Sau sự việc 20 em học sinh xuất hiện các triệu chứng nghi mắc bệnh viêm cầu thận cấp, trong đó 2 anh em ruột tử vong, Sở Y tế Nghệ An đã tiến hành khám sàng lọc cho gần 200 học sinh.
Theo đó, ngày 22/2 các y, bác sĩ đã tiến hành khám lâm sàng, làm các thủ tục xét nghiệm máu, lấy nước tiểu của học sinh; sau khi có kết quả, các y, bác sĩ sẽ tư vấn cho phụ huynh về cách phòng và chữa bệnh.
Ngoài việc chỉ đạo khám sàng lọc cho các em học sinh cấp 1 và cấp 2 xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong, Nghệ An) xác định số trẻ có nguy cơ mắc bệnh suy thận, Sở Y tế Nghệ An còn báo cáo và đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh để có hướng điều trị thích hợp.
Hàng chục học sinh bị nghi nhiễm viêm cầu thận cấp trong một xã.
Theo báo cáo của Sở Y tế Nghệ An, từ tháng 11/2016 đến nay, tại xã Hạnh Dịch đã có 20 học sinh xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm cầu thận cấp (17 học sinh THCS và 3 HS tiểu học), trong đó có 2 HS đã tử vong do suy thận nặng. 11 em được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Quế Phong. Ngày 21/2, có 8 em ra viện, 3 em chuyển lên tuyến trên thì có 2 em đã tử vong.
Liên quan đến sự việc, Sở Y tế Nghệ An thành lập đoàn công tác gồm các bác sĩ của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm y tế và Bệnh viện đa khoa huyện Quế Phong về xã Hạnh Dịch để lấy mẫu xét nghiệm.
Thông tin từ Sở Y tế Nghệ An, nguyên nhân ban đầu chưa được xác định do phải chờ kết quả xét nghiệm mẫu nước ăn uống sinh hoạt, nhưng Hội đồng chuyên môn nghĩ nhiều đến viêm cầu thận cấp do liên cầu khuẩn.
Cô giáo Lang Thị Tuyển - Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Hạnh Dịch cho hay: "Các năm trước không có hiện tượng này, riêng năm nay mới xảy ra hiện tượng trên, số đông là học sinh trung học cơ sở, không chỉ học sinh ở ký túc, học sinh tiểu học mà xảy ra rải rác ở tất cả các bản. Sau khi có hiện tượng trên, công tác vệ sinh được triển khai và quán triệt tốt. Vệ sinh thân thể cũng như phòng ở, ăn, uống được chú trọng, học sinh phải ăn chín uống sôi, thức ăn có nguồn gốc rõ ràng".
Bác sĩ Nguyễn Chí Sĩ - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp kiêm Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: "Chúng tôi cần có thời gian để điều tra thêm về tình hình sử dụng thực phẩm, thói quen ăn uống, điều trị thuốc nam, phác đồ điều trị bệnh nhân viêm cầu thận cấp của người dân xã Hạnh Dịch".
"Để phòng bệnh, trước mắt cần tuyên truyền cho người dân, học sinh, các em nhỏ vệ sinh thân thể, răng miệng, vệ sinh môi trường sạch sẽ, ăn chín uống sôi, tránh thức ăn lạ dẫn đến ngộ độc. Khi phát hiện các biểu hiện viêm họng, viêm da hay các bệnh ngoài da, cần đến các cơ sở y tế để khám. Trường hợp các bé đã bị bệnh viêm cầu thận cấp sau đợt điều trị ổn định, cần tiếp tục theo dõi từ 6 đến 9 tháng, có thể uống thuốc phòng từng cấp 1, 2 hoặc 3 theo thể trạng của trẻ, đồng thời khám định kỳ", bác sĩ Nguyễn Chí Sĩ khuyến cáo.