Nghiện rượu, thuốc lào, người đàn ông mắc 2 loại ung thư cùng lúc

Thảo Nguyên| 21/09/2020 19:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người đàn ông 62 tuổi có tiền sử hút thuốc lào và nghiện rượu suốt 20 năm, gần đây ông liên tục thấy khó thở, người mệt mỏi, giảm cân. Khi vào viện các bác sĩ chẩn đoán ông mắc cùng lúc 2 loại ung thư thuộc dạng hiểm hóc.

Đây là ca bệnh khá đặc biệt được các bác sĩ tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) xin ý kiến các chuyên gia Bệnh viện K tại buổi hội chẩn khám chữa bệnh từ xa.

Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy thông tin, qua khai thác bệnh sử, người nhà bệnh nhân cho biết ngày nào ông N.V.H. (sống tại huyện Quảng Yên, Quảng Ninh) cũng uống ít nhất 0,5 lít. 2 tháng nay khi thấy người mệt nhiều, ông mới bắt đầu bỏ rượu.

Gần đây ông liên tục thấy khó thở, giọng khàn nhiều, nuốt vướng, khi ăn dễ sặc, người mệt mỏi, khi vào viện chỉ còn 50kg. Cơ thể gầy gò, giọng nói thay đổi và hay khó thở, sặc thức ăn, khi vào viện ông H. được chẩn đoán mắc cùng lúc 2 ung thư.

Bệnh nhân được gia đình đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám. Các kết quả xét nghiệm và sinh thiết kết luận, bệnh nhân mắc ung thư hạ họng giai đoạn 4a thể biểu mô vảy và ung thư dạ dày biểu mô tuyến giai đoạn 2b thể kém biệt hoá, có biến chứng hẹp môn vị. Tại vùng hạ họng có khối u hơn 3,4cm, xâm lấn vào dây thanh quản, lan ra cơ ức đòn chũm, hạch lớn nhất hơn 2cm.

Nghiện rượu, thuốc lào, người đàn ông mắc 2 loại ung thư cùng lúc

PGS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K điều hành buổi hội chẩn khám chữa bệnh từ xa của bệnh viện.

Xác định đây là ca bệnh khó và khá đặc biệt, các bác sĩ tại Bệnh viện Bãi Cháy đã xin ý kiến hội chẩn, tư vấn điều trị của các chuyên gia Bệnh viện K tại buổi hội chẩn khám chữa bệnh từ xa kết nối từ điểm cầu của Bệnh viện K đến nhiều bệnh viện tuyến dưới.

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện K, đây là trường hợp mắc 2 ung thư hiếm gặp. Nếu thể trạng bệnh nhân tốt, hoàn toàn có thể can thiệp phẫu thuật triệt căn, còn không thì điều trị giảm nhẹ. Theo đó cần xác định chính xác giai đoạn bệnh để đưa ra phác đồ chuẩn. 

TS Trần Thắng - Trưởng khoa Nội 4 cho rằng, cả 2 ung thư đều ở giai đoạn còn điều trị tại chỗ được. Thậm chí, nếu sức khoẻ bệnh nhân cho phép có thể phẫu thuật can thiệp cả trên và dưới.

Trong khi đó, TS Võ Văn Xuân - Trưởng khoa Xạ 5 đồng ý với phương án mở khí quản trước vì bệnh nhân đã có tổn thương hạ họng, xâm lấn dây thanh. Với ung thư dạ dày, tổn thương nhỏ hơn 2 cm nên vẫn còn ở giai đoạn sớm, có thể phẫu thuật cắt bỏ, sau đó điều trị hóa, xạ trị.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, PGS.TS Lê Văn Quảng cho biết, khi bệnh nhân mắc 2 ung thư cùng lúc, nguyên tắc luôn tập trung vào ung thư giai đoạn sớm trước.

Do đó, với trường hợp bệnh nhân ở Bệnh viện Bãi Cháy, bệnh nhân có thể điều trị theo 3 phương án.

Phương án 1 là mở khí quản trước, sau đó phẫu thuật triệt căn ở dạ dày. Sau 10-15 ngày ổn định, sẽ xạ hoá trị hạ họng, thanh quản.

Phương án 2, nếu bệnh nhân lo sợ phẫu thuật, ngại cắt đoạn dạ dày, bác sĩ có thể xử trí hẹp môn vị trước bằng cách nối vị tràng qua gây tê chứ không mở thông ống tràng.

Phương án 3, nếu gia đình từ chối không can thiệp, vẫn phải nối vị tràng, mở khí quản rồi điều trị hoá chất điều trị triệu chứng.

Trường hợp trên chỉ là một trong số hàng trăm ca bệnh nặng của tuyến dưới được các chuyên gia tuyến trên hội chẩn, đưa ra hướng điều trị thích hợp. Theo Bộ Y tế, buổi hội chẩn từ xa trên nằm trong Đề án khám chữa bệnh từ xa (Telehealth), giai đoạn 2020-2025 mà Bộ đang triển khai.

Theo Đề án, sẽ có 24 bệnh viện tuyến trên (gồm 18 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 6 bệnh viện của Hà Nội, TP.HCM) tham gia.

Ðề án hướng đến 5 mục tiêu cụ thể, gồm: Xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến trên gồm một số bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật và trang thiết bị để hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới thực hiện khám, chữa bệnh từ xa; Xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến dưới gồm một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, kể cả bệnh viện tư nhân thực hiện khám, chữa bệnh từ xa; Thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh, giảm tập trung đông người tại bệnh viện, giảm số lượng người dân phải đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân ở vùng nông thôn, nhất là người dân vùng sâu, xa, khó khăn; Giảm chi phí khám, chữa bệnh, chi phí bảo hiểm y tế và tiền túi của người dân.

Cũng theo Bộ Y tế, tính đến ngày 19/9, Đề án khám chữa bệnh từ xa của ngành y tế đã kết nối được 1.100 cơ sở khám chữa bệnh. Hàng trăm ca bệnh nặng đã được các chuyên gia tuyến trên hỗ trợ hội chẩn điều trị "vượt không gian" đến tận vùng biên giới, vùng sâu, xa và hải đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiện rượu, thuốc lào, người đàn ông mắc 2 loại ung thư cùng lúc