Thị trường chứng khoán là nơi tụ hội của rất nhiều nhà đầu tư, một đám đông thật sự.
Trong đó, đáng chú ý nhất là quan điểm đầu tư, đặc biệt là quan điểm đầu tư mang tính chủ đạo trên thị trường. Các quan điểm này không ồn ào và không rõ nét nhưng nó sẽ dẫn dắt thị trường vận động theo một xu hướng cụ thể nào đó và nó cũng sẽ chi phối xu hướng vận động đó.
Quan điểm đầu tư chủ đạo trên thị trường là quan điểm của những nhà đầu tư lớn, ví như quan điểm của nhà đầu tư nắm giữ 1 triệu cổ phiếu sẽ có sức nặng vượt trội so với quan điểm của 100 nhà đầu tư mà mỗi người nắm giữ 10,000 cổ phiếu cùng loại. Quan điểm chủ đạo thường ngược với quan điểm phổ biến của đám đông tại những thời điểm cụ thể, hay có thể nói là những nhà đầu tư này thường có cách nghĩ và hành động khác với phần còn lại của thị trường tại những thời điểm đó: Họ thường thoát ra sớm một chút trước khi thị trường lên tới đỉnh theo quan điểm của họ, trong khi đó đám đông lại cho rằng thị trường sẽ còn chạy tiếp. Và ngược lại, họ biết thị trường đã chạm vùng đáy trong khi đám đông lại cho rằng nó sẽ tiếp tục rơi. Điều này lý giải tại sao các nhà đầu tư nhỏ thường mua vào ở vùng đỉnh của thị trường và bán ra ở vùng đáy.
Có cảm giác như những nhà đầu tư đó có suy nghĩ khác, tư duy và hành động trái ngược với thị trường! Nhưng thực tế không phải vậy. Vẫn là những tư duy và hành động hợp lý, chỉ có điều họ đi trước thị trường: họ lặng lẽ khởi phát tạo ra xu hướng đi lên của thị trường và để các nhà đầu tư nhỏ nhập cuộc sau - họ làm cái việc thổi bùng xu hướng đó lên. Đến điểm đạt mục tiêu lợi nhuận, họ lại lặng lẽ rút lui để đám đông làm nốt phần việc còn lại là đẩy thị trường lên tận đỉnh. Có thể nói họ đã thực sự tập hợp được một đám đông, dẫn cả đoàn đi và lặng lẽ thoát ra nhường vị trí dẫn đầu cho những người đang hăng hái bước theo sau họ.
Thực sự đó là những người có bản lĩnh, có tư duy độc lập và quan trọng là có năng lực tài chính mạnh, chính là sức mạnh của thị trường! Họ không đi theo những bình luận hay nhận định chuyên gia hàng ngày tràn ngập trên hệ thống truyền thông, đặc biệt là sau mỗi sự kiện đáng chú ý với những nội dung mơ hồ và nhiều khi trái ngược hoàn toàn với nhau.
Có thể nói bản thân việc Nghĩ khác với thị trường chính là sự khác biệt, những nhà đầu tư có được sự khác biệt đó đã tự tạo cho mình lợi thế cạnh tranh rất tốt đối với phần còn lại của thị trường. Thực sự họ không tư duy và hành động theo lối mòn, không quá phấn khích khi thị trường vui vẻ nhộn nhịp và cũng không hốt hoảng khi nó u buồn lạnh lẽo vì họ thấu hiểu cơ chế vận hành của thị trường. Vậy nên họ có thể bình thản nhìn thị trường nhảy múa theo nhịp điệu riêng có của nó với phần nhạc đệm rất thú vị, mà có lẽ nhiều khi họ là nhạc trưởng. Họ kiểm soát được cảm xúc trong không gian sôi động của thị trường, không tham lam và không vội vàng vì họ biết được một điều là với thị trường Bull sẽ lần lần bước lên từng bậc thang còn thị trường Bear sẽ nhảy thẳng qua cửa sổ xuống đất!
Dù vô tình hay hữu ý, những nhà đầu tư lớn đã tư duy và hành động theo Luật phản phục mà Lão Tử đã chỉ ra trong cuốn cổ thư kinh điển Đạo Đức Kinh: Vật cực tất phản. Sự vật hay hiện tượng vận động đến cực điểm (dù là cực âm hay cực dương) sẽ quay ngược lại, dù là điểm Cực của mọi sự vật hay hiện tượng không bằng nhau và nó chỉ phản ánh những nét cơ bản của sự vật hay hiện tượng đó mà thôi: trời nắng nóng đến cực điểm sẽ đổ mưa hay giá cổ phiếu lên đỉnh rồi sẽ rơi. Đây là Luật lớn nhất và quan trọng nhất của tạo hóa và nó đúng trong mọi lĩnh vực. Tư duy và hành động thuận theo nó cũng là thuận theo tự nhiên để tồn tại và phát triển, ít nhất là trên Thị trường chứng khoán.
Nguyễn Thanh Hà