Đồng bào chú ý, máy bay địch đang tiến về Hà Nội...", thủy đình giữa làng Đào Thục chợt vang lên tiếng còi lanh lảnh cùng giọng đọc rất quen thuộc với nhiều người hơn 40 năm về trước...
Người lính hai lần đánh trận Điện Biên
Sau lời báo động đó, từ dưới mặt nước, những chiếc máy bay vụt lên gầm thét trên bầu trời hòa trong tiếng súng từ mặt đất bắn lên. Một "quả tên lửa" vút bắn lên trúng chiếc B52 "đầu đàn" khiến nó bốc cháy rồi đâm sầm xuống đất. Ánh điện hắt sáng xuống mặt nước gợn sóng lăn tăn, hoạt cảnh rối nước "Hà Nội chiến thắng B52" làm tất cả khán giả sững sờ bởi tính độc đáo của nội dung, bối cảnh và hiệu ứng khói lửa được thể hiện một cách tối ưu. Những em học sinh ùa lên vỗ tay mỗi khi "rối" ta bắn trúng "rối" địch, khiến không khí đêm diễn càng trở nên ấn tượng đến khó quên.
Tác giả của vở diễn, khi đó cũng đang lùng bùng trong bộ quần áo mưa phía sau hậu trường để chỉ đạo các nghệ nhân biểu diễn màn kết nhìn khán giả với một vẻ mặt mãn nguyện. Bởi màn diễn của ông cùng các nghệ nhân trong làng đã thay cho những bài học lịch sử khô khan, thay cho những thước phim quá đỗi khốc liệt của sự thật để đi vào tiềm thức của các em thơ, những vị khách nước ngoài một cách dễ dàng và rất đỗi tự hào. Những nghệ sỹ nông dân của làng rối Đào Thục có truyền thống hơn 300 năm, bằng tình yêu quê hương của mình đã tạo nên bệ phóng để đưa cái tên rối nước Đào Thục vượt thoát ra khỏi ao làng, khỏi sự mai một trong thời buổi kinh tế khó khăn.
Sau đêm diễn, chúng tôi theo Đại tá Đinh Thế Văn về thăm nhà ông. Những câu chuyện về đời quân ngũ đáng tự hào của một người lính "súng gươm vất bỏ lại hiền như xưa" mở dần theo từng năm tháng xen giữa vị ngọt bùi của ngô đồng mới trảy. Hóa ra "lão chiến sỹ" kiêm "lão nghệ nhân" của làng Đào Thục bình dị này từng theo hai anh trai tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 16 tuổi. Nặng có 35kg, cao 1m40… vừa gầy vừa thiếu tuổi, song anh chàng "bé hạt tiêu" ấy đã vượt đèo Pha Đin lên Tây Bắc, cùng anh em "cơm vắt ngủ hầm" để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng.
Không lâu sau đó, Văn được chuyển sang đơn vị pháo binh, tập bắn súng cối và từng lập được chiến công ở mặt trận này. Khi cờ Tổ quốc bay trên nóc hầm Đờ Cát-xtờ-ri, cũng là lúc Đinh Thế Văn vừa tròn 17 tuổi đời với 2 tuổi quân, tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm chốn sa trường. Vừa chiến đấu rèn luyện, vừa học hỏi kinh nghiệm, Đinh Thế Văn từng bước khẳng định mình và trở thành Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 bộ đội tên lửa khi vừa mới ngoài 30.
Anh hùng LLVTND Đinh Thế Văn Ảnh: Liên Phương
Năm 1972, sau thất bại nặng nề trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, Mỹ tăng cường thực hiện chiến tranh phá hoại lần thứ hai với quy mô và cường độ đánh phá khốc liệt hơn. Trải qua 12 ngày đêm chiến đấu vô cùng dũng cảm và mưu trí, quân và dân miền Bắc đã chiến thắng vẻ vang, bắn rơi hàng trăm máy bay các loại, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái, bắn cháy 9 tàu chiến. Trong chiến công vang dội trên bầu trời Hà Nội năm ấy, có sự góp phần quan trọng của Tiểu đoàn 77 đóng quân trên trận địa Chèm với nhiệm vụ đón đánh máy bay Mỹ từ hướng Tây Bắc. Kể lại những ngày tháng ấy, đôi mắt ông như sáng lên chẳng khác gì lúc nhìn từ hậu trường thủy đình trong đêm diễn vừa qua. Giọng ông rộn ràng vui: "Có người hỏi chúng tôi có bị bất ngờ khi B52 đánh vào Hà Nội không? Câu trả lời là không! Chúng tôi bình tĩnh chờ chúng đến, tất cả đã sẵn sàng".
Tác giả của cách đánh "vượt nửa góc"
Tuy rất lạc quan và chủ động, song đối mặt với B52 đâu phải là điều đơn giản. Đối với các chiến sĩ không quân nói chung và Tiểu đoàn 77 bộ đội tên lửa nói riêng, vấn đề nghiên cứu nhiễu trở thành trọng tâm, quyết định thành bại của các trận đánh. Toàn binh chủng luyện tập không ngừng nghỉ suốt ngày đêm với quyết tâm "hạ gục" pháo đài bay của không lực Mỹ ngay trên bầu trời Thủ đô và đã làm nên chiến thắng với một cách đánh mới do sáng kiến của Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn. So với cách đánh "bắn ba điểm" được huấn luyện kĩ lưỡng, cách đánh "vượt nửa góc" do Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn chỉ đạo anh em thực hiện nguy hiểm hơn rất nhiều do máy bay địch có thể dùng tên lửa tấn công trận địa nếu ta không tắt sóng ra-đa kịp thời. Hơn nữa, cách đánh này đòi hỏi các trắc thủ phải thao tác nhanh gọn, dứt điểm, có sự phối hợp đồng bộ và trên hết là phải có lòng dũng cảm. Ngay khi khói bom vừa dứt, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng lẫn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có mặt tại trận địa Chèm của Đinh Thế Văn để nghe ông báo cáo cách đánh B52 khá kỳ lạ ấy.
23 giờ ngày 18/12/1972, một tốp B52 hiện lên màn hình. Các màn hiện sóng nhiễu trắng xóa, các trắc thủ và sỹ quan điều khiển của tiểu đoàn căng óc nghiên cứu giải nhiễu bên tai luôn vang lời nhắc nhở cẩn thận nhiễu B52 giả. Cùng lúc đó, Trung đoàn thông báo tới toàn mặt trận tin vui Tiểu đoàn 59 bắn rơi B52 tại chỗ. Đến 23 giờ 9 phút, tiểu đoàn nghiên cứu giải nhiễu B52 có tham số nhỏ trên hướng 320 độ, trung đoàn cho phép bắn. Đến cự ly 32km, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn cho phát lệnh, 2 quả tên lửa lao vào trời đêm, đạn gặp mục tiêu ở cự ly 23km, nổ tung. Ánh mắt anh em trong kíp trắc thủ như bừng lên ngọn lửa chiến thắng. Dẫu trước đây, bộ đội tên lửa đã nhiều lần bắn trúng B52, song đây là lần đầu tiên quân dân miền Bắc có thể sờ tận tay, nhìn tận mắt "Niềm kiêu hãnh" của không lực Mỹ nổ tung trên bầu trời Hà Nội.
Đại tá Đinh Thế Văn nhận giải thưởng Đào Tấn năm 2013
Có thể nói, từ chiến công đầu tiên, cách đánh "vượt trước nửa góc" của Tiểu đoàn 77 đã thành một trong những cách đánh ưu việt của bộ đội tên lửa trong chiến dịch 12 ngày đêm Hà Nội. Sau đó, ngày 20 và rạng sáng 21, Tiểu đoàn đã đánh 4 trận bằng 8 quả tên lửa, tiêu diệt 2 chiếc B52. Đến đêm 26/12, Tiểu đoàn tiếp tục đánh 3 trận và được công nhận bắn rơi một chiếc B52. Với thành tích này, Tiểu đoàn 77 trở thành một trong hai đơn vị phòng không bắn rơi nhiều máy bay B52 nhất của quân chủng và được Nhà nước phong tặng là Tiểu đoàn Anh hùng. Bản thân Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Năm 2013, Đại tá Đinh Thế Văn được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cũng trong năm đó, ghi nhận công lao của Đại tá, Anh hùng Đinh Thế Văn với văn hóa nghệ thuật dân tộc, Hội đồng Giải thưởng Ðào Tấn đã quyết định trao tặng giải thưởng cao quý này cho ông đúng dịp kỷ niệm 69 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân và 41 năm Ngày chiến thắng B52. Đón nhận vinh dự ấy, nhân dân Đào Thục đã tổ chức một buổi lễ long trọng chúc mừng đứa con của làng đã hai lần làm rạng danh quê hương bằng những chiến công và tâm huyết.
Giữ hồn dân tộc
Năm 1989, Đại tá Đinh Thế Văn nghỉ hưu. Bàn tay cầm súng bao năm giờ đây lại bắt đầu làm quen với những con rối quê mình. Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ một lần nữa tỏa sáng trong ông. Cùng với các nghệ nhân và các vị trưởng bối trong làng, ông đại tá dành thời gian đi gặp gỡ nhân dân, chính quyền địa phương và các cơ quan, đoàn thể những mong tìm cách phục dựng lại nghề tổ. Trời không phụ lòng người, ít lâu sau, tòa thủy đình tọa lạc ngay giữa làng, các tích trò truyền thống được đầu tư dựng lại và đem ra biểu diễn cho khách muôn phương.
Cả làng Đào Thục bắt tay vào làm du lịch, quảng bá các sản phẩm mộc dân dụng do những người thợ lành nghề chế tác. Phường rối xây dựng website riêng để bạn đọc xa gần biết tiếng, đầu tư thêm hai thủy đình di động để đi biểu diễn ở những nơi xa. Các tour du lịch bảo nhau đưa khách trong nước và quốc tế về thưởng lãm khung cảnh làng quê và nghệ thuật rối Việt. Và nghề mộc cũng dần hưng thịnh, giúp đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Lưng vốn của Đào Thục hiện nay đã có hơn 20 nghệ sỹ nông dân, ngày làm kinh tế, tối dầm mình trong nước lạnh với bảy sắc cầu vồng sân khấu rối; là 30 tích trò có dấu ấn riêng biệt, không trộn lẫn với các phường rối khác như "Ba khí giáo trò", "Lên võng xuống nước", "Trâu chui ống", "Phùng đánh hổ", "Dệt cửi"... Và gần đây là các tích trò được tập thể giáo phường dàn dựng như "Tặng hoa ngày hội", "Rước ảnh Bác Hồ", "Hà Nội 12 ngày đêm"... Dù còn nhiều khó khăn, song phường rối Đào Thục vẫn đang là một trong số hiếm những phường nghề dân gian bước đầu sống được và bảo vệ được vốn văn hóa dân gian cổ truyền.
Bước sang tuổi 80, song Anh hùng - Nghệ nhân Đinh Thế Văn vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn khi đưa chúng tôi đi thăm lại trận địa phòng không Chèm. Cánh đồng năm xưa giờ đã thành khu đô thị mới. Song dấu tích chiến tranh dẫu có phai mờ trên thực địa, nhưng nó sẽ mãi khắc ghi trong tâm khảm những người trong cuộc và sống động trên sóng nước thủy đình hôm nay. Phường rối Đào Thục hiện đã được chuyển giao cho thế hệ sau gánh vác, còn nghệ nhân Đinh Thế Văn thường xuất hiện trong vai trò cố vấn kỹ thuật. Ông thực sự rất yên tâm khi phường rối làng mình đã có nhiều nghệ nhân trẻ nối nghề. Từ trái tim đến với trái tim, từ tấm lòng đến với tấm lòng, tâm huyết, nghị lực của người anh hùng ấy đã có sức cộng cảm to lớn để cùng người dân Đào Thục vượt qua thử thách, đạt được những ước mong.