Nghỉ hưu ở tuổi nào?

Bảo Dân| 17/05/2014 12:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Nội dung được nhiều đại biểu QH quan tâm là cân nhắc kéo dài tuổi nghỉ hưu với cả nam và nữ. Về hưu ở tuổi nào trở thành vấn đề được luận bàn sôi nổi.

Có ý kiến so sánh như sau, nếu để một người nghỉ hưu sẽ mang lại cơ hội cho 2 sinh viên mới tốt nghiệp có việc làm. Cụ thể, một chuyên viên có hệ số lương 4,98 nếu nghỉ hưu sẽ đủ cho 2 sinh viên mới ra trường có hệ số lương khởi điểm 2,34. Nếu kéo dài thêm tuổi về hưu đồng nghĩa với việc cử nhân, thạc sĩ đi xin việc được trả lời là không có chỉ tiêu biên chế. Việc cử nhân đi học lại một nghề khá phổ biến hiên nay có nguyên nhân chính là thừa thày thiếu thợ nhưng cũng có phần do định biên ngặt nghèo.

Theo một nghiên cứu chung của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO ) và Chính phủ Việt Nam, nếu như không kịp thời cải cách thì đến năm 2021, nguồn thu của BHXH sẽ tương đương với tổng chi. Ông Carlos Galian, chuyên gia về an sinh xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO) cũng nhận xét quỹ bảo hiểm xã hội của Việt Nam hiện đang trong tình trạng đáng báo động. Ông Carlos cảnh báo, nếu không cải cách kịp thời thì toàn bộ quỹ BHXH Việt Nam sẽ hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2034. Nghĩa là toàn bộ lao động nam của Việt Nam dưới 40 tuổi và lao động nữ dưới 35 tuổi sẽ không được nhận lương hưu sau khi nghỉ hưu.

Ngoài ra, ILO không đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu ngay lập tức mà sẽ tăng theo lộ trình từ từ. Như vậy là hiện tại tất cả người lao động sắp đến tuổi về hưu sẽ không chịu tác động của các đề xuất này. ILO đã đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 vào năm 2030.

Tuy nhiên theo ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban thu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết tại dự thảo mới nhất của Luật BHXH sửa đổi, từ năm 2016 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức. Từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu với các đối tượng còn lại theo phương thức, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi với nam.

Đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên tuổi nghỉ hưu vẫn được thực hiện như quy định hiện hành.

Theo đại diện BHXH Việt Nam, đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu nhằm tránh nguy cơ vỡ quỹ BHXH trong tương lai không xa. Với các chính sách hiện hành, quỹ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 thu trong năm không đủ chi trong năm. Cũng theo ông Liệu, nếu như trong năm 1996 có 217 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu thì năm 2007 chỉ còn 14 người và năm 2012 chỉ còn 9,3 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu. Do số tuổi nghỉ hưu sớm dẫn đến thời gian đóng BHXH ngắn, thời gian hưởng lương hưu lại dài. Hiện số năm đóng BHXH bình quân đối với nam là 28 năm và nữ là 23 năm.

Theo kết quả Khảo sát Mức sống dân cư 2012, khoảng 40% người nghỉ hưu làm việc đến 65 tuổi, mặc dù họ có thể không làm toàn thời gian. Trong khối lao động phi chính thức, khoảng 70% người lao động vẫn làm việc không thường xuyên khi đã 65, và khoảng 25% vẫn làm việc thường xuyên. Điều đó chứng tỏ người dân vẫn còn khả năng lao động. Và kéo dài tuổi về hưu là có cơ sở để vừa giải cứu quỹ BHXH vừa thích hợp với tình hình dân cư hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghỉ hưu ở tuổi nào?