Báo cáo tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh Nghệ An vào chiều 27/11, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) năm 2024 trên địa bàn tỉnh ước đạt khoảng 8,5-9,0%; thu ngân sách ước thực hiện được 23.751 tỷ đồng, đạt 149,3% dự toán giao.
Tại phiên họp, UBND tỉnh Nghệ An đã nghe, tập trung thảo luận, đánh giá về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Báo cáo nêu rõ, tỉnh Nghệ An thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức. Song, bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.
Nhờ đó, kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá và cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 ước đạt 8,5-9,0%, cao hơn bình quân giai đoạn 2021-2023 (7,45%).
Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,25%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 14,5% (riêng công nghiệp tăng 16,5%); khu vực dịch vụ ước tăng 7,3%.
Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả rất tích cực. Năm 2024 ước thực hiện 23.751 tỷ đồng, đạt 149,3% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 110,4% so với thực hiện năm 2023, và là năm thứ 3 liên tiếp vượt trên 20.000 tỷ đồng.
Sản xuất công nghiệp được phục hồi mạnh mẽ, là động lực tăng trưởng chính. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 11,5% so với 2023. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 3,207 tỷ USD, tăng 31,2%, vượt 16,6% so với kế hoạch. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.226 triệu USD, tăng 56,22%, vượt 48,4% so với kế hoạch.
Về đầu tư công, tính đến ngày 20/11/2024, Nghệ An đã giải ngân tổng cộng 6.879,535 tỷ đồng, đạt 69,31%, cao hơn bình quân cả nước (ước đạt 57%). Trong đó, nguồn đầu tư công tập trung đã giải ngân được 3.125,766 tỷ đồng, đạt 57,06%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (55,78%). Nghệ An phấn đấu đến hết năm 2024, tỷ lệ giải ngân sẽ đạt trên 95% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, nhờ nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, kết quả thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng của tỉnh. Đến nay, Nghệ An đã cấp mới 77 dự án, điều chỉnh 157 lượt dự án với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh 44.789 tỷ đồng.
Nghệ An đã thu hút được 13 dự án FDI, điều chỉnh 12 lượt dự án FDI, tổng vốn đăng ký đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng thêm gần 980 triệu USD. Dự kiến năm 2024, tỉnh thu hút được 1,696 tỷ USD vốn FDI.
Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ước thực hiện năm 2024, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 47.705 người, đạt 101,5% kế hoạch. Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở tiếp tục được chỉ đạo triển khai hiệu quả. Tính đến ngày 20/10/2024, đã hoàn thành được 10.260 nhà, đạt 65% nhu cầu cả giai đoạn 2023-2025.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định, năm 2024, tỉnh Nghệ An thuộc tốp đầu cả nước về số học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế; chất lượng giáo dục toàn diện có tiến bộ vượt bậc. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Nghệ An xếp thứ 12 toàn quốc, tăng 10 bậc so với năm 2023.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Tính đến ngày 21/11/2024, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận 01 xã đạt chuẩn NTM, 08 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định công nhận 02 huyện gồm Diễn Châu và Hưng Nguyên đạt chuẩn NTM năm 2023.
Dự kiến đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 327/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 127 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 11 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới.
Đặc biệt, Nghệ An được Quốc hội thông qua Nghị quyết 137 về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1243 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh.
Có thế thấy, trong năm 2024, Nghệ An đã có những chuyển động đáng ghi nhận, nhất là với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh. Tuy nhiên, xét ở từng ngành, lĩnh vực, đâu đó vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đáng chú ý, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Một số sản phẩm công nghiệp dự ước giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ, chưa đạt kế hoạch giao.
Tiến độ giải ngân đầu tư công của một số chủ đầu tư, nguồn vốn còn chậm. Công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng được các địa phương quyết liệt triển khai, nhưng gặp nhiều khó khăn. Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng yêu cầu…