Đang là mùa hoa keo, hàng nghìn ổ ong được xếp ngay hàng, thẳng lối ở khu rừng trồng keo xã Tiến Thành, Lăng Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Đây cũng là thời điểm lý tưởng để người nuôi ong thả ong đi lấy mật.
Vào Nam ra Bắc cùng ong
Dọc tỉnh lộ 22 từ huyện Yên Thành ra huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) là hàng nghìn ổ ong đặt ở hai bên đường, nơi có bạt ngạt những đồi keo, được những người làm nghề nuôi ong đưa đến từ khắp mọi nơi về đây.
Trại nuôi ong của anh Hồ Xuân Trường (SN 1997) ở tỉnh Kon Tum nằm cạnh đường 22 xã Tiến Thành huyện Yên Thành. Từ phía xa đã ngửi thấy thoang thoảng mùi thơm dịu ngọt của vị mật của những chú ong chăm chỉ đang ngày đêm đi lấy mật.
Anh Hùng cùng bố và cậu ruột thuê xe ra khu vực đồi núi xã Tiến Thành để lấy mật keo cách đây vài tháng. Ở quê, gia đình anh trồng cà phê, điều là chính, tuy nhiên nghề nuôi ong cũng gắn bó với gia đình ngót nghét vài chục năm nay.
Trại ong anh Trường hiện tại có 300 ổ, còn trại bố anh và cậu có 600 ổ đặt khu vực xã Lăng Thành. Các ổ ong được xếp ngay ngắn hàng đi lối lại trong rừng keo. Cạnh đó là túp lều đơn sơ được dựng lên làm chỗ sinh hoạt của chủ ong.
Gắn bó với nghề nuôi ong được khoảng 7-8 năm nay, anh Trường cũng không nhớ mình đã xa gia đình bao nhiêu lần nữa. Khoảng 4 năm trước, anh cùng cậu đã rong ruổi ra khu vực trồng keo xã Tiến Thành để ong đi lấy mật, thấy hiệu quả kinh tế và cũng đã “quen” với địa bàn nên anh vẫn tiếp tục chọn gắn bó cùng ong ở mảnh đất này.
Anh Trường cho biết: “Nghề nuôi ong gần như di chuyển khắp nơi từ Bắc tới Nam. Hễ vùng nào có mùa hoa thì người nuôi ong lại tìm về đó để ong lấy mật, tuy nhiên không phải nơi nào người dân cũng cho để trại ong. Có nơi an ninh trật tự không tốt, nên việc mất cắp vặt cũng thường xuyên xảy ra”.
Nghề nuôi ong nghe qua thì có thể thấy công việc của những chủ ong có vẻ đơn giản, nhưng thực chất không phải ai cũng nuôi được. Theo anh Trường, nghề nuôi ong không giống bất cứ nghề nào khác, đòi hỏi người nuôi phải hiểu được tập tính của chúng. Phải biết được chúng thiếu những gì, chúng khỏe hay yếu..., làm sao để có thể tăng số lượng đàn nếu không ong sẽ ốm chết lụi dần.
Anh Trần Văn Thịnh (SN 1983) trú huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang cùng một số anh em “đồng nghiệp” cũng chọn mảnh đất Động Cầu xã Lăng Thành để dừng chân đặt 600 ổ ong.
Gắn bó với nghề được khoảng 10 năm nay, anh Thịnh đọc vanh vách những nơi mà mình đã từng đi qua từ tỉnh Bắc Giang- Nghệ An – Đắc Nông – Bình Phước…Cứ vậy, thời gian xa nhà gần như phần lớn. Mọi việc mùa màng, chăn nuôi rồi con cái ở quê đều nhờ ông bà và vợ lo hết.
Đây cũng không phải lần đầu anh tới xã Lăng Thành huyện Yên Thành. Một phần vì đã “thông thuộc” địa bàn, phần nữa vì người dân nơi đây gần gũi, “mến khách” nên anh cảm mến mà quay lại. Năm nay anh và một số anh em vào đặt trại ong từ tháng 4 để lấy mật cây keo.
So với mọi năm, mật năm nay rẻ hơn, hiện có giá 10 ngàn đồng/kg, tầm 10 -15 ngày có khi 20 ngày lấy mật một lần, lượng mật cũng không nhiều và chất lượng như những năm trước, tuy nhiên anh em nuôi ong vẫn có phần dư. Theo kế hoạch anh Thịnh sẽ ở lại đây tầm 6-7 tháng, sau đó tiếp tục di chuyển vào Bình Phước để lấy mật hoa điều.
“Cứ tháng 3 tôi ở quê đón vụ hoa vải, sau đó sang đón hoa nhãn tại tỉnh Hưng Yên, từ tháng 4,5 vào Nghệ An đón hoa keo rừng ở đến khoảng tháng 12 là tôi phải di chuyển đàn ong vào tỉnh Bình Phước đón hoa điều.
Việc di chuyển ong phải làm trong đêm, vì thời gian này là đàn ong về tổ ngủ, không bị phân tán đàn và bị chết do thay đổi khí hậu đột ngột. Mỗi lần di chuyển thuê xe cộ cũng tốn kém từ 10 -20 triệu đồng tùy khoảng cách xa gần”.
Dưới túp lều nhỏ, là nơi che mưa, che nắng và là nơi thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày, vừa uống nước anh vừa vui vẻ nói thêm về nghề nuôi ong của mình.
Anh cho biết: “Mỗi vùng miền đều có loài hoa đặc trưng riêng, nên mật có vị riêng, như miền Bắc có hoa vải, hoa nhãn, miền Nam có hoa điều, cà phê, miền Trung có keo rừng. Chỉ mong sao mật “được mùa được giá”, là người nuôi ong phấn khởi, gom góp thêm chút tiền trang trải chi tiêu cho gia đình và lo cho con cái ăn học”.
Canh bạc giữa trời
Để kiếm được những đồng tiền từ nghề nuôi ong, người nuôi ong cũng không ít lần nếm những trái đắng và trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Nhiều người ăn nên làm ra từ cái nghề này và cũng không ít người phá sản, nợ lần chồng chất.
Anh Thịnh chia sẻ: “Lúc đầu mới nuôi không có kinh nghiệm ong hay bị bệnh và bay đi mất, nhiều lúc nản muốn bỏ nghề. Nhưng do cái duyện nợ, cứ thôi thúc với tôi đến với nghề”.
Theo anh Thịnh, nghề đưa ong đi tìm hoa không chỉ vì cuộc sống, mà còn có cả niềm đam mê: “Nếu không có đam mê thì anh không thể quanh năm bỏ vợ, bỏ con theo những đàn ong sống trong những cánh rừng được”.
Khi hỏi anh làm thế nào lúc lấy mật ong để không đốt, anh cười chia sẻ: “Làm cái nghề gì thì lâu cũng quen thôi, ngày mới làm bị ong đốt suốt sau quen dần vẫn bị ong đốt nhưng bị nhiều cũng thành “quen”.
Nói về nghề của mình anh chỉ cười: “Làm cái nghề này vất vả lắm, hết ra Bắc rồi lại vào Nam, cứ đâu có hoa là đến nên cứ đi quanh năm nhà có việc gì cũng không bỏ về được.
Sinh hoạt hàng ngày như người rừng vậy, suốt ngày chỉ lúi húi trong rừng vói mấy đàn ong kể cũng cực lắm. Cái nghề này như đánh bạc vậy, nếu ong không bị bệnh và thời tiết tốt, hoa nhiều thì còn kiếm được, còn gặp xui xẻo thì trắng tay”.
Hầu hết những người sống bằng nghề đưa ong đi đánh mật mà chúng tôi gặp ở đây đều bảo, “nghề này như một canh bạc khó lường”.
Bên cạnh những thuận lợi và may mắn mà ai cũng mong muốn, thì rất nhiều chủ ong có đàn ong còn bị trúng thuốc bảo vệ thực vật, bị chết do bệnh lí, hay không biết cách chăm sóc…
Mỗi chủ bị ong chết thiệt hại đến hàng trăm triệu đồng, nuôi quy mô lớn thì thiệt hại tiền tỷ. Nhiều chủ "chết" theo đàn ong vì bị đẩy vào cảnh sạt nghiệp và nợ nần. Nhiều người từ ông chủ trở thành kẻ làm thuê không nhà.