Những ngày gần đây, câu chuyện người dân đi mua thịt lợn, khi thắc mắc về việc ti vi đưa tin thịt lợn giảm, được người bán hàng đáp trả “muốn rẻ lên ti vi mà mua”, được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội.
Đó cũng là nghịch lý khi giá heo hơi giảm nhưng giá ở chợ vẫn cao ngất ngưởng.
Theo ghi nhận, giá lợn hơi ba miền Bắc - Trung - Nam trong tuần đã giảm sâu 2-6 giá, nhưng hầu như chưa có tỉnh nào về mốc 70.000 đồng/kg như kỳ vọng. Đa số vẫn bám dao động từ 75.000 - 80.0000 đồng/kg. Dù giá lợn hơi giảm nhưng giá thịt lợn lại tỉ lệ nghịch, so với giá thịt heo trên thị trường tuần cuối tháng 3 giá thịt lợn bán lẻ ngoài chợ dân sinh chưa giảm, dao động từ 130.000 - 210.000 đồng/kg.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cho rằng giá thịt lợn hiện nay đang ở mức rất cao và tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng. Giá thịt không thuộc mặt hàng kiểm soát giá mà do doanh nghiệp quy định.
Trước đó, trung tuần tháng 3, Thủ tướng đã chủ trì họp với các bộ Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn... để bình ổn giá thịt lợn. Tại cuộc họp này, Thủ tướng nêu rõ giá thịt theo cơ chế thị trường, có vai trò quản lý của Nhà nước, trong đó có chống đầu cơ, nâng giá bất hợp lý. Giao nhiệm vụ cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, cơ quan quản lý nhà nước về giá, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần kiên quyết đưa giá thịt xuống (dưới 60.000 đồng/kg thịt heo hơi) trong thời gian tới bằng các biện pháp phù hợp.
Trường hợp doanh nghiệp cố tình đưa giá lên cao thì Thủ tướng sẽ quyết định nhập khẩu thịt lợn từ các nước về Việt Nam để giảm giá, phục vụ người tiêu dùng.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính đến cuối tháng 3, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 40.000 tấn thịt, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, hàng loạt doanh nghiệp chăn nuôi lớn ở nước ta đã giảm giá thịt lợn hơi xuất chuồng về mức 70.000 đồng/kg. Đây là một trong những biện pháp để bình ổn giá thịt lợn trên thị trường và chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Mức giá này được áp dụng từ ngày 1/4.
Nhiều người tiêu dùng những ngày này kỳ vọng giá thịt lợn tại chợ, siêu thị sẽ giảm vì giá lợn hơi tại chuồng đã giảm mạnh. Nhưng, hy vọng bao nhiêu lại thất vọng bấy nhiêu, thịt lợn tại chợ và siêu thị vẫn neo ở mức giá ngất ngưởng.
Lý giải về mức chênh lệnh giá từ trại nuôi ra thị trường, tại buổi làm việc với 15 doanh nghiệp chăn nuôi ở Bộ NN-PTNT, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng để đưa lợn hơi từ cổng trại ra tới thị trường mất rất nhiều chi phí, chiếm gần 40% giá thành thịt. Đây chính là nguyên nhân khiến giá thịt heo ngoài thị trường thời gian qua neo cao.
Trong khi đó, các doanh nghiệp cho rằng, việc giảm giá thịt lợn không chỉ dựa vào mỗi doanh nghiệp chăn nuôi mà phải có biện pháp đồng bộ từ chuồng trại tới siêu thị, chợ bán lẻ, như vậy mới có hiệu quả trong việc giảm giá.
Một doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong ngành cho rằng thương lái đang ăn lãi quá cao. Doanh nghiệp vừa xuất bán lợn tại chuồng, đưa ra khỏi trại thương lái đã có thể bán cao hơn trang trại xuất bán tới 10.000 đồng/kg lợn hơi.
Về vấn đề giá thịt lợn trên thị trường leo cao, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, nếu giá lợn hơi ở mức 80.000 đồng/kg thì giá thịt lợn xẻ (móc hàm) vào khoảng 100.000 đồng/kg. Thế nhưng, trên thị trường giờ đang bán 150.000-160.000 đồng/kg, thậm chí có loại trên 200.000 đồng/kg. Theo ông Tiến, rõ ràng phần phân phối phải có điều chỉnh để đảm bảo lợi ích người chăn nuôi, người tiêu dùng và người phân phối.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, nếu Chính phủ muốn thực sự kiểm soát và không cho tăng giá quá mức mặt hàng này thì phải đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm đưa mặt hàng thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá. Có như vậy, các cơ quan quản lý mới đủ công cụ mạnh để kiểm soát giá mặt hàng thịt lợn như yêu cầu doanh nghiệp kê khai giá, áp giá trần. Khi đã thừa hoặc đủ nguồn cung, giá thịt lợn sẽ tự khắc giảm.