Ngày Tết có những phong tục gì?

Hà Thu| 14/02/2018 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dù hiện đại hay truyền thống, dù ở nông thôn hay thành thị, ai nấy cũng tuân thủ những phong tục cơ bản của cha ông để lại.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, cứ mỗi khi Tết đến xuân về, mọi nhà đều giữ những phong tục cổ truyền. Chẳng hạn như xem ngày khai bút, hái lộc cầu may, đi chúc Tết ông bà, họ hàng; mừng thọ ông bà…Và nhất nhất trong nhà đều phải có hoa, có bánh chưng, có chai rượu mừng…

Tống cựu nghinh tân

Cuối năm, các gia đình đều dành phần lớn thời gian để dọn dẹp từ trong nhà ra ngoài ngõ. Mọi người cùng nhau dọn dẹp, lau chùi nhà thờ,  quét dọn đường làng ngõ xóm, tắm giặt, mua sắm quần áo mới và mọi thứ thức ăn, vận dụng trong ngày tết...Đặc biệt, nhà nào cũng có ít bánh chưng vừa để lên ban thờ, vừa để bày lên mam cỗ ngày Tết.

Ngày Tết có những phong tục gì?

Nhiều gia đình nhắc nhở, dặn dò con cháu từ phút giao thừa trở đi, không cãi cọ nhau, không vứt rác bừa bãi, không nghịch ngợm, trách phạt nhau.... Đối với hàng xóm láng giềng, trong năm cũ có điều gì không hay không phải đều xuý xoá hết, tất cả mọi người dù lạ dù quen, sau phút giao thừa đều niềm nở, vui vẻ và chúc nhau những điều tốt lành.

Hái lộc, xông nhà, chúc tết, mừng tuổi

Ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khoẻ tiến bộ, thành đặt hơn năm cũ. Lộc tự nhiên đến càng sớm càng tốt, nhưng nhiều nhà chủ tự đi hai lộc (chỉ là một cành non ở đình chùa, ở chốn nghiêm trang về nhà), tự mình xông nhà hoặc dặn trước người “nhẹ vía” mà mình thích đến xông nhà.

Vào sáng mồng một đầu năm, người Việt có tục không ai dám đi đến nhà khác sớm, sợ trong năm mới gia đình người ta xảy ra chuyện gì không hay lại đổ tại mình “nặng vía”, vì tục xông nhà chỉ tính người đầu tiên đến nhà, từ người thứ hai trở đi không tính.

Sau giao thừa có tục mừng tuổi chúc tết. Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ cũng chuẩn bị một ít tiền để mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm làng giềng, bạn bè thân thích, đồng thời chúc nhau những lời chúc tốt đẹp. Người nào thích điều gì thì chúc điều đó, chúc sức khoẻ là phổ biến nhất, luôn hướng tới sự tốt lành và kiêng nói tới những điều rủi ro hoặc xấu xa.
Quanh năm làm ăn vất vả, ít có điều kiện qua lại hỏi thăm nhau, ngày lễ tết đến họ chúc mừng nhau, thêm gắn bó tình cảm. Nhiều nhà, hễ đến chúc tết nhau nhất thiết phải nâng ly rượu, nếm vài món thức ăn gì đó chủ mới vui lòng, năm mới từ chối sợ bị “ giông” cả năm.

Quà tết, lễ tết

Việc biếu quà tết có ý nghĩa tỏ ân nghĩa tình cảm, con rể tết bố mẹ vợ, học trò tết thầy giáo, bệnh nhân tết thầy thuốc... Quà biếu, quà tết đó không đánh giá theo giá trị thị trường, nhưng cũng đừng nên gò bó, câu nệ sẽ hạn chế tình cảm: không có quà ngại không dám đến.

Lễ mừng thọ

Ở các nước Tây Âu thường mừng thọ vào dịp kỷ niệm ngày sinh, ở nước ta ngày xưa ít ai nhớ chính xác ngày sinh tháng đẻ nên vào dịp đầu xuân thường tổ chức mừng thọ lục tuần, thất tuần, bát tuần, cửu tuần.... tính theo tuổi mụ. Ngày tết, ngày xuân cũng là dịp mọi người đang rảnh rỗi, con cháu tụ tập đông vui.

Cũng vào dịp đầu xuân, người có chức tước khai ấn, học trò sẽ khai bút, nhà nông khai canh, thợ thủ công khai công, người buôn bán mở cửa hàng lấy ngày. Sau ngày mồng Một, tất cả “ Tứ dân bách nghệ” đều chọn ngày “khai nghề”, nếu mồng Một là ngày tốt thì chiều mồng một đã bắt đầu, riêng khai bút thì giao thừa xong chọn giờ hoàng đạo thì bắt đầu.

Kiêng không hốt rác đổ đi trong ba ngày Tết

Tục này nguyên từ bên Tàu, trong “ Sưu thần kỳ” có chuyện người lái buôn tên là Ân Minh được thuỷ thần cho một con hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì giàu lên. Một hôm nhân ngày mồng Một tết, Ân Minh đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà Ân Minh lại nghèo đi. Kể từ đó kiêng không hót rác ngày tết, ta bắt chước và đến nay vẫn nhiều người theo tục này.

Cúng giao thừa ngoài trời

Ngày Tết có những phong tục gì?

Dân tộc nào cũng coi phút giao thừa là thiêng liêng. Các cụ ta quan niệm: Mỗi năm Thiên Đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom thiên hạ dưới hạ giới, đứng đầu là một ngài có vị trí như quan toàn quyền. Và các cụ hình dung phút giao thừa là lúc bàn giao các quan quân quản hạ giới hết hạn kéo về trời và quan quân mới được cử thì ào ạt kéo xuống hạ giới tiếp quản thiên hạ.

Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả... ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới để mong các quan phù hộ cho một năm mới mọi sự tốt lành.

Các trò chơi

Ngày xưa các gia đình có nề nếp quanh năm cấm đoán con cháu không được cờ bạc rượu chè nhưng trong dịp tết, nhất là tối 28, 29; gia đình quây quần bên nồi bánh chưng thì ông bố cho phép vui chơi, có cả trẻ con người lớn những nhà hàng xóm, những gia đình thân cận cùng vui. Tam cúc, cơ gánh, cờ nhảy, cờ tướng, kiệu, chắn, tổ tôm... ai thích trò nào chơi trò ấy. Đế lế khai hạ, tiễn đưa gia tiên, coi như hết Tết  thì xé bộ tam cúc, thu bàn cờ tướng, cất bộ tổ tôm hoặc đốt luôn khi hoá vàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày Tết có những phong tục gì?