Có một tuổi thơ không may mắn khi đôi chân bị co rút, teo tóp, thế nhưng vượt qua những mặc cảm, tự ti, anh Tạ Duy Huy đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Nhờ vậy, anh đã có một mái ấm gia đình hạnh phúc, và trở thành trụ cột chính cho cả gia đình.
Từ cậu bé khuyết tật giàu nghị lực
Tạ Duy Huy (SN 1969) là con thứ năm trong một gia đình có 5 anh chị em ở xóm 7 xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Lúc mới lọt lòng Huy cũng bình thường như bao đứa trẻ khác với những lời yêu thương, chăm bẵm từ bố mẹ. Tuy nhiên lúc lên 2 tuổi, trong một lần con bị ốm, bố mẹ anh cố gắng điều trị cho con, nhưng rồi sau đó, cứ thấy con yếu dần đi, đôi chân mềm nhũn, nằm một chỗ mà không tập đứng tập đi như bao đứa trẻ khác. Mẹ đã bế anh đi khắp nơi chạy thầy chạy thuốc, nhưng rồi, đi đến đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu của bác sĩ. Hai mẹ con lại quay trở về trong tuyệt vọng.
Đến tuổi đi học, nhìn thấy các bạn được cắp sách tới trường, Huy đã khao khát biết nhường nào. Để con vơi đi nỗi buồn, bố của Huy lại cõng con đến trường theo học cùng chúng bạn. Tuy nhiên việc học của Huy không kéo dài được lâu, khi lên 12 tuổi, bố anh qua đời vì tai nạn giao thông. Mẹ anh vì “cơm áo gạo tiền” lo cho đàn con, nên đành phó mặc đứa con tật nguyền cho hoàn cảnh, số phận.
Sự lạc quan khiến cho anh vượt qua được nhiều điều bất hạnh trong cuộc sống.
“Lớn dần lên, khi các bạn được tung tăng chạy nhảy, vui chơi khắp xóm với các trò chơi của tuổi thơ. Mỗi lần như vậy, nhìn xuống đôi chân ngày càng teo dần của mình, tôi lại thấy ứa nước mắt, chỉ muốn được lành lặn bình thường như chúng bạn” – anh Huy ngậm ngùi nhớ lại.
Việc đi lại bằng đôi chân dường như là không thể, nên đôi tay lại trở thành đôi chân và mông dùng làm trụ đỡ cho cơ thể. Thế nhưng, những ngày đầu tập “đi lại” với Huy cũng chẳng phải dễ dàng gì.
Ngày thứ nhất, thứ hai, rồi nhiều ngày tập luyện như vậy, đôi tay Huy trở nên chai sần, còn mông anh thì tứa máu vì phải quệt đi quệt lại dưới nền nhà với đất đá hỗn độn. Thành quả của sự kiên trì tập luyện ấy, là anh đã di chuyển được những “bước đi” gọn gàng và thành thạo hơn.
Đi lại được bằng đôi tay, Huy cũng bắt đầu “lê lết” thân mình ra đồng cùng chúng bạn mò cua, bắt ốc, câu lươn… để cải thiện bữa ăn cho gia đình, cũng như kiếm thêm thu nhập. Sau những ngày lao động miệt mài ấy, đổi lại là niềm vui rất lớn. Lấy đó làm động lực, anh lại tự nhủ bản thân mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Lên 13 tuổi, cậu bé Huy có thêm nghề mới, đó là tập tành vá xe, sửa chữa xe đạp sau những lần qua nhà hàng xóm học lỏm. Nghề mới tuy nhàn thân hơn vì không phải lê lết đi lại nhiều, tuy nhiên khách đến vá xe chủ yếu vì thương cảm cho hoàn cảnh của Huy.
Sửa lâu cũng thành quen, khách đến với anh ngày một nhiều hơn. Chiếc xe lắc để phục vụ cho việc đi mua sắm các vật dụng, đồ dùng về sửa chữa xe cũng từ đó mà thành. Anh lại có điều kiện để đi lại được nhiều hơn, thuận lợi hơn.
Cái kết viên mãn
Cũng giống như anh Huy, chị Vương Thị Liên (SN 1969) trú ở xã Hồng Thành huyện Yên Thành cũng có hoàn cảnh kém phần may mắn. Chị Liên bị mắc phải căn bệnh cận bẩm sinh từ khi mới lọt lòng, nên đôi mắt chỉ nhìn thấy lờ mờ.
Mặc dù gia đình đã đưa chị đi chữa chạy nhiều nơi, nhưng mọi cố gắng đều không thành. Chị chấp nhận sống chung với số phận của mình với đôi mắt mờ đục. Chị Liên nhớ lại: “Lớn dần lên, thấy đôi mắt của mình không nhìn được rõ, tôi cũng hoang mang lắm. Rồi tôi cũng được gia đình giải thích rõ về căn bệnh của mình, để có thể chấp nhận sống chung với nó. Dù biết là vậy, nhưng thực sự đó không phải là một điều đơn giản mà mình có thể chấp nhận được trong một sớm một chiều”.
Đến tuổi lấy chồng, dù cũng được người này người kia mai mối giới thiệu, nhưng vì tự ti của bản thân mình nên chị Liên không dám nghĩ tới hạnh phúc riêng. Sau nhiều lần như vậy, chị cũng quyết tâm cho mình một cơ hội, và đó là lần gặp gỡ với anh Huy, người ở xã bên, cũng là chồng của chị bây giờ.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng anh Huy chị Liên vẫn luôn tin yêu và hạnh phúc khi có nhau.
Chị Vương Thị Liên chia sẻ: “Chúng tôi quen biết nhau qua sự mai mối giới thiệu của anh em, bạn bè. Gặp anh Huy, qua những lần chuyện trò, chị cảm nhận được sự chân thành từ anh, dù bệnh tật của anh lúc đó là một trở ngại rất lớn để hai người phải cân nhắc, suy nghĩ. Tuy nhiên lâu dần, tình cảm dành cho nhau ngày một lớn hơn”.
Năm 27 tuổi, cái tuổi ở quê chúng bạn đã có gia đình yên ấm, hạnh phúc cả rồi, thì với anh chị lại là quãng thời gian quan trọng nhất khi quyết định về chung sống dưới một mái nhà. Chị Liên nhớ lại: “Lúc cả hai đưa ra quyết định về một mái nhà. Gia đình chị phản đối vì sợ chị sẽ khổ khi lấy một người chồng tàn tật như anh. Rồi với bệnh tật của 2 người như vậy, chỉ sợ hai người sẽ trở thành gánh nặng cho nhau, liệu hạnh phúc có được bên lâu…”.
Cuối cùng hai người cũng chứng minh được cho mọi người thấy tình yêu của mình và niềm tin của hai người, gia đình hai bên cũng gật đầu chấp nhận để anh chị được đến với nhau.
Dưới mái nhà cấp 4 phải căng bạt che mưa nắng, anh chị vẫn luôn tin yêu lẫn nhau.
Sau đám cưới, vợ chồng anh Huy về ở chung nhà với mẹ. Để trang trải thêm cuộc sống, ngoài việc mưu sinh hằng ngày bằng mò cua, bắt ốc, câu lươn, anh chị còn mở thêm cửa hàng tạp hóa, bán nước mía vào những ngày hè, và kết chối đót để bán vào những dịp cận Tết. Anh Huy cũng không quên nghề vá xe, sửa chữa xe đạp…
Tình yêu đơm hoa, kết quả, niềm vui như được nhân lên khi chị Liên lần lượt sinh được 3 con, đều khỏe mạnh, lành lặn. Đến nay, con gái lớn của anh chị đã lập gia đình. Còn gái thứ 2 đi làm công nhân để phụ giúp bố mẹ nuôi cậu em đang đi học. Nhìn mái nhà cấp bốn thấp lè tè nằm cạnh tỉnh lộ, phải căng bạt để che nắng mưa, anh chị hiểu rằng cuộc sống của gia đình mình còn rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, trong ngôi nhà nhỏ ấy, luôn tràn ngập tình yêu thương mà anh chị dành cho nhau, dù còn lắm vất vả, khó khăn.