Hôm nay (15/3) là Ngày Quyền của Người tiêu dùng và theo báo cáo của Nielsen Việt Nam, với một chỉ số niềm tin cao, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 toàn cầu về mức độ lạc quan.
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2017 với chủ đề “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”
Theo báo cáo Chỉ số niềm tin tiêu dùng mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, niềm tin của người tiêu dùng đã giúp Việt Nam kết thúc năm 2016 với một chỉ số niềm tin cao nhất trong năm, theo đó Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ năm toàn cầu về mức độ lạc quan.
Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam, những yếu tố như dân số đông, trình độ dân trí ngày càng được cải thiện và tăng cũng như sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu và triển vọng kinh tế ổn định của chính phủ sẽ tiếp tục là những động lực chính để giúp Việt Nam trở thành một quốc gia lạc quan hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.
Khảo sát của Nielsen cho thấy cùng với xu hướng tiết kiệm, người tiêu dùng tại Việt Nam tiếp tục sẵn lòng chi tiêu vào các khoản mục lớn. Sau khi chi trả cho các phí sinh hoạt thiết yếu, khoảng hai trong năm người tiêu dùng Việt sẵn sàng để chi cho du lịch (35%), mua sắm quần áo mới (33%), các sản phẩm công nghệ mới (30%) , sửa chữa nhà cửa (27%) và các dịch vụ giải trí bên ngoài (26%).
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2017 với chủ đề “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng” đã chính thức được phát động. Theo Bộ Công Thương, việc lựa chọn chủ đề này không chỉ khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; là lời kêu gọi các doanh nghiệp thực thi đúng, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn là cam kết từ phía các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiến tạo một môi trường kinh doanh có sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, lấy người tiêu dùng làm thước đo cho sự phát triển của thị trường.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội thông qua ngày 17-11-2010. Với việc ra đời của bộ luật này, lần đầu tiên quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ bằng pháp luật, thể hiện cụ thể qua Điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, là quyền được “đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp…”.
Người tiêu dùng Việt cũng đang dần có ý thức hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh, trong năm 2016, qua 4 phương hỗ trợ, tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng như tổng đài điện thoại; E.mail; trang web và đường văn thư thì tổng đài 1800.6838 đã ghi nhận có 6.701 cuộc gọi đến, trong đó các tổng đài viên của Cục Quản lý cạnh tranh đã tiếp nhận và trả lời 4053 cuộc gọi, chiếm tỷ lệ 60,48. Trong số 4053 cuộc gọi được tiếp nhận, có 1193 cuộc gọi liên quan đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Cũng theo Cục Quản lý cạnh tranh, trong năm 2016, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 2 thành phố có nhiều phản ánh, khiếu nại nhất về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng (tương ứng 371 và 326 vụ việc). Hai thành phố này chiếm tỉ lệ phản ánh nhiều hơn hẳn so với các tỉnh, thành xếp sau đó như Bình Dương, Thanh Hóa, Đồng Nai, Nghệ An, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia, nếu so sánh với các vụ việc xâm hại quyền lợi người tiêu dùng diễn ra trên thực tế thì số vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng gửi đến các cơ quan chức năng là quá nhỏ. Do đó, tại Lễ phát động Ngày quyền của người tiêu dùng 2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với mục tiêu xây dựng một xã hội phồn vinh, văn minh, một môi trường kinh doanh – tiêu dùng lành mạnh và bền vững.