Ngày Khí tượng thế giới 23/3: Thông điệp của GS. Petteri Taalas - Tổng thư kí WMO

T.T| 23/03/2021 07:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhân ngày Khí tượng thế giới 23/3, xin gửi tới độc giả thông điệp của GS. Petteri Taalas - Tổng thư kí Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) với chủ đề “Đại dương, thời tiết và khí hậu của chúng ta”.

Thông điệp của GS. Petteri Taalas - Tổng thư kí Tổ chức Khí tượng thế giới

Xin gửi các quý vị Lời chào nồng nhiệt của tôi từ Tổ chức Khí tượng thế giới, Geneva.

Hôm nay, chúng ta đang kỷ niệm Ngày Khí tượng Thế giới năm 2021. Đây là dịp chúng ta kỷ niệm ngày mà những thống nhất căn bản mà các quốc gia thành viên WMO đã ký kết từ 71 năm trước. Thực ra, WMO là một tổ chức có tuổi đời lâu hơn thế. Trước đó, WMO đã được thành lập vào năm 1873 với tên gọi Tổ chức Khí tượng Quốc tế (IMO), và chúng tôi là Tổ chức Liên hợp quốc lâu đời thứ hai. Năm nay, chủ đề của Ngày Khí tượng Thế giới là “Đại dương, thời tiết và khí hậu của chúng ta”. Nó nhấn mạnh việc kết nối đại dương, khí hậu và thời tiết trong Hệ thống trái đất.

Cộng đồng WMO có vai trò chính trong việc hỗ trợ nghiên cứu, quan sát, dự báo và lấp đầy các khoảng trống về dữ liệu đối với đại dương. Biến đổi khí hậu đang làm đại dương ấm lên, có ảnh hưởng đến thời tiết của chúng ta. Năm 2020 là một trong 3 năm nóng nhất lịch sử, mặc dù La Nina đang hoạt động khiến khu vực Thái Bình Dương trở nên mát mẻ hơn. Thập kỷ 2011-2020 cũng được ghi nhận là thập kỷ nóng nhất kể từ những năm 1950.

Nhiệt độ đại dương đang ở mức kỷ lục, quá trình đại dương bị acid hóa đang tiếp diễn. Băng trên biển vẫn đang tan. Tốc độ gia tăng mực nước biển vẫn tiếp tục tăng đáng kể. Thể tích băng tối thiểu trên khu vực Bắc Cực năm 2020 được ghi nhận nằm trong các năm có mức thấp nhất. Các cộng đồng ở vùng cực đã phải hứng chịu lũ lụt bất thường ở ven biển cũng như các hiểm họa trên biển do băng tan.

Nhiệt độ đại dương ấm lên đã thúc đẩy một mùa bão kỷ lục ở Đại Tây Dương và các cơn lốc xoáy nhiệt đới dữ dội bất thường ở Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương. Trên thực tế, ở Đại Tây Dương, các kỷ lục mới về số lượng cơn bão đang được thiết lập.

Với hơn 40% dân số toàn cầu sống cách bờ biển chỉ 100km, chúng ta có thể thấy rõ nhu cầu cấp thiết phải bảo vệ cộng đồng dân cư được an toàn trước tác động của các thiên tai ven biển thông qua việc tiếp tục cải tiến Hệ thống Cảnh báo sớm Đa thiên tai.

Gần 90% hoạt động thương mại trên thế giới được thực hiện qua vận tải hàng hải quốc tế và phải đối mặt với những điều kiện thời tiết hàng hải khắc nghiệt. WMO hợp tác với Tổ chức Hàng hải Quốc tế và Tổ chức Thủy văn Quốc tế để cung cấp thông tin, dự báo và cảnh báo đã được chuẩn hóa, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản trên biển.

WMO hợp tác rất chặt chẽ với Ủy ban Hải dương học Liên Chính phủ của UNESCO để quan trắc và nghiên cứu đại dương. WMO tự hào khi đóng góp vào Thập kỷ Khoa học Đại dương của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững (2021-2030). WMO cam kết thực hiện các mục tiêu của Thập kỷ: “Đại dương an toàn”, “đại dương thấu hiểu” và “đại dương tường minh”.

Để hiểu thời tiết và khí hậu của chúng ta, chúng ta phải hiểu được đại dương bao la. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng theo đuổi mục tiêu này, nhằm bảo vệ những cộng đồng dễ bị tổn thương và hỗ trợ Khung Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai, hướng tới Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs), Thỏa thuận Biến đổi Khí hậu Paris và Con đường SAMOA.

WMO đang tiên phong trong việc phát triển các sáng kiến quan trọng mang tính toàn cầu trong những năm tới để hướng đến những vấn đề mà các thành viên đang ưu tiên như:

1. Tầm quan trọng của việc tăng cường mạng lưới quan trắc toàn cầu và thiết lập một sáng kiến hỗ trợ tài chính đổi mới SOFF (Systematic Observations Financing Facility) để đảm bảo hoạt động quan trắc thời tiết và khí hậu được thực hiện một cách có hệ thống, đặc biệt là đối với các nước kém phát triển và các quốc đảo nhỏ.

2. Thứ hai, chúng tôi đang tạo ra sự kết nối giữa nguồn nước và khí hậu, thúc đẩy thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 6, liên quan đến nguồn nước.

3. Cuối cùng, chúng tôi đảm bảo tăng cường dịch vụ và hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai cho tất cả các Quốc gia Thành viên của chúng tôi. Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm các nguồn lực bên ngoài để hỗ trợ cho những mục đích này, và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các thành viên với tất cả nguồn lực mà chúng tôi có.

Tôi xin chúc tất cả các bạn một ngày Lễ kỷ niệm Ngày Khí tượng Thế giới thành công tốt đẹp, bất chấp những vấn đề bất thường mà chúng ta đang gặp phải trên toàn thế giới. Xin cảm ơn các bạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày Khí tượng thế giới 23/3: Thông điệp của GS. Petteri Taalas - Tổng thư kí WMO