Ngành Ngân hàng: 5 năm thử thách và thành công

Lan Phương| 26/12/2015 09:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 25/12, NHNN Việt Nam đã long trọng tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2016. Đồng chí Vũ Văn Ninh, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Ngành Ngân hàng: 5 năm thử thách và thành công

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Hội nghị năm nay có nhiều ý nghĩa, bởi 2015 là năm cuối cùng của giai đoạn kế hoạch 5 năm (2011 - 2015). Chúng ta tổng kết 5 năm nhưng cũng là nhìn lại cả chặng đường giai đoạn vừa qua. 2016 cũng là năm đầu tiên của giai đoạn 5 năm sắp tới, và nhiệm vụ của năm 2016 cũng là nhiệm vụ của 5 năm tiếp theo. Qua những kết quả tổng kết, những vấn đề mục tiêu hoạch định từ đầu nhiệm kỳ đều được NHNN kiên trì triển khai một cách bài bản, với lộ trình phù hợp đến nay đều đạt được. Những lời hứa với Đảng, Nhà nước, Quốc hội đều được triển khai tích cực và đạt kết quả tốt”.

Ngành Ngân hàng: 5 năm thử thách và thành công

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phát biểu khai mạc

Theo báo cáo tổng kết của NHNN, giai đoạn 2011-2015, ngành Ngân hàng đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng. Để có được những kết quả trên, trong suốt 5 năm qua, ngành Ngân hàng đã phải nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.

Đổi mới, đột phá

Năm 2011, kinh tế Việt Nam và hệ thống ngân hàng đứng trước vô vàn gian nan, thử thách do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu và những bất cập nội tại nền kinh tế. Lạm phát tăng cao lên 18,13%, gây khó khăn cho đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo áp lực đối với việc thực hiện các mục tiêu ổn định vĩ mô; lãi suất cho vay lên tới 20-25%/năm, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) vượt trần lãi suất huy động (14%/năm) gây xáo trộn trên thị trường tiền tệ; khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Quy mô của nhiều ngân hàng còn nhỏ, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng cao từ 23-50%/năm, dẫn đến rủi ro tín dụng lớn. Một lượng lớn tín dụng chảy vào bất động sản và chứng khoán. Thanh khoản của hệ thống TCTD thiếu hụt nghiêm trọng, lãi suất liên ngân hàng tăng cao, có thời điểm lên đến trên 30%/năm, tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ hệ thống, các tỷ lệ an toàn vốn của từng ngân hàng và toàn hệ thống sụt giảm.... Tỷ giá và thị trường vàng, ngoại hối thường xuyên biến động tăng cao, ảnh hưởng đến tâm lý của doanh nghiệp, nhà đầu tư; tình trạng “vàng hóa”, “đô la hóa” cao, tâm lý găm giữ ngoại tệ phổ biến, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, dự trữ ngoại hối Nhà nước sụt giảm mạnh, kỳ vọng mất giá của VND ngày càng lớn.

Bên cạnh đó, nợ xấu tăng cao. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu toàn hệ thống vào tháng 9/2012 lên tới 17,2%. Nhiều TCTD vi phạm nghiêm trọng các quy định về tiền tệ, ngân hàng. Kỷ luật, kỷ cương và lòng tin thị trường giảm sút.

Bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, phát huy sự chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm toàn Ngành, tăng cường sự gắn kết với các Bộ, ngành và địa phương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Mục tiêu xuyên suốt là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD.

Nhằm giảm nhanh và mạnh mặt bằng lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định thị trường tiền tệ, từ tháng 9/2011, NHNN chủ động công bố mục tiêu giảm lãi suất cho vay xuống còn 17-19% vào cuối năm 2011; năm 2012 giảm mặt bằng lãi suất huy động còn 9-10%; năm 2013-2014, tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất; năm 2015 duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đầu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm 1-1,5%.

NHNN cũng chủ động điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành một cách phù hợp; kết hợp biện pháp quản lý lãi suất huy động và cho vay; phối hợp đồng bộ chính sách lãi suất, tỷ giá và các công cụ chính sách tiền tệ.  Đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh từ mức 20-25%/năm xuống còn 6-9%/năm, bằng khoảng 40% lãi suất cuối năm 2011 và thấp hơn giai đoạn 2005-2006 là thời kỳ kinh tế phát triển ổn định, hỗ trợ tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Đường cong lãi suất đã hình thành rõ nét với kỳ hạn ngắn có lãi suất thấp, kỳ hạn dài có lãi suất cao, tạo điều kiện cho việc phân bổ vón hiệu quả trong nền kinh tế. Kỷ cương thị trường được thiếp lập và củng cố, không còn tình trạng vượt trần lãi suất hoặc sử dụng lãi suất để cạnh tranh không lành mạnh giữa các TCTD.

Từ 2011-2014, tín dụng tăng bình quân khoảng 12,6%/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức 33,3%/năm của giai đoạn 2006-2010, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt bình quân khoảng 5,7%/năm không thấp hơn nhiều so với mức bình quân 7% của giai đoạn 2006-2010 đã cho thấy chất lượng và hiệu quả tín dụng đã được nâng cao đáng kể. Cơ cấu tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực cho tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực của nền kinh tế được triển khai như gói cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ, cho vay theo Nghị định 67, Chương trình liên kết 4 nhà, cho vay mua tạm trữ lúa gạo,... Nhiều cơ chế, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, trong đó có Chương trình kết nối Ngân hàng – doanh nghiệp được triển khai trên cả 63 tỉnh thành trong cả nước, với trên 440 hội nghị đối thoại được tổ chức.

Các chương trình tín dụng chính sách được triển khai tích cực, hiệu quả, góp phần quan trọng giúp Việt Nam hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo của Liên hợp quốc.

Những nỗ lực trên của ngành Ngân hàng đã được Quốc hội ghi nhận, đánh giá là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo…

Ổn định thị trường tiền tệ

Từ tháng 8/2011, NHNN thường xuyên chủ động đưa ra các cam kết duy trì ổn định tỷ giá trong từng năm để định hướng thị trường, kiểm soát kỳ vọng, giúp doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Từ cuối 2011 đến nay, thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định, thị trường ngoại tệ tự do bị thu hẹp. Thanh khoản thị trường tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng kịp thời, đầy đủ. Vị thế và lòng tin vào VND ngày càng được củng cố, tình trạng “đô la hóa” đã giảm mạnh, NHNN mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước lên mức kỷ lục.

Tháng 8/2015, trước những biến động bất thường do Trung Quốc điều chỉnh giảm giá đồng Nhân dân tệ và khả năng FED tăng lãi suất, NHNN đã chủ động điều chỉnh tăng tỷ giá tổng cộng 5%, giúp tỷ giá có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế, đảm bảo lợi ích tổng thể của nền kinh tế. Các động thái điều chỉnh tỷ giá đã được Chính phủ, và các tổ chức quốc tế ủng hộ, đánh giá cao.

Nhằm chấn chỉnh thị trường vàng, một khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường này được thiết lập: Nghị định 95 ngày 20/10/2011 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ và vàng; Nghị định 24 ngày 03/04/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng... Với các biện pháp quyết liệt triển khai từ cuối năm 2011 đến nay, công tác quản lý thị trường vàng đã cơ bản đạt được mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.

Điểm sáng về tái cơ cấu và xử lý nợ xấu

NHNN đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan và chỉ đạo toàn ngành Ngân hàng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thực hiện Đề án 254 cơ cấu lại hệ thống các TCTD. Từ cuối năm 2011 và đầu năm 2012, NHNN đã nhận diện được các TCTD yếu kém nhất cần có biện pháp cơ cấu, chỉ đạo các TCTD xây dựng phương án tái cơ cấu phù hợp, báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai.

Để xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém không có phương án cơ cấu lại khả thi hoặc không thực hiện thành công phương án cơ cấu lại được phê duyệt, NHNN đã tiến hành mua lại bắt buộc 3 ngân hàng với giá 0 đồng phù hợp với quy định của pháp luật. Đến nay, NHNN đã giảm 17 TCTD, kiểm soát và từng bước xử lý các TCTD yếu kém, đảm bảo ổn định, an toàn hệ thống; không để đổ vỡ, khủng hoảng ngân hàng; tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm.

Sau hơn 4 năm triển khai, gần 456.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý (bằng 98% số nợ xấu tại thời điểm tháng 9/2012), trong đó 58% được các TCTD tự xử lý, 42% được xử lý qua VAMC. VAMC đã phát huy rõ vai trò là công cụ quan trọng xử lý nợ xấu, cải thiện thanh khoản cho các TCTD, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng ngân hàng.

Chênh lệch số liệu nợ xấu giữa các TCTD báo cáo và số liệu giám sát của NHNN được thu hẹp và trùng khớp từ tháng 3/2015. Đến cuối tháng 9/2015, nợ xấu toàn hệ thống đã được đưa về mức 2,93%, hoàn thành mục tiêu đề ra. Kết quả xử lý nợ xấu đã góp phần quan trọng khơi thông nguồn vốn, cải thiện tăng trưởng tín dụng và kinh tế một cách vững chắc.

Thành quả 5 năm và bước đi mới

Trong 5 năm qua, thị trường tiền tệ dần được ổn định và ngày càng được củng cố vững chắc. Chính sách tiền tệ được điều hành bài bản, năng động, vừa linh hoạt phù hợp, vừa có tác động định hướng dẫn dắt kinh tế vĩ mô đi vào ổn định và giảm thiểu tác động bất lợi của các cú sốc từ thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế và khu vực.

Thanh khoản của nền kinh tế và của hệ thống ngân hàng ngày càng được cải thiện. Mặt bằng lãi suất giảm mạnh qua các năm, được cho là giai đoạn có mức lãi suất thấp và ổn định nhất. Thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định trong bối cảnh thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế và khu vực có nhiều biến động. Đây cũng là giai đoạn tỷ giá ngoại hối ổn định lâu nhất, dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao nhất đảm bảo vị thế đối ngoại của nền kinh tế. Thị trường vàng được chấn chỉnh một bước căn bản, đi vào ổn định. Dòng vốn tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, tăng trưởng đi vào chất lượng, hiệu quả góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tái cơ cấu hệ thống Ngân hàng và xử lý nợ xấu là điểm sáng trong tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Hoạt động thanh toán có bước phát triển đột phá. Hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng được đẩy mạnh. Hiệu lực, hiệu quả các mặt hoạt động hỗ trợ được nâng lên rõ rệt. Thị trường và xã hội ngày càng tin tưởng vào việc điều hành chính sách tiền tệ, giá trị và vị thế của đồng Việt Nam được củng cố và nâng cao.

Ngành Ngân hàng: 5 năm thử thách và thành công

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Những thành tựu trên đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cử tri cả nước ghi nhận và đánh giá cao; góp phần đáng kể vào bước ngoặt thành công của Việt Nam khi đồng loạt được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới đã nâng hạng Xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, qua đó nâng cao uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh biểu dương những thành tích mà ngành Ngân hàng đã đạt được trong năm 2015 cũng như giai đoạn 2011 - 2015 có sự đóng góp rất lớn vào sự phát triển chung của cả nền kinh tế.

Trong năm 2016, Phó Thủ tướng cho rằng, ngành Ngân hàng cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, không thể thoả mãn, chủ quan mà cần nỗ lực nhiều hơn nữa, nhất là trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc điều hành chính sách tài chính tiền tệ của NHNN phải giữ thế chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá để tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Ngân hàng: 5 năm thử thách và thành công