư vấn những quy định của pháp luật về vấn đề mà bạn đang thắc mắc như sau:
Hành vi buôn bán hàng giả là thực phẩm sẽ bị xử lý khi có đầy đủ các yếu tố như: có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi nhất định và đã thực hiện hành vi phạm tội buôn bán hàng giả là thực phẩm do lỗi cố ý trực tiếp, cũng như có hành vi dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác để mua đi bán lại những hàng hóa mà biết rằng hàng hóa đó là giả mà vẫn mua đi, bán lại nhằm thu lợi bất chính. Đối tượng ở đây được hiểu là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Do đó, có thể nhận thấy rằng hành vi buôn bán hàng giả là thực phẩm luôn bị coi là phạm tội. Theo đó, Căn cứ điều 157 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Tuy nhiên, trong trường hợp này những người kinh doanh buôn bán hàng giả là thực phẩm vì lợi ích kinh tế nhằm thu lợi bất chính thì sẽ tùy vào tính chất mức độ, hành vi phạm tội, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, giá trị thu lợi bất chính lớn hoặc rất lớn, gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của pháp luật.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
(Bạn đọc có những băn khoăn hay thắc mắc về pháp lý, xin hãy gửi câu hỏi về địa chỉ conglydientu@congly.com.vn để được các chuyên gia tư vấn pháp luật giải đáp trong thời gian sớm nhất).