Cho rằng nội dung sửa đổi nhằm khắc phục tình trạng lạm dụng giám định tư pháp gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử chưa rõ ràng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu làm rõ thêm về vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp. Ảnh Quochoi
Tiếp tục Phiên họp thứ 37 chiều 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp nhằm khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế.
Tờ trình dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp năm 2012 là nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng.
Dự án Luật bổ sung 03 điều; sửa đổi, bổ sung 05 điều; sửa đổi, bổ sung 17 khoản và 14 điểm về căn cứ trưng cầu giám định; cách thức trưng cầu và “phân tuyến” thực hiện giám định trong trường hợp vụ việc giám định liên quan đa ngành, đa lĩnh vực; trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định, cơ quan thực hiện giám định; thẩm quyền trưng cầu và thực hiện giám định; thời hạn giám định; xử lý vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp; trách nhiệm của các bộ, ngành chủ quản đối với hoạt động giám định tư pháp; việc áp dụng quy định của Luật này trong thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan thanh tra.
Thẩm tra Tờ trình, thay mặt Ủy ban Tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, hồ sơ dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị nghiêm túc. Cơ quan soạn thảo đã tổng kết thi hành luật; lập báo cáo đánh giá tác động; lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương… Hồ sơ dự án Luật bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu, theo Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Giám định tư pháp thì “vấn đề ách tắc trong hoạt động giám định tư pháp hiện nay phần nhiều vẫn do khâu nhận thức và tổ chức thực hiện Luật, nhất là từ phía các bộ, ngành chủ quản và các địa phương.”
Kết quả giám sát của Ủy ban Tư pháp về chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng hình sự cũng cho thấy, hạn chế, vướng mắc nhất hiện nay trong hoạt động giám định tư pháp là công tác giám định theo vụ việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tập trung chủ yếu ở loại hình giám định các lĩnh vực xây dựng, tài chính, ngân hàng, tài nguyên và môi trường...
Trong đó, có trách nhiệm cả hai phía: Cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định và việc thực hiện giám định của tổ chức, cá nhân được trưng cầu.
Do đó, Ủy ban Tư pháp cho rằng hồ sơ dự án Luật cần xác định rõ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp do tổ chức thực hiện Luật, trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp chỉ đạo giải quyết.
Đối với những vướng mắc do pháp luật, cần xác định rõ nội dung nào cần được sửa đổi trong Luật Giám định tư pháp, nội dung nào cần được sửa đổi, bổ sung trong pháp luật liên quan.
Thảo luận tại Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng cần thiết phải xem xét để sửa đổi Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; hơn nữa từ năm 2013 đến nay đã có một số luật có liên quan đến Luật này đã sửa đổi, đòi hỏi công tác giám định tư pháp phải có khả năng đáp ứng với pháp luật hiện hành. Tuy nhiên giữa yêu cầu, vướng mắc cần sửa đổi với nội dung sửa đổi trong Tờ trình còn chưa khớp nhau. Do đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị cần xác định phạm vi sửa đổi cho đúng và đảm bảo tính khả thi.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chỉ ra rằng có một số vấn đề liên quan đến những tồn tại, hạn chế của công tác giám định tư pháp như năng lực trình độ và đạo đức của cán bộ, chuyên viên hoạt động trong giám định tư pháp. Tuy nhiên quy định Dự luật quy định xử lý vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp “Người trưng cầu, yêu cầu giám định, cá nhân, cơ quan, tổ chức được trưng cầu, thực hiện giám định hoặc cá nhân, tổ chức khác có liên quan vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.” là quá chung chung, không cụ thể để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng.
Ngoài ra, liên quan đến giám định trẻ bị xâm hại thì quy trình hiện nay còn rất bất cập, đề nghị Cơ quan soạn thảo quan tâm, nghiên cứu để sửa đổi những vướng mắc trong vấn đề này.
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Cơ quan soạn thảo phân tích rõ hơn những bất cập của Luật Giám định tư pháp hiện hành để xác định phạm vi sửa đổi cho chính xác, đáp ứng được yêu cầu của việc sửa đổi Luật.
Về những sửa đổi nhằm khắc phục tình trạng lạm dụng giám định tư pháp gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nội dung sửa đổi chưa thật sự rõ ràng. Do đó đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu làm rõ thêm về vấn đề này.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao tinh thần chuẩn bị nghiêm túc, trách nhiệm của Cơ quan soạn thảo dự án Luật; đề nghị Cơ quan soạn thảo phối hợp với Cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh dự án Luật, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới đây