Chiều ngày 09/04/2018 tại rạp Đại Nam số 89 phố Huế đã diễn ra buổi họp báo Khởi công xây dựng trung tâm từ thiện 'Văn hào nhân sỹ' có sự góp sức của các nghệ sĩ: NSND Trần Nhượng, NSND Thanh Hoa, NSƯT Xuân Hinh, MC Thảo Vân...
Trung tâm do Đại đức Thích Nguyên Bình - trụ trì chùa Thiên Hương (Hưng Yên) - phát nguyện, có diện tích 36.000m2, được đặt tại chùa Bà Đầu (thôn Yên Xá, xã Phan Đình Phùng, Mỹ Hào, Hưng Yên).
Lễ khởi công xây dựng Trung tâm sẽ được tổ chức vào ngày 5/5/2018 tại chùa Bà Đầu. Đại đức Thích Nguyên Bình cho biết, Trung tâm không những là nơi bảo trợ xã hội, trại trẻ mồ côi, nhà tình thương cho những người lang thang cơ nhỡ, bà mẹ đơn thân, nghĩa trang thai nhi, nhà bảo ôn thai nhi mà còn là Trung tâm dưỡng lão cho các văn nghệ sĩ khi tuổi về già và các phật tử.
Theo kế hoạch, Trung tâm từ thiện Văn hào nhân sỹ sẽ gồm 3 khu lớn là Khu Trung tâm, Khu Nghĩa trang thai nhi cùng Nhà bảo ôn, Vườn cây nghệ sĩ. Trong đó, Khu Trung tâm gồm 6 khu nhà chính: Nhà điều hành; nhà dưỡng lão; nhà trẻ mồ côi, cơ nhỡ; nhà hỗ trợ trẻ tự kỷ, nhà hướng nghiệp - dạy nghề; nhà truyền thống.
Khu Nghĩa trang thai nhi và Nhà bảo ôn có diện tích 10.000m2, là nơi các thai nhi sẽ được nhà chùa làm lễ cầu siêu trước khi nhập mộ.
Vườn cây nghệ sĩ gồm 108 cây tượng trưng cho 108 hạt bồ đề, là nơi 108 văn hào nhân sĩ ghi dấu ấn của mình trong lịch sử của Trung tâm tại chùa Bà Đầu hướng thiện cho thế hệ mai sau. Nhà chùa sẽ dành một đặc khu bao gồm nhà lưu niệm lưu giữ những kỷ vật của các Văn Hòa Nhân Sỹ, những hình ảnh hoạt động của các nhà hảo tâm, khắc bia, tạc tượng chân dung …
Họp báo Khởi công xây dựng trung tâm từ thiện 'Văn hào nhân sỹ' - chùa Bà Đầu
Ban sáng lập của Trung tâm gồm những người tên tuổi như Đại đức Thích Nguyên Bình, NSND Trần Nhượng, NSND Thanh Hoa, nhà báo Đào Xuân Hưng (Tổng Biên tập báo Người Hà Nội)… Ủy viên của Trung tâm có NSƯT Xuân Hinh, MC Thảo Vân, NSƯT Việt Hoàn, ca sĩ Ngọc Khuê, nhạc sĩ - nhà thơ Đoàn Bổng, nhà báo Trần Hoàn…
Ca sĩ Ngọc Khuê chia sẻ, quê của cô ở Hưng Yên và cô rất hoan hỉ khi được đóng góp chút công sức của mình vào một công trình có ý nghĩa trên quê hương mình.
NSND Thanh Hoa
NSND Thanh Hoa tâm sự, bà có duyên được đồng hành với tấm lòng từ bi của Đại đức Thích Nguyên Bình từ khi tham gia chương trình thiện nguyện “Đông ấm tình thương” vào đầu năm 2018. Một trong những công việc tôi thấy tâm đắc nhất từ chương trình từ thiện này là chúng tôi làm thành những nhà trẻ mồ côi cho những trẻ em sơ sinh bị bỏ rơi, để chăm sóc, dạy dỗ, dạy nghề cho các cháu để mai này có thể góp ích cho xã hội; rồi xây dựng nhà bảo ôn, nghĩa trang để các linh hồn bơ vơ, những đứa trẻ sinh ra nhưng không có cơ hội sống sót có nơi để quy tụ, để siêu thoát. Ngoài ra, còn có những việc khác như tạc tượng các nghệ sĩ để con cháu sau này tưởng nhớ đến những người hoạt động nghệ thuật không ngừng nghỉ. Là một trong những nhà sáng lập, chúng tôi mong muốn rất nhiều điều có thể trở thành hiện thực. Nhiều anh chị em nghệ sĩ tham gia như NSUT Trần Nhượng, Xuân Hinh, ca sĩ Thu Hà, Thu HIền, Ngọc Khuê, MC Thảo Vân…ở Hưng Yên như Thu Thảo, Hương Nhàn, ngoài ra còn có các nhà văn, nhà báo, đều muốn đóng góp cùng chung một mục đích để tạo ra một nơi, chứa đầy kỳ vọng và ý nghĩa. Trong nhiều năm hoạt động từ thiện thì đây đối với tôi là chương trình lớn nhất, với rất nhiều ý tưởng nhân văn. Vì vậy, hy vọng tất cả các đại gia, nhà hảo tâm cùng chung tấm lòng muốn làm việc thiện cùng đến với chúng tôi để cùng hoàn thiện ước mơ chung. Ngày 5/5 chúng tôi sẽ khởi công, tại hôm đó, chúng tôi sẽ tổ chức chương trình ca nhạc, mong rằng gửi gắm trong tiếng hát của mình những hy vọng việc làm ý nghĩa này được thực hiện trọn vẹn. Từ những bà mẹ đơn thân, đến những nghệ sĩ đến “Văn hào Nhân sĩ” an hưởng. Và một ngày chúng tôi thức dậy nhìn thấy những cây mình trồng, tưởng nhớ đến những quá khứ, những cống hiến khi xưa. Điều đó thật ý nghĩa biết bao. Tôi rất là vui là những nhà sáng lập. Với riêng tôi, tôi sẽ gắn bó với chương trình từ thiện này cho đến khi tôi còn hát thì thôi”.
Đại Đức Thích Nguyên Bình cùng các văn nghệ sĩ và nhà hảo tâm
NSND Trần Nhượng: Với cá nhân tôi, khi còn là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát triển nghệ thuật và sân khấu Việt Nam, tôi đã có ao ước, lập đề án xây dựng trung tâm dưỡng lão nghệ sĩ, bao gồm chùa nghệ sĩ, nhà dưỡng lão, nhà truyền nghề, thậm chí có những cuộc biểu diễn cho khách du lich. Trước đây đã có đơn vi đầu tư nhưng vì nhiều lý do nên không thành công. Đến khi tôi gặp thầy Bình, cùng lúc thầy đang muốn xây dựng một trung tâm từ thiện. Thầy Bình cũng rất yêu quý các nghệ sĩ, nên tôi có đến bàn với thầy, bàn đi bàn lại, và gần đây nhất chúng tôi quyết định lấy tên Trung tâm từ thiện Văn hào nghệ sĩ, vừa để kêu gọi các văn nghệ sĩ nói riêng và cả xã hội. Tôi cùng các thành viên của CLB Bóng đá nghệ sĩ V-Stars thường tham gia các hoạt động thiện nguyện và rất cảm kích với tấm lòng của Đại đức Thích Nguyên Bình. “Thầy đã cưu mang nhiều cháu nhỏ từ lúc mới sinh, nuôi dạy các cháu khôn lớn nên người”. NSND Trần Nhượng cũng nói thêm, ông luôn ấp ủ khát vọng xây dựng một Trung tâm dưỡng lão cho các văn nghệ sĩ và ngôi chùa nghệ sĩ. Phía Nam đã có chùa nghệ sĩ do NSND Phùng Há sáng lập, nay phía Bắc cũng sẽ xây dựng một nơi để các nghệ sĩ có thể nương tựa khi về già và thỏa nguyện tâm linh là điều khiến tôi rất vui. Có người hỏi có muộn không, tôi nói muộn còn hơn không. Qua chương trình này, chúng tôi hy vọng Trung tâm này sẽ là môi trường cho những nghệ sĩ đến hưởng tuổi già, và thể hiện những tín ngưỡng tâm linh của mình”.
NSND Trần Nhượng
Nhà báo Đào Xuân Hưng (TBT Báo Người Hà Nội): Ở chùa Thiên Hương, thầy Thích Nguyên Bình đã vượt xa việc làm nhận nuôi, đó là tình thương yêu, chăm bẵm, nuôi dưỡng các em từ thuở ấu thơ, lo từng giấc ngủ, việc học hành, môi trường sống lành mạnh, để các con không chỉ phát triển về mặt trí thuệ mà còn hình thành một đời sống tâm linh, một nhân cách, ấp ủ những giấc mơ của trẻ nhỏ, hướng các em tới những tương lai tươi sáng. Giờ đây, thầy tiếp tục ấp ủ dự định xây dựng nhà dưỡng lão cho người già neo đơn, nhà tình thương cho những trẻ mồ côi. Cuộc sống của thầy không chỉ bân rộn với trẻ thơ mà còn rất nhiều những hành trình thiện nguyện. Những chuyến đi nhập thế giúp đời giúp người là cách mà thầy chọn tại ngôi chùa của mình, với đạo lý thương người như thể thương thân của dân tộc.
Nhà văn Nguyễn Hoài Oanh: Đây là một công trình quy mô, và tôi đặc biệt chú ý tới những công trình như nghĩa trang cho thai nhi, nhà bảo ôn. Vì những lý do khác nhau mà các em không được ra đời. Mà từ trước đến nay hoạt động chăm sóc cho những thai nhi này đều không được chu đáo. Giờ Đại đức sáng lập Trung tâm từ thiện này với những việc làm cực kì nhân đạo, tôi rất vinh dự được mời tham gia chương tình này. Thực ra, hôm nay, xin được thay mặt anh em nhà văn, những người sáng tác văn hóa, nghệ thuật, cám ơn Đại đức, những quý vị cùng đồng hành với chương trình. Hy vọng quý vị sẽ là người truyền bá, tuyên truyền mọi người có tâm hướng Phật, cùng đại đức, cùng chúng tôi để công trình được hoàn thiện.
Đại đức Thích Nguyên Bình- Trưởng ban tổ chức phát biểu: “Văn hào Nhân sĩ” là Trung tâm từ thiện lớn bao bọc tất cả người già người trẻ, người giàu người nghèo, người có công. “Văn hào Nhân sĩ” bao gồm tất cả giới văn nghệ sĩ nói chung nhà văn thơ, họa sĩ, đến ca sĩ… Trung tâm từ thiện nhằm bảo trợ, tư vấn cho bà mẹ mang thai ngoài ý muốn, bà mẹ đơn thân được bảo trợ trước khi sinh và sau sinh. Tôi biết nhiều người muốn sinh con một mình nhưng không có nơi nương tưa, nâng đỡ và không sinh được con. Điển hình, có người mẹ sinh con được 19 ngày nhưng không có nơi nương tựa, đành phải nhờ thầy và các phật tử cưu mang. Cô Hạnh đã giúp đỡ 2 mẹ con ở nhà riêng của cô. Ở nhà chùa thì có thể cưu mang trẻ con, nhưng bà bầu thì hơi khó. Sau trường hợp đó thì có khoảng 40 gia đình đến nhà chùa xin nhận con nuôi. Vì vậy, nhà chùa nhận ra cần lập ra một trung tâm nhằm bảo trở - nuôi dương- trẻ em mồ côi, bà bầu đơn thân, bị xã hội ruồng bỏ, chỉ trích. Những người vô sinh thì rất nhiều, nhưng khi muốn nhận con nuôi thì cũng khó, nhưng nhà chùa cũng khó xử lý. Những trường hợp người mẹ neo đơn, có thai ngoài ý muốn nhưng nhà chùa không thể cưu mang được nhưng có thể giúp đỡ. Có trường hợp bà mẹ có con 5 tháng, cũng thường xuyên nhắn tin cho nhà chùa xin được giúp đỡ, chùa giới thiệu đến một chùa khác. Qua nhiều trường hợp như vậy thì thầy thiết nghĩ cần một Trung tâm Từ thiện như vậy để cưu mang, giúp đỡ những số phận neo đơn, bất hạnh. Khu Trung tâm dưỡng lão cho Văn hào Nhân sĩ này không phải người không nơi nương tựa, bệnh tật khó khăn, cho nghệ sĩ, văn sĩ, báo chí, họa sĩ mà tất cả các giới văn nghệ sĩ có quyền được dưỡng lão, chứ không phân biệt ai, hoặc ca sĩ nổi tiếng hay có công nên được vào. Ai cũng được đến, có thể ở dăm bữa, nửa tháng, một năm, vài năm cả đời cũng được. Kết hợp tu Phật, tụng kinh niệm Phật, tu dưỡng nghỉ dưỡng, thuốc thang hoặc các ca sĩ, nghệ sĩ khác tới chăm sóc những nghệ sĩ bệnh tật. Đây là một nơi để phát tâm thiện, cùng cưu mang, để cùng giúp đỡ lẫn nhau, những đứa trẻ, những bà mẹ khó khăn, người già neo đơn, không phân biệt ai với ai.
Đại đức Thích Nguyên Bình nhắn nhủ: “Hạnh phúc là khi ta bằng lòng với những gì mình đang có và sống biết yêu thương, biết chia sẻ, biết cho đi, biết trao tặng, bởi cuộc sống chính là quá trình trao tặng và đón nhận không ngừng”. Vậy chúng ta đừng do dự khi mở rộng lòng mình với mọi người và đừng quên rằng có rất nhiều người đang cần mình…Dẫu biết rằng cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng tấm lòng của mọi người ủng hộ cũng nói lên được Đạo tâm vô lượng của mình. Dù chỉ là một giọt dầu cũng thắp lên ngọn đèn sáng, một viên gạch cũng góp phần tạo được nền móng cho phúc đức của mình và con cháu sau này!".